Thời tiết rét đậm, rét hại cũng là lúc mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng, bổ sung đề kháng cho con.
Những ngày thời tiết giá rét, trẻ em rất dễ bị ốm, không khí chuyển lạnh là điều kiện thích hợp sản sinh các mầm bệnh và khiến diễn biến bệnh nặng thêm. Lúc này, chế độ dinh dưỡng thích hợp kết hợp lối sống lành mạnh là "chìa khóa" giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những rối loạn trong cơ thể.
Vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ em sẽ cao hơn nhiều vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể. Cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin và khoáng chất), các loại chất béo từ dầu thực vật và mỡ động vật giúp trẻ không bị đói và mất sức.
Ngoài ra có thể cung cấp thêm năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món ấm nóng như súp, canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên; Bổ sung vitamin từ rau củ quả.
Dưới đây là những món ăn giữ ấm cơ thể con giúp mẹ "thổi bay" nỗi lo nơm nớp con cảm lạnh trong những ngày trời rét, các mẹ tham khảo nhé.
1. Súp miso: Món ăn Nhật Bản tốt cho sức khỏe của trẻ
Món súp này được nấu từ thực phẩm lên men (miso) có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể, bổ sung vitamin, khoáng chất và axit amino. Cơ thể trẻ sẽ được cung cấp một lượng muối phù hợp, ổn định nếu dùng món súp Miso vào thực đơn hằng ngày. Đặc biệt, món ăn này còn được dùng để phòng tránh nhiễm lạnh cho trẻ.
Cách chế biến:
Mẹ cho 1 muỗng bột dashi (có thể mua ở siêu thị) và 1 chén nước vào nồi rồi đun sôi. Thêm đậu hũ, các loại rau củ và hải sản tùy thích. Tiếp đó hòa tan 1 muỗng canh tương Miso vào nồi hỗn hợp trên và đun sôi lại. Mẹ cho bé dùng lúc còn nóng.
2. Súp bí ngô và bông cải xanh
Loại súp này cũng rất ngon, ngọt, bổ sung rau xanh cho trẻ. Con ăn lúc còn ấm sẽ rất ngon, bổ sung các vitamin từ rau củ quả.
Cách chế biến:
Các mẹ lấy 100g bí ngô gọt vỏ, rửa sạch và cắt làm 4 khúc. Tưới 1 thìa canh dầu oliu lên bí ngô và dùng đũa đảo cho đến khi thấm đều. Nướng ở nhiệt độ 425 độ C tới khi bí ngô chín mềm. Với xúp lơ, mẹ rửa sạch 1-2 bông rồi cho vào nồi hấp cách thủy cho chín. Tiếp đó, cho cả 2 loại rau đã chín vào máy xay, thêm ⅓ chén nước và nghiền cho nhuyễn để vừa miệng trẻ.
Sau khi có hỗn hợp, mẹ cho lên bếp đun sôi, thêm một chút bột năng để súp sánh lại, cho ra bát và dùng được ngay.
3. Canh gà
Các loại thịt nạc như thịt bò, thịt lợn, thịt gà cung cấp nguồn đạm dồi dào, đảm bảo đủ năng lượng cho bé thích ứng với nhiệt độ thời tiết xuống thấp. Đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch tốt hơn. Vì thế việc bổ sung cho bé các món súp chế biến từ thịt nạc như súp gà nóng vừa giữ ấm cơ thể trẻ vừa có tác dụng phòng các triệu chứng cúm ngày lạnh.
4. Món ăn có chứa hành tỏi
Hành và tỏi là loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa Quercetin - một loại kháng sinh có tác dụng chống virus. Chúng có đặc tính kháng khuẩn giúp bé tăng khả năng miễn dịch, có thể chống lại cảm cúm, cảm lạnh và các bệnh khác như hen suyễn, viêm phế quản...
Không chỉ giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch mà tỏi còn là loại thực phẩm giữ ấm cơ thể tuyệt vời. Những món có tỏi mẹ có thể chế biến cho trẻ dễ ăn như tôm xóc tỏi, cánh gà chiên mắm tỏi, các loại rau xào tỏi...
5. Cháo cá, canh cá, ruốc cá
Omega 3 có trong các loại cá hồi, cá thu, cá trích giúp tăng cường sự lưu thông của hệ tuần hoàn, bảo vệ phổi khỏi các virus cúm. Đồng thời giúp trẻ ngăn ngừa mắc các bệnh về đường hô hấp. Với những lợi ích như vậy, bố mẹ nên cho trẻ tăng cường ăn cá trong những ngày lạnh. Một số món mẹ có thể chế biến cho trẻ như cháo cá, canh cá, ruốc cá...
Ngoài việc bổ sung cho trẻ những loại đồ ăn, thức uống trên bố mẹ cũng nên tránh cho trẻ ăn một số loại thực phẩm không tốt cho sức đề kháng non nớt của bé trong những ngày lạnh như:
- Rau củ có tính hàn: dưa hấu, dưa chuột, củ cải...
- Thức ăn lạnh: Kem, nước đá, sữa chua lạnh.
- Nghêu, sò.
- Các món ăn vặt như bánh kẹo, gà rán, khoai tây chiên, nước ngọt có gas...