Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ, thường gặp nhất là do nhiễm trùng gồm nhiễm vi khuẩn và virus. Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm giúp tiêu diệt tác nhân gây bệnh, tuy nhiên khi trẻ sốt cao có thể gây khó chịu, thậm chí co giật.
BIỂU HIỆN KHI SỐT
Thông thường tuỳ theo nhiệt độ sốt mà trẻ có triệu chứng hay không. Có thể phát hiện sốt khi trẻ có các biểu hiệu sau:
- Trẻ li bì, mệt mỏi hoặc kích thích, quấy khóc
- Biếng ăn
- Thở nhanh
- Sờ nách hoặc bụng trẻ thấy ấm, nóng
- Co giật
CHĂM SÓC TRẺ SỐT ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ
Chăm sóc trẻ sốt đúng cách sẽ giúp trẻ bớt khó chịu, tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng hạ sốt và hồi phục.
1/ Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt khi cần thiết:
- Cần theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên, nhất là khi trẻ sốt cao hay sốt liên tục, ghi chú thân nhiệt của trẻ nhiều lần trong ngày giúp Bác sĩ tham khảo khi đưa bé đến khám.
- Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo; chỉ cho trẻ mặc quần áo mỏng thoáng để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
- Cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt khi sốt trên 38 độ C. Acetaminophen dạng uống và dạng đặt hậu môn là thuốc thường được dùng cho trẻ với liều lượng 10-15 mg/kg/lần ( 4-6 tiếng/lần)
- Lau người trẻ bằng nước ấm khi sốt cao hoặc khi trẻ bị co giật. ( Lưu ý: không áp dụng lau mát cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt dẫn đến hạ thân nhiệt). Trong khi lau mát kiểm tra thân nhiệt mỗi 15-30’, ngưng lau ấm khi thân nhiệt xuống dưới 38 độ C.
2/ Bù nước đầy đủ
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước lọc, nước trái cây, nước súp, oresol..
- Khi được cung cấp đủ nước, thông thường 4 tiếng trẻ đi tiểu 1 lần, nước tiểu vàng nhạt.
3/ Theo dõi các dấu hiệu bất thường:
Ngoài theo dõi thân nhiệt, phụ huynh cần theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ đi khám.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM?
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt
- Sốt quá 2 ngày
- Không kiểm soát được nhiệt độ (dù đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt).
- Đã được đi khám bác sĩ nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM CẤP CỨU ?
Khi sốt kèm theo một trong các dấu hiệu sau:
- Li bì, khó đánh thức
- Nôn ói
- Không ăn uống được
- Co giật
- Trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
- Quấn trẻ quá kín
- Kiêng ăn uống
- Nặn chanh, đổ nước, thuốc vào miệng khi trẻ đang cơn co giật
- Cạo gió, cắt lễ