Khi trẻ ho sổ mũi tá !important;i đi tái lại nhiều lần, cha mẹ không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh xử lý điều trị các triệu chứng cho trẻ.
Thời tiết thay đổi, tình trạng ho sổ mũi ở trẻ tái đi tái lại khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nguyên nhân do mưa nắng thất thường là cơ hội để các bệnh lý hô hấp bùng phát ở trẻ nhỏ. Trong đó, nguyên nhân hay gặp nhất khiến các bệnh lý hô hấp khởi phát là do virus.
Bản thân virus sống ở đường hô hấp. Khi thay đổi thời tiết, virus có sẵn trong đường hô hấp và chuyển từ thể không hoạt động sang thể hoạt động.
Đối với trẻ nhỏ, khả năng đề kháng, vệ sinh mũi hay ho khạc đều chưa tốt do vậy dễ bị các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm tai giữa và có các dấu hiệu ho sổ mũi. Thậm chí những trẻ có sức đề kháng kém còn viêm phổi, thở khò khè, viêm phế quản….
Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ
Khi thời tiết thay đổi khiến trẻ ho sổ mũi, bố mẹ thường rất lo lắng. Để giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp cũng như ho sổ mũi cha mẹ cần chủ động phòng chống bằng cách:
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ. Bệnh đường hô hấp lây qua giọt bắn khi trẻ nói, ho, hắt hơi… Giọt bắn lây lan ra không gian xung quanh như bàn ghế, đồ chơi… và trẻ lành khi cầm, hít phải sẽ nhiễm bệnh.
Do vậy, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng, tay chân trước khi ăn để hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Vệ sinh tay trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi đi nhà trẻ về, tăng cường vệ sinh tay.
- Nếu trẻ trên 2 tuổi nên cho trẻ đeo khẩu trang. Hạn chế tiếp xúc nơi đông người hoặc hạn chế tiếp xúc với những người làm việc ở nơi đông người. Đồng thời cha mẹ cũng cần vệ sinh tay chân, mũi họng trước khi tiếp xúc với trẻ nhỏ.
- Tăng cường tiêm phòng vaccine đầy đủ như vaccine cúm, phế cầu, vaccine virus… Tiêm vaccine chính là cách đề kháng làm giảm khả năng lây nhiễm hoặc khi có bệnh cũng ít nguy cơ diễn biến nặng.
Bên cạnh việc phòng bệnh cho trẻ cũng cần lưu ý việc lây lan cho các trẻ khác.
Làm sao để trẻ giảm ho sổ mũi không cần dùng tới thuốc?
Khi trẻ có dấu hiệu ho sổ mũi cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh hay nhỏ mũi bằng kháng sinh. Bản thân virus không thể điều trị kháng sinh, phòng bệnh là chủ yếu. Trong trường hợp trẻ đã có dấu hiệu ho sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, cha mẹ cần bình tĩnh và nguyên tắc là điều trị triệu chứng cho trẻ.
- Nếu trẻ sốt cao, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Thông thường, sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Nhưng khi sốt cao quá, sẽ gây ra một số tác hại như co giật, trẻ khó ngủ, kích thích, vật vã… Do vậy khi trẻ sốt trên 38.5 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ho là phản xạ có lợi của cơ thể. Khi trẻ viêm phổi, ho giúp đẩy các tác nhân không mong muốn qua đờm dãi… Tuy nhiên nếu ho nhiều và kéo dài sẽ khiến trẻ sợ, nôn trớ, mệt. Nếu trẻ ho nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt cần cho trẻ đến thăm khám tại các chuyên khoa để các bác sĩ có biện pháp giảm ho.
- Cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ sổ mũi, ngạt mũi sẽ thở bằng miệng, trẻ quấy khóc, ăn ít… Đây đều là những yếu tố gây thiếu nước cho cơ thể. Lúc này trẻ không chỉ sụt cân, đờm trong mũi họng còn đặc lại gây bít tắc đường thở. Do vậy trẻ cần uống nhiều nước khiến đờm loãng, kích thích ho.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày từ 2-3 lần trước ăn để mũi sạch sẽ.
Đồng thời cần đảm bảo giữ nguyên tắc chế độ dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn mềm, ăn lỏng, dễ hấp thu. Không ép trẻ ăn như lúc bình thường, nên chia nhỏ làm nhiều bữa. Sau khoảng 10 ngày, cơ thể trẻ sẽ quay trở lại bình thường.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy
Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội