Tới thời điểm hiện tại, rất nhiều người vẫn chưa nắm quy định về quản lý, sử dụng pháo; việc loại pháo hoa nào được phép đốt trong các dịp lễ, tết, sinh nhật,... và sử dụng sao cho đúng luật. Dưới đây là một số quy định về quản lý và sử dụng pháo hoa: 1. Người dân chỉ được đốt loại pháo hoa không nổ?Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/01/2021. Nghị định này có nhiều điểm mới, trong đó tại Điều 17 Nghị định này có nêu rõ: cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Theo Nghị định 137 thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được phép sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Như vậy, người dân khi tổ chức sinh nhật, cưới hỏi… muốn đốt pháo hoa thì không cần đăng ký với chính quyền, chỉ cần đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi thì được phép đốt. Song có điều cần hết sức lưu ý phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ. Theo Nghị định 137 thì người dân chỉ được đốt loại pháo hoa không nổ, nếu không sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật.
Hiểu một cách cơ bản thì pháo hoa không nổ chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, có hiệu ứng âm thanh (như tiếng xì xì), không có thuốc nổ, chứ không phải loại quả pháo hoa đốt lên trời và phát nổ. Loại pháo hoa nổ gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính…
Đối với loại pháo hoa nổ (tầm thấp hoặc là tầm cao) là các loại pháo nổ thường được Nhà nước tổ chức đốt trong các lễ hội, tết phải được cấp phép. 2. Cách để sử dụng pháo hoa đúng luậtĐể các tổ chức và người dân sử dụng pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán đúng luật và tuân thủ những quy định của Nghị định 137, hạn chế nguy cơ cháy, nổ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa an toàn và tiết kiệm cần lưu ý một số nội dung sau:
Cách nhận biết về pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa:
- Pháo nổ: Là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ.
- Pháo hoa nổ: Là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
- Pháo hoa: Là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ, là các sản phẩm như: que, nến, ống châm lửa đốt phụt tia sáng nhiều màu sắc...).
Theo quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì người dân bị cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (Tức là pháo phát ra tiếng nổ thì cấm sử dụng). Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép:
- Đốt pháo trái phép có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người do pháo và thuốc pháo gây ra.
- Sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đốt pháo trái phép gây mất an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, nơi công cộng hoặc làm người điều khiển giao thông mất kiểm soát đến đến tai nạn giao thông.
- Các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, phát sinh các loại tội phạm về pháo nổ, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân đón tết cổ truyền của người dân.
Điều kiện sử dụng pháo hoa:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa cần phải thoả mãn 02 điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Các sự kiện được sử dụng pháo hoa:
- Lễ, tết;
- Sinh nhật;
- Cưới hỏi;
- Hội nghị;
- Khai trương;
- Ngày kỷ niệm;
- Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật khác..
Có thể mua pháo hoa tại cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?
Chỉ những tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
Như vậy, người dân lưu ý chỉ mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng pháo hoa- Việc nghiên cứu, sản xuất hay vận chuyển, tàng trữ pháo hoa là những hoạt động trái phép và gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Khi mang pháo hoa, thuốc pháo hoa trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, là những hoạt động cực kỳ nguy hiểm cần được tránh và đề phòng
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo hoa để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo hoa không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố thuốc pháo để sản xuất pháo hoa trái phép;
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo hoa
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo hoa dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo hoa, thuốc pháo hoa;
- Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo hoa, thuốc pháo hoa. Cá nhân sử dụng pháo hoa trong dịp Tết trái phép có thể bị phạt tiền như thế nào? Chào đón xuân Giáp Thìn 2024 và mừng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, mỗi người dân cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau:
Một là, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng các loại pháo trái phép. Tuân thủ nghiêm các quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng pháo.
Hai là, tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép.
Ba là, nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, pháo hoa nổ, vũ khí, vật liệu nổ, thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Mọi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.
|