Được coi là !important; một trong những thực phẩm tự nhiên lành mạnh, nhu cầu tiêu thụ các loại hạt ngày càng nhiều, chủng loại cũng rất đa dạng. Nhưng không phải tất cả các loại hạt đều có giá trị dinh dưỡng giống nhau. Đây là điều bạn nên biết để ăn đúng cách.
1. Các loại hạt chứa nhiều chất béo lành mạnh
Vì có nhiều loại hạt khác nhau nên giá trị dinh dưỡng trong các loại hạt cũng khác nhau. Tuy nhiên, các loại hạt có nhiều chất béo, protein và chất xơ, ít carbs và là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin E, magiê và selen.
Nhìn chung, các loại hạt chứa một lượng chất béo tương đối lớn, từ khoảng 50- 73g trên 100g. Tuy nhiên, các axit béo chứa trong các loại hạt chủ yếu là axit béo không no. Những axit béo này rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta vì chúng có tác dụng chống viêm và bảo vệ màng tế bào của cơ thể. Do đó, chúng được coi là thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.
Chất béo trong hạt được lưu trữ trong thành tế bào của hạt nhưng chúng cũng dễ bị biến mất trong các quá trình tiêu hóa. Kết quả là khi ăn các loại hạt, chúng ta không thể hấp thụ được tất cả chất béo. Một số chất béo thay vì được hấp thụ vào cơ thể sẽ bị chuyển hóa qua đường tiêu hóa.
Các nghiên cứu cho thấy, những người ăn các loại hạt có xu hướng khỏe mạnh hơn và có ít nguy cơ mắc bệnh hơn. Hàm lượng chất béo lành mạnh trong các loại hạt có thể giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Lợi ích của từng loại hạt khác nhau
2.1. Quả óc chó và mắc ca: Giàu chất béo lành mạnh nhất
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, quả óc chó và mắc ca là những loại hạt có mật độ calo cao nhất. Điều này chủ yếu là do chúng chứa rất nhiều chất béo.
Tuy nhiên, các axit béo có trong quả óc chó và mắc ca là axit béo không bão hòa đơn hoặc đa. Các axit béo này rất quan trọng, tốt cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch.
2.2. Hạt điều và đậu phộng: Ít calo
Hai loại hạt có mật độ calo thấp là hạt điều và đậu phộng. Điều này chủ yếu là do hai loại hạt này chứa ít chất béo hơn so với các loại hạt khác. Do đó, nếu đặc biệt quan tâm đến khẩu phần ăn và lượng calo nạp vào cơ thể, bạn nên chọn hạt điều và đậu phộng.
2.3. Hạnh nhân và đậu phộng: Giàu protein
Đậu phộng và hạnh nhân chứa một tỷ lệ protein đặc biệt cao. Đậu phộng thậm chí chứa gần 30g protein trên 100g. Do đó, hai loại hạt này là nguồn protein thực vật tuyệt vời mà bạn có thể dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn uống của mình, đặc biệt cho những người ăn chay cần tăng cường bổ sung protein.
2.4. Hạt dẻ cười: Giàu chất xơ và chất chống oxy hóa
Hạt dẻ cười rất giàu các chất dinh dưỡng có lợi như: chất béo lành mạnh, protein và chất xơ. Chất xơ và protein trong hạt dẻ cười làm cho chúng trở thành một lựa chọn ăn vặt lành mạnh, có thể giúp bạn no lâu và giảm cân.
Chất xơ trong hạt dẻ cười cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy phát triển vi khuẩn có lợi.
Hạt dẻ cười cũng rất giàu canxi, sắt, vitamin A và vitamin C. Nó cũng là một trong những loại hạt giàu chất chống oxy hóa nhất, bao gồm: vitamin E, polyphenol, các carotenoid lutein và zeaxanthin.
3. Ăn các loại hạt như thế nào là đúng cách?
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, các loại hạt chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể và sức khỏe tim mạch. Ăn các loại hạt giúp chúng ta có cảm giác no lâu, vì thế sẽ hạn chế được việc ăn vặt thường xuyên, từ đó có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên cũng cần ăn đúng cách.
Cơ thể chúng ta cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đa dạng và cân đối các loại thực phẩm. Không nên ăn một loại thực phẩm quá nhiều. Các loại hạt cũng vậy, chỉ nên ăn lượng vừa phải, ăn quá nhiều sẽ gây tăng cân.
Đối với người bệnh đái tháo đường nên chọn các loại hạt không thêm gia vị như muối và đường.
Khi sử dụng các loại hạt nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chế biến và bảo quản theo đúng tiêu chuẩn. Tránh ăn các loại hạt có biểu hiện nhiễm nấm mốc hay biến chất dễ nhiễm độc tố aflatoxin gây ngộ độc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Kim Ngân