Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Việt Nam đang có xu hướng tăng ở cả khu vực nông thôn và thành phố. Đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng học đường, đòi hỏi giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng cho trẻ tại nhà trường và cả gia đình.
Thăm khám cho trẻ thừa cân, béo phì tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh minh họa
Đến đón con tan học, chị Lê Kim Hoa (Hà Nội) thấy con đang cùng bạn bè ăn "xiên bẩn" - món ăn vặt được bán trước cổng trường. "Tôi biết con thích ăn vặt nhưng lo sợ đồ ăn bán trước cổng trường không đảm bảo an toàn thực phẩm nên tôi không cho con mang tiền đến lớp. Thế nhưng con vẫn cùng bạn bè ăn những thứ này. Ở nhà, con chỉ thích ăn đồ ăn nhanh, nhất là đồ rán. Hiện tại con đã thừa cân", chị Hoa cho biết.
Tại hội thảo về dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi được tổ chức mới đây, PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Việt Nam), cho biết, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em trong độ tuổi 5-19 đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Kết quả điều tra trên 5.028 học sinh tại 75 trường trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sóc Trăng năm 2017-2018 cũng cho thấy, gánh nặng kép về dinh dưỡng của học sinh đã nghiêng về phía thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29%. Đối với học sinh trung học cơ sở, tỷ lệ gầy còm và thấp còi là 19,3%.
"Đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường trong giai đoạn tới mà chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp về dinh dưỡng tại nhà trường và gia đình, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mạng lưới giám sát dinh dưỡng và đánh giá quốc gia cần được xây dựng và cập nhật số liệu hàng năm về tình trạng dinh dưỡng của trẻ ở các cấp học, là cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh các chính sách, can thiệp dinh dưỡng học đường, chương trình bữa ăn học đường và chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường", bà Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.
Theo bà Nhung, với giáo dục dinh dưỡng học đường, cần có những giải pháp như:
- Triển khai các mô hình/dự án bữa ăn học đường hợp lý, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, học sinh.
- Xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm bán ở căng-tin trường học.
- Triển khai mạng lưới giám sát quốc gia về tình trạng dinh dưỡng học đường cho tất cả các cấp học.
- Xây dựng và triển khai chương trình can thiệp phòng, chống và kiểm soát thừa cân, béo phì cho trẻ em ở tất cả các cấp học...
"Điều quan trọng là giáo dục dinh dưỡng trong trường học giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ, phòng, chống thừa cân, béo phì và bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Cùng với đó là truyền thông cho cha mẹ học sinh về chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong xây dựng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, thừa cân và béo phì", bà Nhung nói.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam