Theo cá !important;c chuyên gia, tiệc tùng, rượu bia, ăn uống không điều độ trong các chuyến du lịch và nghỉ lễ là nguy cơ khiến hệ tiêu hóa rối loạn.
Nguyên nhân khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng trong thời điểm dịp lễ là do chế độ ăn giàu chất béo, nhiều đồ ngọt, ít chất xơ, tiệc tùng liên miên, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bảo quản sai cách...
Vấn đề tiêu hóa thường gặp
Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, nhiều người có xu hướng chọn đi du lịch ở nhiều nơi khác nhau, hoặc ăn uống ở hàng, quán. Việc ăn uống những đồ lạ, thay đổi nếp sinh hoạt ngày thường có thể gây nên một số bệnh về đường tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, tiệc tùng, rượu bia, ăn uống không điều độ trong các chuyến du lịch và nghỉ lễ là nguy cơ khiến hệ tiêu hóa rối loạn. Tình trạng đó có thể dẫn đến các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng… Một số trường hợp phải nhập viện vì triệu chứng diễn tiến nặng như nôn ói, tiêu chảy, gây mất nước, đau bụng nhiều…
Chia sẻ về vấn đề này, BS.CKI Huỳnh Văn Trung - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nguyên nhân khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng trong thời điểm này là do chế độ ăn giàu chất béo, nhiều đồ ngọt, ít chất xơ, tiệc tùng liên miên, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bảo quản sai cách... Ngoài ra, thời tiết nắng nóng hiện nay cũng là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi trong thực phẩm, dẫn đến nhiều bệnh lý về tiêu hóa nguy hiểm.
Một số vấn đề về tiêu hóa thường gặp đó là đầy hơi, chướng bụng. Đây là triệu chứng tiêu hóa thường gặp nhất, có thể do rối loạn tiêu hóa cấp hoặc viêm đường ruột cấp do vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng... trong thức ăn nước uống. Tình trạng này cũng có thể do tổn thương dạ dày tá tràng cấp tính do ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia, thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy cấp tính cũng thường xảy ra đột ngột sau khi ăn, uống thực phẩm, thức uống không hợp vệ sinh gây nhiễm phải vi sinh vật (vi trùng, virus, nấm...) trong thực phẩm. Tình trạng này thường kèm theo các triệu chứng khác của đường tiêu hóa như đau bụng, nôn ói, nóng sốt…
“Đối nghịch với tiêu chảy là tình trạng táo bón. Tình trạng này thường xảy ra do chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, lạm dụng thức ăn nhanh. Táo bón ít gây ra tình trạng cấp tính nguy hiểm như tiêu chảy. Tuy nhiên, táo bón gây khó chịu vì cảm giác trướng bụng, đầy bụng…”, bác sĩ Trung cho biết.
Ngoài ra, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích… cũng là những bệnh lý phổ biến thường xảy ra trong dịp lễ. Phần lớn liên quan đến chế độ ăn uống, lạm dụng quá mức rượu bia, thuốc lá, thức khuya, ăn trễ…
Bác sĩ Trung đồng thời cảnh báo, rượu bia và những bữa tiệc thịnh soạn là “kẻ thù” của gan và tụy, có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đến tình trạng sức khỏe. Thậm chí, rượu và bia cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng như viêm gan cấp, viêm tụy cấp do rượu hoặc do tăng mỡ máu.
Dự trù thuốc đơn giản
Để ngăn chặn những bệnh lý đường tiêu hóa trên, BS.CKI Huỳnh Văn Trung lưu ý, người dân không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Đồng thời, tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, trà đặc, cà phê... Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường, đạm, chế biến sẵn… Đặc biệt, thức ăn để lâu, mốc ẩm cần vứt bỏ.
Ngoài ra, đảm bảo uống đủ nước, ăn thêm rau xanh, trái cây trong dịp lễ. Qua đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng táo bón xảy ra. Cần lưu ý ăn chín, uống sôi. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tập thể dục thường xuyên, vừa sức.
“Khi đi du lịch xa, chúng ta nên dự trù những loại thuốc cầm tiêu chảy đơn giản như smecta hoặc oresol. Qua đó, nhằm bù nước và điện giải khi xảy ra tiêu chảy. Người đã hoặc đang điều trị những bệnh lý tiêu hóa trên cần tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc điều độ, nhằm tránh nguy cơ tái phát cũng như thúc đẩy bệnh lý tiến triển thêm”, bác sĩ Trung khuyến cáo.
Bên cạnh đó, những người có bệnh lý gan mạn như viêm gan siêu vi B, C… cũng như có tiền căn viêm tụy cấp hoặc mạn trước đó cần hết sức thận trọng về chế độ ăn uống, rượu bia trong dịp lễ. Nếu người bệnh đang dùng các thuốc về huyết áp, hay mỡ máu… cần tuân thủ theo toa. Đồng thời, cần lưu ý kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng. Từ đó, để tránh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng.
Trước đó, thực hiện ý kiến của Thủ tướng tại công điện ngày 20/4 về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 1/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chỉ đạo và thực hiện tốt các việc: Đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan các sự kiện tập trung đông người (nếu có) tại địa phương.
Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh đuối nước, cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch.
Bảo đảm thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.