Tì !important;nh trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam đang được coi là một 'đại dịch' âm thầm diễn ra.
Tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam đang được coi là một “đại dịch” âm thầm diễn ra. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng ý thức được sự nghiêm trọng của tình trạng này.
Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Cần nhận thức đúng từ phụ huynh
- Thưa ông, cần truyền thông, giáo dục như thế nào để các phụ huynh có nhận thức đúng đắn về tình trạng trẻ thừa cân, béo phì?
- Chúng ta đều nhận thức được rằng, việc tăng cân ở trẻ là vì chúng nạp nhiều calo nhiều hơn số lượng calo được đốt cháy, tích lũy dần dần, dẫn đến béo phì. Nó là một căn bệnh mãn tính toàn cầu, nhưng “âm thầm” khiến chúng ta chủ quan không chú ý đúng mức.
Hiện nay, ước tính có gần 30% trẻ có thể được coi là béo phì. Con số này tăng gấp đôi so với tỉ lệ của 10 năm trước.
Tất nhiên, béo phì cũng có vai trò của di truyền. Song, việc phân tích cho thấy, trẻ có xu hướng ăn nhiều hơn trước đây. Lý do có thể là vì thức ăn có mặt ở khắp mọi nơi, có thể ăn được bất cứ thời gian nào và quảng cáo thức ăn tràn lan (trào lưu mukbang trên mạng xã hội) là yếu tố kích thích.
Các phần ăn cũng được nhà hàng chuẩn bị và bán với suất lớn hơn. Cha mẹ vẫn giữ thói quen về niềm tin cho con ăn được nhiều là khỏe hơn. Rồi lối sống thay đổi, trẻ thiếu thời gian dành cho vận động ngoài trời, bố mẹ thiếu thời gian để chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh.
Thậm chí, stress, buồn rầu, lo âu, trầm cảm và các vấn đề cảm xúc tiêu cực khác ở những đứa trẻ đang ngày càng tăng. Cách chúng giải tỏa những cảm xúc tiêu cực này phổ biến nhất lại là “ăn”.
Vì vậy, để có thể giải quyết được sự bùng nổ về thực trạng thừa cân béo phì, cần truyền thông để cha mẹ hiểu đúng và quản lý những suy nghĩ, hành vi thói quen sai lầm gây béo phì và cản trở tình trạng giảm cân. Nó cũng không chỉ tập trung vào việc tuân thủ một chế độ ăn uống, luyện tập nghiêm ngặt, mà còn các vấn đề về tâm lý nữa.
Ví dụ, các nghiên cứu đều chỉ ra những người béo phì thường cũng mắc rối loạn sức khỏe tâm thần. Do đó, các chương trình phòng ngừa béo phì cũng cần tích hợp việc sàng lọc vấn đề sức khỏe tâm thần. Đồng thời, giáo dục họ về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp, không sử dụng việc ăn như một cách thức ứng phó với cảm xúc tiêu cực.
- Ông có thể nói rõ thêm về các động cơ tâm lý của thừa cân béo phì? Người béo phì sẽ chịu những hậu quả ra sao, cả về thể chất và tâm lý?
- Chúng ta đang cố gắng tìm hiểu nhiều cơ chế tâm lý khác nhau của thừa cân béo phì. Có thể phân loại một cách tương đối thành các nhóm “dạ dày đói”. Cụm từ này có nghĩa là dạ dày của cá nhân đó có thể chứa khối lượng thức ăn lớn và không gửi thông tin khi nào nên ngừng ăn.
Ví dụ điển hình là các “thánh ăn” trên mạng xã hội thời gian qua. Nhóm “bộ não đói” là bộ não không gửi thông tin cảnh báo khi nào đã đủ và nên ngừng ăn. Nhóm “người ăn cảm xúc” là những người mà thức ăn đem lại sự an ủi, xoa dịu khó khăn tâm lý cho họ. Nhóm “người tiêu thụ năng lượng thấp” là những người không đốt cháy đủ calo mà chúng ta hay nói vui với nhau là “hít khí trời thôi cũng lên cân”.
Tình trạng thừa cân, béo phì dẫn đến các rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe và tuổi thọ. Đồng thời, làm gia tăng tiểu đường tuýp 2, bệnh về thận, bệnh tim mạch, ung thư và các rối loạn tâm thần gồm lo âu, trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn ăn uống và rối loạn nhân cách…
Các hình thức giảm cân “thần kỳ” là lừa đảo
- Ông cho biết khi nào thì được coi là béo bệnh lý?
- Riêng với vấn đề béo phì, chúng ta cũng cần phải ý thức được thế nào là béo khỏe và thế nào là béo phì độc hại. Ví dụ, chúng ta có thể tin rằng, những vận động viên Sumo Nhật Bản nổi tiếng với việc ăn nhiều và béo phì. Tuy nhiên, họ không bị các bệnh lý liên quan đến béo phì mà những người thừa cân khác phải chịu.
Trong khi đó, có những người được xem là “mảnh mai bên ngoài béo phì bên trong” (thuật ngữ tiếng Anh là TOFI - Thin Outside Fat Inside). Bởi, cơ thể có trọng lượng bình thường nhưng vẫn mắc kháng insulin, rối loạn chuyển hóa và có các bất thường về tim mạch của người béo phì.
Vì vậy, nếu chỉ dựa vào trọng lượng của cơ thể để phán xét, thì chúng ta có thể rơi vào 2 xu hướng nguy hiểm. Cứ thấy trọng lượng cơ thể bình thường, không bị tiểu đường hoặc có cholesterol cao thì chúng ta có thể chủ quan không đi khám sàng lọc kháng insulin và các bất thường chuyển hóa, tim mạch.
Ngược lại, tự “body shaming” bản thân có thể dẫn đến các biện pháp giảm cân không khoa học, như: Sử dụng phẫu thuật hệ tiêu hóa để không thể ăn một cách thoải mái, việc hấp thụ calo trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ mang lại những rủi ro đáng kể với sức khỏe tổng thể và giảm chất lượng cuộc sống của các em.
- Để hạn chế thừa cân béo phì ở trẻ, nhà trường và gia đình cần có những biện pháp gì, thưa ông?
- Quản lý cân nặng để giảm thiểu béo phì cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp. Từ việc truyền thông nhận thức khoa học về béo khỏe và béo phì độc hại, đến các nguyên nhân thực trạng thừa cân, phương pháp khoa học kết hợp giữa một chế độ ăn uống lành mạnh và việc tập thể dục đều đặn.
Chúng ta có thể nghiên cứu để đưa các chương trình giáo dục về dinh dưỡng, chương trình tăng cường nhận thức và phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần vào trường học.
Bên cạnh đó, cũng cần nhận ra rằng, các hình thức giảm cân nhanh chóng, thần kỳ trên mạng nhiều khi chỉ là bán hàng và gây ra những hệ quả tiêu cực, có dấu hiệu lừa đảo.
Chẳng có một thức uống, viên thuốc hay sản phẩm đóng gói thần kỳ nào giúp giảm cân nhanh chóng mà hiệu quả và không đi kèm hậu quả. Nó phụ thuộc vào sự cam kết, kiên trì với các mục tiêu nhỏ.
- Xin cảm ơn ông!