Vừa rồi Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ cho biết đơn vị vừa tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhi 3 tuổi bị chó cắn nhiều vết ở trên mặt. Bé bị thương ở hai bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất.
Để giúp bà con bảo vệ con em mình an toàn và tránh bị chó cắn, chúng tôi xin chia sẻ 5 cách như sau:
1. Không làm phiền con chó: Không được chọc ghẹo con chó khi nó đang ăn, đang ngủ, đang bị bệnh hoặc đang bị buộc dây. Con chó sẽ mất bình tĩnh khi nó cảm thấy khó chịu bởi sự làm phiền của bé, nó có thể bất ngờ cắn bé.
2. Tránh xa những con chó đang tức giận hoặc sợ hãi. Vì chúng có thể tấn công bất ngờ người đối diện.
Dấu hiệu chó tức giận là sẽ nhe răng ra, gầm gừ, mắt nhiều lòng trắng, tai dẹt lại, liếm môi liên tục.
Dấu hiệu chó sợ hãi là cái đuôi của nó sẽ cụp xuống ở giữa hai chân sau, chảy nước dãi, thở hổn hển, run sợ, mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, ị, tiểu bậy ra ngoài.
Đọc được ngôn ngữ hình thể của con chó để bà con kịp thời xử lý bằng cách tránh xa, để nó có không gian và thời gian bình tĩnh trở lại.
3. Đừng di chuyển nếu con chó vừa sủa vừa chạy tới mình, trái lại bà con nên đứng yên, che chắn cho bé, giữ bé núp sau lưng người lớn. Thường thì mọi người hay có hành vi bản năng là vung tay lên để dọa chó không cắn mình. Nhưng vung tay nhanh cũng kích thích chó cắn người. Chó phản ứng rất nhanh với các chuyển động. Khi vung tay dễ bị tấn công vào ngực, vào cổ. Nên nắm chặt 2 bàn tay và duỗi thẳng, tuyệt đối không nhìn vào mắt chúng. Điều này sẽ làm cho chúng nghĩ chúng ta là một cái cây. Chó sẽ thấy chán nản, không cảm thấy bị đe dọa và bỏ đi.
Có nhiều trường hợp chúng sẽ tiến đến sát với vị trí chúng ta đang đứng. Thậm chí còn đánh hơi tuy nhiên mục đích của chúng lại không phải là tấn công. Không nên quá căng thẳng.
Không nên bỏ chạy khi gặp chó dữ. Việc chúng ta cố chạy thoát sẽ làm đánh thức bản năng săn mồi của động vật. Tốc độ khi chạy của chó nhanh hơn con người rất nhiều. Mất bình tĩnh có thể bị chó cắn vì kích thích hành vi hung dữ của chúng.
Nếu bị té ngã, mình ôm bé vào lòng, nằm cuộn người lại và giữ nguyên tư thế, không nhúc nhích, lúc đó toàn bộ thân thể trông giống như một tảng đá. Chó sẽ bỏ đi nếu chúng ta không phản ứng đối kháng với nó.
4. Tiếp cận từ từ và lặng lẽ với con chó mình không quen.
Em bé nên xin phép người chủ con chó hoặc cha mẹ, người thân của mình trước khi muốn chạm vào con chó. Hãy đứng một bên cạnh con chó, rồi bình tĩnh để con chó ngửi bàn tay của bé trước khi bé chạm vào nó. Khi bé muốn vuốt ve con chó thì phải vuốt lưng nó trước.
5. Nếu chẳng may bị chó cắn, bà con phải nhanh chóng rửa vết thương bằng xà phòng và nước rồi đi ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị vết thương và chích ngừa dại.
Tóm lại đề phòng chó cắn, bà con mình cần dặn dò, chỉ dạy bé những điều cơ bản như không bao giờ kéo tai hoặc đuôi của một con chó. Không bao giờ làm phiền chó khi chúng đang ăn hoặc ngủ. Không lấy đồ chơi hoặc đồ ăn của chó mà không đưa ra đồ thay thế. Không thò tay vào chuồng chó hoặc hàng rào của nhà có nuôi chó để vuốt ve chúng. Luôn xin phép chủ trước khi đến gần chó lạ. Luôn tiếp cận một con chó từ bên cạnh, không bao giờ trực tiếp từ phía trước
Bất kỳ con vật nào, kể cả những con chó hiền lành và đáng yêu nhất, đều có thể cắn nếu nó bị giật mình hoặc bị dồn vào chân tường. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và đảm bảo con chó luôn vui vẻ và khỏe mạnh thì bà con mình có thể giúp con cháu chúng ta giảm thiểu rủi ro.