Theo cá !important;c chuyên gia, không phải trẻ cứ biết bơi là sẽ không bị đuối nước.
Nhiều trẻ nguy kịch
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước.
Chỉ tính riêng trong 6 ngày từ 30/5 - 4/6, khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, thậm chí nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.
Đáng nói, trong số 7 trẻ, chỉ duy nhất 1 trường hợp được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách. Các trường hợp còn lại đều được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách.
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng. Bởi, nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.
Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3 - 5 phút. Nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
TS.BS Phan Hữu Phúc cho biết, để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước, cần áp dụng phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33 - 34 độ C trong một vài ngày. Từ đó, bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.
“Tuy nhiên chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không. Trường hợp trẻ ngừng tim kéo dài nhưng trong suốt khoảng thời gian đó trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5 - 7 phút thôi nhưng lại không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng”, BS Phúc nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn dưới nước
Chia sẻ về vấn đề trẻ đuối nước, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) dẫn chứng, xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất thế giới.
Giai đoạn đó, nước ta mỗi năm có hơn 7.000 trẻ em bị chết do tai nạn thương tích, thì 3.500 trường hợp là vì đuối nước. Từ đó tới nay, nước ta đã có rất nhiều nỗ lực can thiệp, phòng tránh ở tất cả mọi lĩnh vực. Do vậy, hiện tại, chỉ còn khoảng hơn 2.000 em tử vong do đuối nước mỗi năm.
“Tuy nhiên đây vẫn là 1 con số kinh hoàng. Có nhiều nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ, môi trường tự nhiên sông ngòi ao hồ kênh rạch chằng chịt, bão lụt thiên tai, lũ ống lũ quét hằng năm… Song, nguyên nhân chính vẫn là sự bất cẩn, thiếu sự quan tâm của các cha mẹ và môi trường gia đình, cộng đồng thiếu an toàn. Phần lớn trẻ em dưới 5 tuổi thường chết do đuối nước trong khuôn viên gia đình, thường ngã rúc đầu vào chum vại bể nước trong nhà tắm, tụt xuống hố, ao nuôi cá cảnh hoặc rãnh quanh nhà”, BS An phân tích.
Theo chuyên gia này, lẽ thường tình, khi thời tiết khí hậu nóng nực, trẻ sẽ tìm đến chỗ nước mát để tắm. Trẻ em luôn cần được vui chơi giải trí. Do đó, khi được nghỉ lễ, nghỉ hè, các em sẽ cảm thấy vui vẻ và chơi đùa thoải mái.
Trong khi đó, để xuống chơi trong môi trường nước, phải có kỹ năng sinh tồn dưới nước.
Hầu hết các tỉnh của Việt Nam ao hồ, kênh rạch nhiều nhưng rất thiếu điểm vui chơi an toàn, thiếu người cảnh giới, không có rào chắn hoặc cảnh báo nơi nguy hiểm.
Thực tế, ở lứa tuổi các em cần thiết phải có người lớn giám sát sự an toàn. Tuy nhiên, người lớn cũng bận đi làm kiếm sống. Hoặc, nhiều lúc trẻ em lẻn đi không báo cho cha mẹ biết.
“Chúng ta phải thống nhất rằng, không phải trẻ cứ biết bơi là sẽ không bị đuối nước. Trẻ xuống nước vui chơi, không chỉ là biết bơi lội phổ thông mà cần thiết phải có kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước, như nín thở - ngụp lặn, trồi người, đứng nước và kỹ năng cứu đuối. Chính vì có nhiều em thiếu các kỹ năng trên, mới biết bơi được hơn chục mét đã chủ quan, khi xảy ra sự cố như tụt chân xuống hố nước đột ngột, chuột rút, bị bạn dìm, túm bám... đã không biết cách xử trí”, BS An cho biết.
Chuyên gia này nêu, trường hợp khác, có thể trẻ thấy bạn bị đuối nước đang vùng vẫy, vội nhảy ào xuống cứu, bị nạn nhân ôm chặt cứng lấy. Hoặc, khi nạn nhân bị bất tỉnh, trẻ không biết cách bơi dìu vào bờ, không biết cách hồi sức tim phổi…
Từ đó, có thể dẫn đến tình trạng 2 - 3 trẻ tử vong.
Chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng là cần truyền thông giáo dục, nhằm nêu cao trách nhiệm và hỗ trợ kỹ năng cho các cha mẹ để bảo vệ trẻ em, phòng chống đuối nước.
Vân Huyền