Vào mùa đông, môi của trẻ em thường khô ráp, xung quanh miệng xuất hiện một vòng tròn màu đỏ. Hiện tượng này không phải là do trẻ mọc râu mà là căn bệnh viêm da do liếm môi gây ra.
Viêm da do liếm môi là gì?
Viêm da do liếm môi là một bệnh về da và niêm mạc, triệu chứng điển hình là khô, ngứa, bong tróc môi và da quanh miệng. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra đau, rát, khó mở miệng và các hiện tượng khó chịu khác.
Đặc biệt đối với trẻ em, vào mùa đông, do khí hậu hanh khô, trẻ sẽ vô thức liếm môi. Điều này tưởng chừng như đang bổ sung độ ẩm cho môi nhưng thực chất càng liếm môi càng khô, thậm chí gây nứt nẻ và các đốm mụn nhỏ quanh môi.
Viêm da do liếm môi thường xảy ra ở trẻ vào mùa đông. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thay đổi độ ẩm đã phá hủy hàng rào bảo vệ da tự nhiên, khiến vùng da quanh môi của trẻ trở nên thô ráp, dày lên, môi sưng.
Viêm da do liếm môi là một tình trạng không quá nguy hiểm nhưng cha mẹ không nên xem nhẹ. Nếu các triệu chứng ở giai đoạn đầu có thể tự khỏi nhưng dễ tái phát. Cá biệt có những trường hợp kéo dài vài năm, ảnh hưởng tới chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập của trẻ... Vì vậy, cha mẹ nên phát hiện kịp thời tình trạng của trẻ và điều trị kịp thời.
Tại sao căn bệnh này xuất hiện phổ biến ở trẻ em?
- Thiếu vitamin, chế độ ăn ít rau củ
Nếu trẻ kén ăn, thích ăn đồ chiên rán, nhiều calo nhưng lại không thích ăn rau củ quả, trường hợp này trẻ sẽ bị khô da và ngứa nhiều hơn.
- Thói quen xấu
Liếm môi lâu ngày là nguyên nhân quan trọng gây viêm da do liếm môi. Trẻ nhỏ thiếu ý thức trong việc chủ động dưỡng ẩm cho môi, khi môi khô sẽ không nhịn được mà liếm môi. Mặc dù liếm môi có thể làm ẩm môi tạm thời nhưng nó sẽ nhanh chóng bị khô, cuối cùng gây kích ứng môi.
Khi nước trong nước bọt bay hơi sẽ lấy đi lượng nước vốn đã ít ỏi ở môi. Các enzym tiêu hóa khác nhau có trong nước bọt cũng sẽ phá hủy lớp màng bảo vệ trên môi, gây ra các triệu chứng như khô, đóng vảy, ban đỏ, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm môi.
Vì da môi mỏng, chỉ dày bằng 1/3 da cơ thể, không có lớp sừng, không có tuyến mồ hôi, không tiết mồ hôi, tiết ít dầu và có rất ít sắc tố bảo vệ nên dễ bị khô bởi không khí, gió mạnh, nhiệt độ thấp và các môi trường khác.
- Gỡ da môi
Một số trẻ có thói quen gỡ da môi bong tróc, khiến môi bị chảy máu, nhiễm trùng, vết thương khó lành, triệu chứng lặp đi lặp lại, tạo thành vòng luẩn quẩn, cuối cùng sẽ phát triển thành tình trạng mãn tính.
Cách phòng và điều trị bệnh viêm da do liếm môi
- Ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng
Nếu trẻ bị viêm da do liếm môi, bữa ăn nên bổ sung nhiều rau củ quả để tăng hàm lượng vitamin cơ thể cần. Trẻ cần tránh các thực phẩm chiên như gà rán, khoai tây chiên và thịt nướng.
Đồng thời, trẻ nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein, giàu dinh dưỡng như các sản phẩm từ sữa, sản phẩm từ đậu nành, cá, trứng..., đặc biệt uống nhiều nước.
- Dưỡng ẩm tốt cho da
Da của trẻ rất mềm mại, mùa đông vốn khô hanh và nhiều gió, nếu không được bảo vệ đúng cách, môi và má của trẻ sẽ dễ bị nứt nẻ. Vì vậy, cha mẹ nên kịp thời thoa một số sản phẩm dưỡng môi, dưỡng da an toàn, không chứa phụ gia sau khi rửa mặt. Khi trẻ ra ngoài hay khi đi ngủ cần phải dưỡng da.
Đồng thời, cha mẹ đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài để tránh môi trường bên ngoài gây kích ứng cho làn da non nớt của trẻ.
- Sửa chữa những hành vi xấu như liếm môi
Trẻ có những thói quen xấu như cắn môi, liếm miệng, gỡ da môi, mút tay... làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da do liếm môi. Chỉ cần không chú ý, bệnh này sẽ tái phát và trở thành bệnh mãn tính.
- Trường hợp nặng cần đi khám
Không nên dùng tay gỡ da môi khô để tránh chảy máu môi và làm vết thương nặng thêm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến nhiễm trùng.
Cha mẹ có thể dùng một số bàn chải đánh răng có lông mềm để bôi một ít son dưỡng môi lên môi trẻ hoặc bôi một số loại thuốc mỡ có tác dụng chống viêm, chống ngứa và dưỡng ẩm để da được tái tạo một cách tự nhiên.
Nếu môi trẻ có một số triệu chứng như loét, cha mẹ có thể dùng bông gòn hoặc gạc nhúng vào dung dịch nước muối 0,9% ngày 1-2 lần, chườm lạnh lên môi hoặc vùng da xung quanh của trẻ trong 15 phút mỗi lần. Nếu vẫn không thấy đỡ hơn, bạn nên đi khám bác sĩ.
Viêm da do liếm môi rất dễ tái phát, cần sử dụng thuốc đúng cách và tích cực điều trị để rút ngắn diễn biến bệnh, tránh chuyển sang mãn tính.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam