Vấn đề lợi ích và sự an toàn đối với các chất bảo quản, các chất tẩm ướp thực phẩm hiện nay vẫn chưa có công trình khoa học nào đánh giá một cách chính xác. Tuy nhiên, theo y học hiện đại thì đây lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dễ dẫn đến sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Thậm chí là có thể gây tử vong, nếu ở mức độ nghiêm trọng. Thật ra, chất bảo quản thực phẩm cho dù là hóa chất tự nhiên hay nhân tạo, thì chúng đều có công dụng cho việc thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự hư hỏng, thối rữa gây ra do sự phát triển của các vi sinh vật hoặc do có sự thay đổi nào đó ngoài ý muốn của con người về mặt hóa học, giúp cho việc bảo quản thực phẩm được lâu hơn và cũng sẽ có màu sắc bắt mắt hơn.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau: “Nếu việc sử dụng các chất bảo quản từ các nguyên liệu tự nhiên trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, chúng không những không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như làm mất đi các chất dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị hay trạng thái của thực phẩm, mà chúng còn giúp cho quá trình chế biến có những món ăn ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt…”.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Huỳnh Thanh Sử: “Còn nếu việc sử dụng các chất phụ gia có nguồn gốc nhân tạo từ các loại phẩm màu, hóa chất công nghiệp trong thời gian dài, chắc chắn sẽ có tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Vì các chất bảo quản này thường hay chứa các chất BHA, BHT… chúng có tác hại rất lớn trong khả năng gây ung thư, dị ứng hô hấp, gây ảnh hưởng tới gan và cả hệ thần kinh”.
Chị HTT (Huỳnh Thanh Thoảng), là tiểu thương có hơn 10 năm làm nghề buôn bán hàng nông sản tại chợ Rạch Ráng, thuộc khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Thật ra đối với các loại rau xanh, cá tươi sẽ rất mau bị hỏng, nhất là những lúc thời tiết nắng nóng gay gắt hoặc mưa gió bất thường, chỉ từ 2 đến 3 ngày mà nếu không tiêu thụ hết là coi như người bán hàng bị lỗ. Do vậy, mà chị em tiểu thương chúng tôi cũng phải biết cách để thích ứng và luôn có “bí kíp” thì mới sống được anh ơi”.
Có thể nói, thực phẩm là thứ thiết yếu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Thế nhưng, nếu việc bảo quản thực phẩm không đúng cách hoặc quá lạm dụng chất bảo quản công nghiệp, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sức khỏe của cộng đồng.
Chị Trần Trúc Ly, ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Tôi năm nay đã 51 tuổi, có đến mấy mươi năm làm công việc nội trợ cho gia đình. Hằng ngày đi chợ, tôi vẫn biết các chị em bán hàng rau, củ, thịt, cá tươi và cả cá khô nữa… đều có sử dụng các chất bảo quản, nhưng mình cũng không biết được đó là những loại gì và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn của gia đình đối với người dân chỉ quan sát bằng mắt thường như chúng tôi thì thật sự là rất khó để phân biệt được”.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các loại rau, củ, quả khi vẫn còn tươi, mới càng sớm càng tốt; nếu bảo quản lâu ngày lượng nitrat sẽ gia tăng. Riêng đối với các loại rau, củ, quả có hàm lượng nitrat cao thì cần phải gọt bỏ vỏ, thái mỏng, ngâm nước (tối thiểu là 15 phút) trước khi chế biến, nhất là khi dùng làm thức ăn cho trẻ nhỏ. Các loại thực phẩm có ướp muối nitrat (muối diêm) tốt nhất là chỉ nên sử dụng hạn chế trong bữa ăn của gia đình, để bảo đảm sức khỏe cho gia đình và an toàn cho bản thân mình.