1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay" do Lê Khả Phiêu làm chủ biên.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay
Tác giả: Lê Khả Phiêu chủ biên
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật
3. Tổng quan nội dung sách
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã nêu và yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hành những quan điểm hết sức sâu sắc, có tác dụng soi sáng lâu dài trong việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng chân chính cách mạng, “làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” là nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Nhằm phục vụ bạn đọc có thêm nguồn tư liệu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tác giả Lê Khả Phiêu cùng tập thể tác giả đã biên soạn cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay".
Nội dung cuốn sách được biên soạn với cấu trúc gồm 3 chương:
Chương 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: bối cảnh lịch sử và cơ sở hình thành, các giai đoạn hình thành và phát triển (trước 1930,1930-1945, 1945-1969); khái niệm, nội dung, nguyên tắc.
Chương 2: Xây dựng Đảng về đạo đức và yêu cầu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay: tính cấp bách, yêu cầu vận dụng hiện nay
Chương 3: Nhiệm vụ và giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay: Các yếu tố tác động, giải pháp
Xuyên suốt nội dung cuốn sách, thông qua việc khái quát những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tác giả đã khẳng định, là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa, vì vậy, Người đặc biệt coi trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; thường xuyên yêu cầu Đảng phải tự xây dựng, chỉnh đốn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh: Là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân về sự bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong Di chúc thiêng liêng, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức lãnh đạo nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là “cẩm nang” đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.
Cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay" giới thiệu tới người đọc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng về đạo đức và yêu cầu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; nhiệm vụ và giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay.
Đây là tài liệu hữu ích phục vụ mục đích nghiên cứu, học tập và vận dụng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Trích dẫn một số nội dung của Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn đảng để bạn đọc tham khảo:
Tránh nguy cơ tha hoá, biến chất khi trở thành đảng cầm quyền:
Hồ Chí Minh cho rằng, khi có chính quyền, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong công tác xây dựng đảng là phải tránh nguy cơ tha hoá, biến chất trong Đảng, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh phải chống sự hủ hoá, kiêu ngạo, cửa quyền của cán bộ, đảng viên. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (17-9-1945), Người đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “đề phòng hủ hoá”, “lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”.
Tiếp đó, trong “Thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (10-1945), Người đã chỉ rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”; bởi thế cán bộ phải tránh thói cậy thế, cửa quyền, ức hiếp dân. Người cảnh báo cán bộ, đảng viên phải tránh “ngày càng xa xỉ”. Trong bài “Công việc khẩn cấp bây giờ” (5-11-1946), Người tiếp tục chỉ rõ “cần phải rửa sạch những thói hẹp hòi, phu diễn (phô trương, hình thức - BT), tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hoá”. Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” (1947), người tiếp tục nhấn mạnh: cán bộ, đảng viên phải chống thói ích kỷ, hủ hoá, tự cao tự đại, tính kêu ngạo, tự mãn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có thái độ khiêm tốn, “càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”.
Theo Hồ Chí Minh, tư cách một đảng cách mạng chân chính là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm trọn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Để Đảng trong sạch, vững mạnh, “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài”.
Người luôn nhắc cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, “do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa... do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm…, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”; đồng thời, cũng do chủ nghĩa cá nhân mà dẫn đến hàng loạt “bệnh” nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, như: bệnh chủ quan, bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, óc địa phương, bè phái, bệnh phô trương, hình thức “hữu danh, vô thực”, bệnh sách vở, thói ba hoa, tham lam, lười biếng, tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, xa rời quần chúng v.v... Chính vì vậy, Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một loại bệnh rất dễ mắc phải, nhất là sau khi đảng đã giành được chính quyền, nhưng lại là căn bệnh không dễ chữa trị. Để có thể chữa được căn bệnh này, cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, rèn luyện, nêu cao tính đảng, thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng:
1- Dân chủ tập trung. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, là một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng lại được thể hiện một cách sinh động trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nghĩa là: Đảng “có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Trong Đảng, bất kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản”.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau, là hai mặt của một vấn đề. Dân chủ không đối lập với tập trung, mà chỉ đối lập với tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Tập trung không đối lập với dân chủ, mà chỉ đối lập với tình trạng tản mát, tự do tùy tiện, vô tổ chức. Dân chủ là “cơ sở của tập trung”, để đi đến tập trung, dưới sự chỉ đạo của tập trung. Tập trung phải trên “nền tảng dân chủ”, sự tập trung đích thực chỉ có thể đạt được trên cơ sở phát huy dân chủ thật sự trong Đảng. Để bảo đảm tính dân chủ và tính tập trung đích thực trong nhận thức và hành động, Hồ Chí Minh yêu cầu tư tưởng phải được tự do. Người cho rằng, đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng chính là nghĩa vụ của mọi người. “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Như vậy, chân lý, sự đúng đắn, hợp quy luật trong các quyết sách của Đảng chính là sự kết tinh của dân chủ, đồng thời việc thực hiện thắng lợi những quyết sách đó cũng là biểu hiện cao nhất của tập trung.
2-Tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh coi đây là nguyên tắc sinh hoạt đảng, đồng thời là quy luật phát triển của Đảng. Người chỉ rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Bởi vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, muốn xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Tự phê bình và phê bình là thang thuốc quý để chữa các căn bệnh trong Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Người thường nói, khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Nếu nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào cứ thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình bỏ thuốc độc cho mình.
Không những chỉ rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng mà Hồ Chí Minh còn nêu rõ phương châm, phương pháp phê bình và tự phê bình sao cho đúng đắn. Người nói: “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa”. Người cũng yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
3- Kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Hồ Chí Minh cho rằng, “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”. Người khẳng định, nhờ có kỷ luật mà Đảng ta đoàn kết, nhất trí, mạnh mẽ, lãnh đạo cách mạng thắng lợi. Kỷ luật trong Đảng là kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác.
Đảng ta gồm những người ưu tú, tiên tiến, tự nguyện, có cùng mục đích. Nhưng Đảng cũng ở trong xã hội mà ra, vì vậy khó tránh khỏi những tập tục, những thói hư, tật xấu của xã hội bên ngoài có nguy cơ lây lan vào trong Đảng. Do vậy, trong quá trình giáo dục, rèn luyện Đảng ta, Người luôn đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải luôn “giữ vững kỷ luật của Đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành những nghị quyết của Đảng”. Mỗi đảng viên dù ở cương vị nào, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy dù ở cấp nào, cũng đều phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Đảng, biến kỷ luật thành ý thức và hành động tự giác. Có kỷ luật thống nhất mới có sự thống nhất ý chí, thống nhất hành động và Đảng ta mới có sức mạnh.
4- Giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh, đây là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của Đảng. Người khẳng định: “Với sự đoàn kết nhất trí và lòng cương quyết quật cường của Đảng, của Chính phủ và của toàn dân, chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn để đi đến hoàn toàn thắng lợi”. Trong bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (11-5-1952), Người chỉ rõ “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng”.