Hơn 1 tháng hè trôi qua, tại khoa mắt của các bệnh viện, số lượng trẻ mắc tật khúc xạ tới thăm khám gia tăng. Trong đó, hầu hết trường hợp đều có lạm dụng các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, iPad...
Hà Nội thí điểm can thiệp thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu họcNỗi lo "dịch bệnh" cận thị lan rộngTrẻ bị trầm cảm do "chìm đắm" trong điện thoại
Trẻ khám cận thị tăng mạnh
Nghỉ hè, do cha mẹ vẫn đi làm, nên con trai 10 tuổi của chị Thanh Phương (quận Long Biên, TP Hà Nội) thường xuyên ở nhà cả ngày. Thay vì làm bài tập, toàn bộ thời gian rảnh của cậu lại dành vào việc đọc truyện tranh, xem ti vi, iPad... Tuần trước, thấy con nhíu mắt khi xem ti vi, vợ chồng chị Thương mới giật mình. Kết quả khám mắt cho thấy, cháu đã cận 0,5 độ. Bác sĩ cho hay, việc đọc truyện tranh với những dòng chữ "siêu nhỏ", không gian bó hẹp trong nhà cùng thời lượng dành cho các thiết bị điện tử quá nhiều là những yếu tố tác động tới thị lực của trẻ.
Bệnh nhi khám tật khúc xạ tại Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (TP Hà Nội), chị Thu Huyền (quận Hà Đông, TP Hà Nội) thở dài sau khi nhận kết quả thăm khám. Con gái chị vốn cận nặng tới 5 đi-ốp, nhưng sau 7 tháng, bé đã tăng thêm 0,5 đi-ốp. "Biết mắt của con yếu nên tôi thu hết các thiết bị điện tử trong thời gian cha mẹ đi làm. Tuy nhiên, thật khó có thể hạn chế việc các con đọc sách, đọc truyện bởi nếu không trẻ cũng không biết làm gì cho hết ngày" - chị chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Thị Bích Thủy - Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) - cho hay, thời gian gần đây, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân tới thăm khám mắt, trong đó có nhiều trẻ đi khám tật khúc xạ. Con số này gia tăng so với thời điểm trước khi nghỉ hè. Nguyên nhân do thời điểm này học sinh được nghỉ học, các gia đình thường tranh thủ đưa con đi khám mắt. Ngoài ra, có không ít trường hợp bị cận thị, tăng độ cận thị do suốt thời gian nghỉ hè chỉ ở trong nhà và chơi game, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Vinh Quang - Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đông Đô, Hà Nội) - thông tin, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 15-20 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4-5 lần so với thời điểm trong năm học. "Khai thác tiền sử của bệnh nhân, hầu hết trẻ đều lạm dụng các thiết bị điện tử như: ti vi, điện thoại, laptop, iPad..." - bác sĩ nói
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, qua các kỳ nghỉ hè, số trẻ bị cận thị, tăng độ đều gia tăng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Trung (Khoa Mắt của bệnh viện) cho hay, hiện tượng này do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh của trẻ trong thời gian nghỉ học. Trẻ đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hay với cự li gần trong thời gian dài; chơi game trên điện thoại, trên máy vi tính; xem ti vi quá nhiều khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau nhức.
Dấu hiệu cận khi trẻ đau đầu, mỏi vai gáy
Để phòng nguy cơ cận thị tăng khi kỳ nghỉ hè vẫn còn kéo dài, bác sĩ Nguyễn Bá Trung khuyến cáo, các gia đình cần khuyến khích để học sinh dành nhiều thời gian hoạt động, vui chơi ngoài trời. Quỹ thời gian được khuyến cáo ít nhất từ 80-120 phút mỗi ngày. Việc dành thời gian vui chơi ngoài trời không chỉ phòng ngừa được bệnh về mắt mà còn giúp cho trẻ phát triển toàn diện, cải thiện sức khỏe, phòng chống béo phì và nhiều căn bệnh không lây nhiễm khác...
Các bác sĩ cũng lưu ý, cha mẹ cần sớm nhận biết các dấu hiệu cận thị để đưa trẻ đi khám. Cụ thể, trẻ cần được tới bệnh viện chuyên khoa mắt khi nhìn mờ, nheo mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt. Bác sĩ Nguyễn Vinh Quang cho hay, có những biểu hiện khác cũng là dấu hiệu của trẻ mắc cận thị như: đau đầu, mỏi vai gáy, cơ thể mệt mỏi, kém tập trung.
Hiện nay, có nhiều phương pháp kiểm soát độ cận như đeo kính gọng, đeo kính tiếp xúc mềm, kính tiếp xúc cứng (orthokeratology)... Trong đó, kính tiếp xúc cứng là kính giúp chỉnh hình giác mạc đeo qua đêm, làm phẳng hóa giác mạc vùng trung tâm, giúp trẻ kiểm soát cận thị vào ban ngày. Loại kính này cũng có thể kiểm soát tăng độ cận từ 32 - 63%. Do kính chỉ đeo vào ban đêm, ít tiếp xúc với bụi bẩn nên được đánh giá an toàn so với kính tiếp xúc mềm thông thường. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng mắt, kinh phí của gia đình, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn sản phẩm phù hợp.
Liên quan tới việc dùng thuốc Atropine để ngăn ngừa cận thị tiến triển, đặc biệt ở những trường hợp có độ cận thị cao, bác sĩ Nguyễn Bá Trung cho biết, cơ chế của thuốc hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Atropine liều cao (thông thường là 0,01%) có tác dụng kiểm soát tiến triển cận thị tốt nhưng đi kèm nhiều tác dụng phụ không mong muốn và nguy cơ tái tăng độ cận cao khi ngưng thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp là lóa mắt, giãn đồng tử nhẹ làm khó nhìn gần, mắt bị dị ứng, kích thích. Do đó, việc sử dụng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Bá Trung nhấn mạnh, cận thị là vấn nạn sức khỏe và kinh tế - xã hội toàn cầu. Theo một nghiên cứu quốc tế, dự báo, năm 2050, có khoảng 49,8% dân số thế giới (hơn 4.700 tỉ người) bị cận thị, trong đó có khoảng 9,8% dân số bị cận thị cao (chiếm khoảng 938 triệu người). Việc tăng độ cận mất kiểm soát đi kèm với nhiều biến chứng suy giảm thị lực nghiêm trọng. Điển hình như với bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người bệnh cận thị thấp (từ 1-3 đi-ốp). Người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống gấp 14 lần người có độ cận thị thấp; nguy cơ bong rách võng mạc gấp 22 lần người cận thị thấp; thoái hóa hoàng điểm cận thị cao gấp 41 lần người bệnh cận thị thấp. Không chỉ vậy, người cận thị nặng vẫn có nguy cơ tăng độ cận theo độ tuổi.
Huyền Anh (Phunuonline)