Để tăng đề khá !important;ng tự nhiên cho trẻ, cách tốt nhất là thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống. Trong đó, cần bảo đảm cho trẻ uống đủ nước.
Dấu hiệu sức đề kháng kém
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 trên cả nước đang tăng những ngày gần đây. Đặc biệt, trong giai đoạn thời tiết thay đổi, dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cần làm gì để trẻ tăng cường miễn dịch là băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh.
Theo bác sĩ Trịnh Văn Du - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cha mẹ cần chú ý tới những dấu hiệu cho thấy trẻ kém đề kháng. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ hay ốm vặt. Sau khi chào đời, trẻ bú mẹ sẽ nhận được một lượng kháng thể lớn.
Theo quá trình phát triển của cơ thể trẻ, hệ miễn dịch sẽ dần hoàn thiện hơn. Tuy nhiên trong những tháng đầu, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên rất nhạy cảm trước các tác động từ bên ngoài. Kết quả là trẻ có hệ miễn dịch kém sẽ thường xuyên mắc các bệnh đường hô hấp khi thời tiết thay đổi và dễ bị ốm vặt.
Một dấu hiệu khác là thèm đồ ngọt. Theo chuyên gia này, nhiều phụ huynh không biết rằng, việc trẻ thèm ăn đồ ngọt cũng là biểu hiện của sức đề kháng bị suy yếu. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt cũng là tác nhân khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu đi.
Trẻ bỏ bú, biếng ăn trong thời gian dài cũng cần được theo dõi kỹ. Bởi đây cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo sức đề kháng của trẻ đang suy giảm. Bên cạnh đó, trẻ có sức đề kháng kém thì hệ tiêu hóa cũng phát triển kém.
Tình trạng đó dẫn đến khả năng hấp thụ thức ăn kém hoặc không thể hấp thụ. Trong trường hợp này, trẻ thường có biểu hiện đi ngoài phân sống, rối loạn tiêu hóa. Nếu tình trạng tiêu hóa kém kéo dài, trẻ sẽ không hấp thụ được dưỡng chất nên bị suy dinh dưỡng.
Tăng đề kháng tự nhiên
Chia sẻ về phương pháp tăng đề kháng tự nhiên cho trẻ, theo bác sĩ Trịnh Văn Du, cách tốt nhất là thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống. Trong đó, cần đảm bảo cho trẻ uống đủ nước.
Cụ thể, trẻ dưới 6 tháng tuổi bổ sung nước qua nguồn sữa mẹ. Do đó, tốt nhất là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trẻ từ giai đoạn ăn dặm có thể uống thêm nước trái cây, nước lọc... để cải thiện đề kháng. Tuy nhiên, không được uống các loại nước có ga, nước ngọt.
Phụ huynh cũng có thể cho trẻ bổ sung men vi sinh. “Vi khuẩn đường ruột giữ vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng kháng sinh.
Bởi vậy, sau mỗi đợt điều trị kháng sinh, các bác sĩ nhi khoa thường ưu tiên khuyến nghị phụ huynh cho bé dùng men vi sinh. Tuy nhiên, trước khi dùng, các phụ huynh cần tham vấn ý kiến bác sĩ để biết cách và thời gian sử dụng”, bác sĩ Du khuyến cáo.
Bên cạnh đó, tăng sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách hiệu quả để có được hàng rào miễn dịch khỏe mạnh. Vì thế, mỗi ngày, các phụ huynh nên bổ sung vào thực đơn của trẻ rau xanh và trái cây như khoai tây, cà chua, bông cải xanh, ổi, bưởi, dâu tây...
“Trẻ sẽ có sức khỏe tốt hơn nếu được vận động thường xuyên. Vì thế, với trẻ mới biết đi, cha mẹ hãy cho bé chạy nhảy thoải mái, bơi lội, tập các động tác thể dục phù hợp”, chuyên gia chia sẻ.
Bổ sung vitamin
Phụ huynh đồng thời có thể cho trẻ bổ sung các loại vitamin hỗ trợ sức đề kháng. Trong đó, việc bổ sung đầy đủ vitamin A (có nhiều trong rau dền, quả gấc, rau ngót...) có thể giúp giảm 23% nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. Tình trạng thiếu vitamin này có thể gây bài tiết ở các tuyến ngoại tiết, giảm khả năng chống lại vi trùng gây bệnh.
Một loại khác cần bổ sung là vitamin E. Loại vitamin này có nhiều trong các loại hạt như đậu, lạc, hướng dương, giá đỗ, mầm lúa mạch, những rau có màu xanh đậm. Nó có tác dụng bảo vệ vitamin A và chất béo ở màng tế bào khỏi bị oxy hóa. Đồng thời, bảo vệ tế bào khỏi các bệnh nhiễm trùng.
Với vitamin C, nó có nhiều trong các loại rau củ, trái cây họ cam quýt. Vitamin C có tác dụng kích thích các tế bào lympho T chuyển dạng và tăng cường hoạt tính của tế bào bạch cầu.
Từ đó, giúp hình thành các bổ thể tăng cường miễn dịch cho trẻ. Trong khi đó, vitamin D có liên quan đến nhiều chức năng của hệ miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.
Cụ thể, 10 - 20% được tổng hợp qua chế độ ăn uống và 80 - 90% qua bức xạ tia cực tím. Vì vậy, bác sĩ Du khuyến cáo, nên kết hợp cho trẻ tắm nắng 15 - 30 phút/ngày với ăn các loại thực phẩm như hải sản, lòng đỏ trứng để tăng cường vitamin D.
“Vitamin nhóm B là folate (B9) và pyridoxin (B6) có vai trò quan trọng hơn cả đối với hệ miễn dịch. Quá trình tổng hợp tế bào tham gia vào cơ chế miễn dịch bị chậm lại nếu cơ thể thiếu chất folate và pyridoxin. Những loại vitamin này có nhiều trong ngũ cốc, các loại hạt, cám gạo”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sắt, kẽm và selen cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể, sắt cần thiết cho quá trình phân bào, ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể.
Do đó, thiếu sắt có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cho cơ thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, lòng đỏ trứng...
Trong khi đó, kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa, giúp tăng cường miễn dịch, mau lành vết thương, duy trì vị giác và khứu giác. Vì vậy, việc thiếu kẽm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng.
Selen đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase. Đây là một loại men ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch. Thiếu selen có thể gây suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức, ức chế hệ miễn dịch.
Vân Huyền