Ngày 16.8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7.8.2023, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội cho hơn 23.000 đại biểu.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU.
Đáng chú ý, Chỉ thị gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội. Trong đó, chia thành 3 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất các biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật:
1. Thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của trung ương, thành phố.
2. Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vi phạm các Quy tắc ứng xử gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của tổ chức, địa phương, đơn vị.
3. Không tự giác khắc phục, sửa chữa hoặc khắc phục không hiệu quả những khuyết điểm, tồn tại đã được chỉ ra sau kiểm điểm, đánh giá.
4. Không thực hiện hoặc thiếu kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở cấp mình và cấp dưới để xảy ra vi phạm.
5. Không kịp thời phát hiện hoặc phát hiện mà chậm xử lý đối với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý thiếu nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
6. Thiếu dân chủ hoặc mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác;...
7. Thực hiện không nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng và hằng năm; thiếu khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền.
8. Không có quy trình công tác hoặc có quy trình công tác nhưng không thực hiện theo quy trình; không kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình công tác tại cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
9. Không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc xây dựng, ban hành, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; thiếu công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
10. Không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
11. Tổ chức đảng thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoặc đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; không phân công trách nhiệm vụ thể; không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.
12. Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không ban hành quyết định, quy chế, quy định, quy trình; không có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.
Nhóm thứ hai các biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ:
1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền hoặc theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về một nhiệm vụ hoặc công việc cụ thể.
2. Không ưu tiên giải quyết ngay các việc cấp bách; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm; các công việc nổi cộm, bức xúc, cấp bách, công việc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp...
3. Không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm, chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao.
4. Tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.
5. Không trả lời hoặc trả lời nhưng không nêu rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền khi được hỏi hoặc xin ý kiến.
6. Không chủ động dự báo tình hình, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.
7. Thờ ơ, vô cảm, có thái độ bàng quan, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái trong cơ quan, đơn vị và xã hội; không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời, không hết trách nhiệm đối với các vấn đề bức xúc của nhân dân.
8. Người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ dưới quyền có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
9. Không tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Nhóm thứ ba biểu hiện trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo:
1. Không thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện hình thức, thiếu hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
3. Không bảo đảm, tạo điều kiện, bảo vệ đến cùng với cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
4. Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.