người bệnh sẽ khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị.
Uống nhiều nước và bổ sung điện giải
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý có thể gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do chúng ta ăn phải thực phẩm có chứa một loại vi trùng như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là norovirus, vi khuẩn Salmonella và E. coli. Sau khi xác định ngộ độc thức ăn và sơ cứu bước đầu, người bệnh nên nghỉ ngơi để dạ dày được ổn định và tránh ăn, uống trong vài giờ.
Thực hiện bổ sung ngay nước uống hoặc các loại chất lỏng giúp cơ thể không bị mất nước. Bởi lẽ ngộ độc thức ăn thường bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng sẽ khiến cơ thể mất nước. Người bệnh cần uống từng ngụm nước nhỏ ngay khi có thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống, đặc biệt là với những đối tượng như trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền.
Ngoài ra, nước ép trái cây pha loãng, đồ uống thể thao và các loại nước canh, nước hầm thịt hoặc rau củ cũng có thể dùng để bổ sung chất lỏng cho người bị ngộ độc thực phẩm.
Tiếp theo, khi đã có thể ăn uống trở lại, nên cho người bệnh ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, thân thiện với dạ dày. Ăn các bữa nhỏ không có nhiều chất béo và cần nhớ nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi.
Có nên uống men vi sinh và các loại trà thảo dược khi bị ngộ độc?
Nhiều người khi thấy tiêu chảy, đau bụng thì mua men vi sinh uống. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại men vi sinh cho người bị ngộ độc. Thực tế các loại men vi sinh có tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm thiểu triệu chứng đau bụng và tái khởi động lại hoạt động của đường tiêu hóa, song việc uống men vi sinh như thế nào còn tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, do đó cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Một số loại trà thảo dược có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thức ăn. Vì vậy, tùy từng người có thể cân nhắc uống theo tư vấn của bác sĩ. Có thể tham khảo một số loại trả như:
- Trà gừng: Uống một cốc trà gừng hoặc ngậm một lát gừng tươi trong miệng có thể làm dịu dạ dày và cải thiện các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thực phẩm.
- Trà húng quế: Uống một cốc nước ép từ húng quế, thêm một chút mật ong có thể giúp làm giảm cảm giác đau quặn bụng.
- Giấm táo: Bạn có thể uống một chút giấm táo pha với nước ấm. Thức uống này có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và làm dịu các cơn đau.
Những loại nước không nên uống khi bị ngộ độc thực phẩm:
- Không nên uống các loại nước có cồn như rượu, bia.
- Không nên uống cà phê, trà hoặc các loại thức uống chứa caffeine.
- Không nên uống sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Ngoài ra, người bệnh không nên uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp ngộ độc không được kiểm soát, cần nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời cấp cứu.
Khi nào người bị ngộ độc cần cấp cứu?
Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ đều có thể tự phục hồi nếu được chăm sóc tốt tại nhà. Tuy nhiên, nếu rơi vào những trường hợp sau cần nhanh chóng đến bệnh viện:
- Ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng như bị nôn và tiêu chảy liên tục, đau bụng dữ dội.
- Các triệu chứng ngộ độc không thuyên giảm sau vài giờ.
- Xuất hiện các triệu chứng mất nước nghiêm trọng như trở nên lú lẫn, nhịp tim nhanh, mắt trũng sâu, tiểu ít hoặc vô niệu.
- Phụ nữ có thai, trẻ em và người lớn tuổi bị ngộ độc.
- Người mắc các bệnh mãn tính như bệnh viêm ruột (IBD), bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc bệnh thận.
- Người có hệ miễn dịch yếu, ví dụ như đang dùng thuốc, điều trị ung thư hoặc HIV.