Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, đi kèm theo đó là nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng, tươi sống, an toàn và có độ dinh dưỡng cao đã trở thành là vấn đề thiết yếu không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, do thói quen nên nhiều người nội trợ hiện vẫn còn khá “dễ dãi” trong việc lựa chọn những thực phẩm mà chưa được ngành chức năng kiểm định về chất lượng và an toàn vệ sinh.
Chị Chung Hồng Ngân, ngụ khóm 4, phương 9, thành phố Cà Mau chia sẻ: “Vẫn biết việc chọn lựa thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh là có lợi cho sức khỏe của gia đình. Nhưng thật ra những loại thực phẩm được bày bán tại các chợ truyền thống, chợ “nhảy” (chợ tự phát - PV), bằng mắt thường của người tiêu dùng như chúng tôi, thì sẽ rất khó để phân biệt được đâu là thực phẩm sạch và đâu là thực phẩm không an toàn...”.
Rõ ràng, một thực trạng khá phổ biến hiện nay cho thấy, tại các chợ tự phát hầu hết tiểu thương là nông dân hoặc là những người buôn bán nhỏ, lẻ, những người làm nghề buôn gánh bán bưng, hàng hóa được đem ra chợ để trao đổi, mua bán phần lớn là do họ tự sản xuất được hoặc tự thu gom trong hộ dân, nên để có thể thẩm định được thực phẩm đó có đạt được chất lượng an toàn vệ sinh hay không là rất khó. Mặc khác, thói quen lâu nay của người tiêu dùng là cứ nơi nào tiện lợi, giá cả hợp lý thì mua, chứ ít khi chú ý phải đến các trung tâm thương mại, siêu thị... để lựa chọn các loại thực phẩm mà đã được ngành chuyên môn thẩm định, đánh giá là an toàn.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn (nhiễm vi khuẩn, dư lượng kháng sinh, chất bảo vệ thực vật...) về lâu dài có thể sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó đáng chú ý là có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn thương mạn tính như: Tổn thương đến gan, tim mạch, hệ thần kinh trung ương... Đồng thời, nó còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thể lực cũng như trí tuệ của con người về lâu dài. Mà nhất là đối với trẻ em”.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, người tiêu dùng nên biết cách chọn lựa những loại thực phẩm được xem là an toàn. Ví dụ như: Khi lựa chọn các loại rau, củ, quả thì nên chọn những loại còn tươi, nguyên cuống, không bị dập nát, không héo úa, không có đốm màu hoặc mùi lạ. Còn đối với các loại thịt, cá thì nên chọn loại không có mùi lạ, không có màn nhớt, khi dùng ngón tay ấn xuống, thịt vẫn còn đàng hồi tốt, không bị chảy nước. Nếu là cá, hải sản thì phải còn tươi sống hoặc phải được bảo quản trong độ lạnh cao, mắt cá phải còn trong... Đối với trứng gia cầm, nên chọn trứng không bị nhiễm bẩn (phân, bùn đất...), vỏ trứng còn tươi, mới.
Riêng đối với những loại thực phẩm khô hoặc đóng hộp, phải còn nhãn mác, thời hạn sử dụng, không bị bung nắp; các loại hạt, ngũ cốc không bị mấm mốc. Bởi những loại này một khi đã bị mấm mốc, nó có thể chứa hoặc sản sinh ra rất nhiều loại độc tố gây hại cho sức khỏe, nặng hơn là ngộ độc và thậm chí là có thể tử vong.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải hết sức chú ý là không nên mua các loại rau, củ, quả, thịt, trứng, cá... ở những nơi có nguy cơ bị ô nhiễm cao như: Đường cống xả thải của khu công nghiệp, nhà máy; gần đường cống xả thải nước sinh hoạt đô thị; khu vực vệ sinh công cộng; nơi chứa rác thải sinh hoạt..