Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Chỉ thị nêu, trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đó có phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Số vụ ngộ độc thực phẩm, số người tử vong do ngộ độc đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên... Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Y tế chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong điều tra nguyên nhân; chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc; thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật, methanol trong rượu…
Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên tổ chức đánh giá các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý. Xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý, thông tin về sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn…
Nguồn: hcmcpv.org.vn