Y tế trường học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho học sinh khi học tập, sinh hoạt tại nhà trường.
Khám sức khoẻ cho học sinh tại Trường Tiểu học Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An). Ảnh: INT
Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở giáo dục, công tác này còn không ít khó khăn, cả về cơ sở vật chất và nhân lực.
Loay hoay xoay xở
Thầy Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước, Thanh Hóa) chia sẻ, hiện nhà trường không có nhân viên y tế học đường theo quy định nên cử một giáo viên thể dục kiêm nhiệm công tác này. Hằng năm, trường cử giáo viên đi tập huấn kiến thức về y tế.
Tuy nhiên, lớp tập huấn với thời gian ngắn nên khó cung cấp đầy đủ kiến thức y tế học đường. Khi có công văn, văn bản về thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, Hiệu trưởng yêu cầu cán bộ kiêm nhiệm lên kế hoạch kết hợp với trạm y tế xã để làm công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho học sinh, cho học sinh uống thuốc tẩy giun...
Không chỉ khó khăn về nhân lực, thầy Nguyễn Văn Long cho biết, công tác y tế học đường tại nhà trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính. Trường được trích khoản kinh phí (5%) từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho y tế học đường, như: Mua sắm thuốc, dầu gió, bông băng, cồn sát khuẩn và các vật dụng thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Tuy nhiên, học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số nên số lượng tham gia bảo hiểm y tế không nhiều. Bởi vậy, kinh phí trích lại 5% không đủ để tổ chức công tác tuyên truyền vận động, mua bổ sung thuốc...
"Nhà trường phải cân đối từ nguồn tiết kiệm chi, kinh phí hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ nhà trường. Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng trường vẫn nỗ lực, cố gắng phối hợp trạm y tế địa phương lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền hằng tuần cho học sinh; phối hợp với phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho học sinh; cùng với trạm y tế lập hồ sơ về một số bệnh như sởi, bạch hầu, uốn ván...", thầy Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học - THCS Sông Hinh (Sông Hinh, Phú Yên), thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều cũng cho biết kinh phí 5% không thể đáp ứng được yêu cầu. Ngoài nguồn này, nhà trường không còn khoản nào chi cho công tác y tế trường học.
Khó khăn lớn nhất của nhà trường là không có nhân viên y tế trường học. Thay vào đó, trạm y tế xã cử 1 nhân lực giúp trường về công tác y tế và chỉ bố trí thời lượng làm việc 1 ngày/tuần và chủ yếu làm giúp nhà trường các công việc về hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, trường có tới ba điểm trường với hơn 420 học sinh. Bởi vậy, việc khám và chăm sóc sức khỏe rất khó khăn.
Với nguồn kinh phí trích lại 5% từ tổng thu bảo hiểm y tế, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk) sử dụng để phục vụ chi mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho học sinh khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại nhà trường; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu... Cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng chia sẻ, với nguồn kinh phí này, nhà trường phải tiết kiệm mới tạm đủ cho hoạt động y tế học đường.
"Có thể nói, công tác y tế học đường còn nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực. Phòng y tế của trường còn tạm bợ. Nhân viên y tế học đường trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác y tế trường học hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh", cô Lương Thị Hồng cho hay.
Chăm sóc sức khỏe học sinh tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh: NTCC
Phát huy vai trò Ban chăm sóc sức khỏe học sinh
Tại Hòa Bình, thông tin từ ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các trường đã hoàn thành xây dựng kế hoạch hoạt động y tế trường học năm học 2024 - 2025, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và phối hợp với trạm y tế địa phương ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ y tế trường học trước ngày 15/9/2024.
Kế hoạch đảm bảo nội dung hoạt động, công việc theo từng tháng, có phân công cụ thể cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách; việc thực hiện phải đảm bảo bám sát kế hoạch đã đề ra. Với Ban chăm sóc sức khỏe học sinh cũng yêu cầu phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức họp tối thiểu 1 lần/học kỳ.
Trưởng ban là đại diện ban giám hiệu; phó trưởng ban là lãnh đạo trạm y tế xã/phường/thị trấn; ủy viên thường trực là nhân viên y tế trường học (hoặc cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm); các ủy viên khác là giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên phụ trách công tác Đoàn/Đội, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh và một số thành viên khác.
Mỗi học sinh đều được theo dõi sức khỏe thường xuyên tại trường học và cập nhật, ghi chép đầy đủ Sổ theo dõi; thông báo ít nhất 1 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khỏe của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ.
"Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường rà soát, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phòng y tế, nhân viên y tế trường học... Các đơn vị, trường học bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác y tế trường học theo Thông tư số 14/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Căn cứ tình hình thực tế, các trường xây dựng dự toán, tham mưu các cấp bố trí ngân sách tổ chức hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, giữ gìn vệ sinh, nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn trường học... góp phần thực hiện hiệu quả công tác y tế trong các nhà trường", ông Nguyễn Quang Minh cho hay.
Trong điều kiện nhiều khó khăn, để nâng cao hiệu quả công tác y tế học đường, cô Lương Thị Hồng thông tin, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo luôn động viên, khích lệ nhân viên y tế học đường tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhà trường tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế, học sinh, cha mẹ học sinh về y tế trường học; chú trọng giáo dục sức khỏe để học sinh có hành vi tốt, an toàn, có lợi cho sức khỏe, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bên cạnh tích cực tham mưu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường thực hiện phối hợp tốt với cơ sở y tế tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh tật và các loại dịch bệnh đối với học sinh. Trong quá trình thực hiện, nếu còn thiếu thì kinh phí sẽ lấy từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường.
Từ thực tiễn Trường Tiểu học - THCS Sông Hinh, thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều bày tỏ mong muốn nhà trường được bố trí một nhân viên y tế (đào tạo đúng chuyên ngành) theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đồng thời, cấp bổ sung kinh phí để trường chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định. Được như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở cả ba điểm trường.
Y tế trường học là hệ thống thực hiện nhiệm vụ của y tế cơ sở với chức năng chủ yếu là chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh, dịch, tật học đường và các yếu tố nguy cơ về sức khỏe; nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong nhà trường. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện trong trường học.
Theo Giaoducthoidai