Số ca mắc sởi đang tăng nhanh từng ngày, tính đến ngày 04/09, thành phố ghi nhận 541 ca sởi, nhiều trường hợp biến chứng nặng, nhập viện điều trị, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Tiêm vắc xin phòng sởi trở thành vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện tại. Theo các chuyên gia, trong vùng có dịch, vắc xin sởi có thể được chỉ định tiêm sớm hơn cho trẻ từ 6 tháng.
Ngày 27/08/2024, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh. Ngay thời điểm này, trẻ em và người lớn cần khẩn trương tiêm chủng ít nhất 2 mũi vắc xin sởi để có cơ hội tạo miễn dịch sớm, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi lên trên 95%, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh trong cộng đồng.
Nhằm mang đến cho người dân những thông tin quan trọng về diễn biến nguy hiểm của bệnh sởi, các loại vắc xin cần thiết phòng bệnh sởi cho trẻ em và người lớn, tối 06/09/2024 vừa qua, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Dịch sởi bùng phát tại TPHCM, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em & người lớn”.
Chương trình có sự tham gia của BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng Đơn vị Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Q7, BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC và BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Quý Khách có thể xem lại chương trình ngay tại đây
Mở đầu chương trình, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng Đơn vị Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Q7 cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra, lây lan nhanh và rất nguy hiểm bởi chúng có khả năng sống tới 2 giờ trong không gian nơi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Nếu người khỏe mạnh vô tình hít phải không khí ô nhiễm hoặc vô tình chạm vào các bề mặt đã bị nhiễm virus, sau đó vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Sau khi nhiễm virus, trẻ khởi phát bệnh với các triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, chảy nước mắt, mũi, phát ban… bệnh tiến triển nhanh chóng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm các vị trí tai giữa, xoang, phổi, phế quản, màng não, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, có một thực tế đáng lo ngại rằng, bệnh sởi ở người lớn ít được quan tâm do lầm tưởng “sởi là bệnh của trẻ con”, tuy nhiên, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê cho rằng đây là quan niệm sai lầm bởi sởi có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, kể cả người lớn nếu bị suy giảm miễn dịch hoặc chưa có miễn dịch cũng là đối tượng dễ bị virus sởi tấn công, nguy cơ cao gặp biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị kéo dài và tốn kém.
So với trẻ em, các biểu hiện mắc sởi ở người lớn thường nhẹ, không rõ ràng như sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc thoáng qua nên dễ bị nhầm với với các tình trạng nhiễm trùng hô hấp thông thường. Điều này khiến người lớn khó phát hiện bệnh, vẫn đi học, đi làm thậm chí di chuyển nhiều nơi và vô tình tạo cơ hội cho mầm bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt nguy hiểm cho nhóm nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
Ở người lớn, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ nhiễm sởi cao nhất. Nếu mắc sởi trong ba tháng đầu, em bé có nguy cơ mắc dị tật, khi sinh ra nhẹ cân. Ở ba tháng giữa, khả năng thai lưu, sảy thai cao. Trong ba tháng cuối, mẹ có nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu. Trong một nghiên cứu năm 2020 của các nhà khoa học người Ý đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ ghi nhận trong 843 trường hợp mắc sởi có tới 51% số ca là nữ giới, 24 bệnh nhân trong độ tuổi từ 17-40 mắc sởi khi đang mang thai.
Kết quả kiểm tra thai kỳ bất lợi cho thấy có 2 lần sảy thai tự nhiên, 1 lần sảy thai điều trị, 1 lần thai chết lưu và 6 lần sinh non. Các biến chứng về hô hấp phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai (21%) so với phụ nữ không mang thai mắc bệnh sởi (9%).
Ngoài nguy cơ mắc bệnh nặng ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng sởi quanh thời điểm sinh nở có thể dẫn đến nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, trẻ có nguy cơ gặp viêm não xơ cứng bán cấp SSDE – thường khởi phát khi trẻ ở vị thành niên, gây co giật, hôn mê, động kinh thậm chí tử vong sau 1-3 năm.
Chính vì vậy, bác sĩ Hạnh Lê nhấn mạnh: “Tất cả trẻ em và người dân cần chú ý phòng bệnh sởi, đặc biệt chú trọng nhóm phụ nữ mang thai do có hệ miễn dịch yếu và thường gặp biến chứng. Trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát như hiện nay, trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin sởi để có cơ hội tạo miễn dịch sớm, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi lên trên 95%, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh trong cộng đồng”.
Bên cạnh đó, sởi là bệnh truyền nhiễm có tính chu kỳ bùng phát 4-5 năm, thời điểm hiện nay đã vào đúng chu kỳ của bệnh sởi. Phân tích nguyên nhân khiến bệnh sởi năm nay tăng cao, BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết bệnh sởi đòi hỏi cần duy trì tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng trên 95% với 2 mũi vắc xin mới có thể kiểm soát bệnh và không gây nguy hiểm.
Trong khi đó, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 vào năm 2021 làm cho tình trạng cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn, điều này khiến cho tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em Việt Nam cũng như trên thế giới giảm sút rất nhiều, hình thành lỗ hổng “miễn dịch” ngày càng lớn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết tỷ lệ tiêm các loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trong 5 tháng đầu năm 2024 chưa đạt tiến độ. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi những năm gần đây trong cộng đồng khu vực phía Nam được ghi nhận rất thấp và không đồng đều. Nhiều trẻ vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch khiến nguy cơ bùng phát dịch sởi ngày càng tăng cao.
Tuy ít có nguy cơ gây tử vong nhưng sởi là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng hậu sởi nghiêm trọng như viêm các vị trí tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, khô giác mạc, loét giác mạc,… Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng mắc sởi còn có nguy cơ bị viêm phổi kẽ dẫn đến sẹo tiến triển ở mô phổi, gây suy hô hấp.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ có 20 trẻ mắc sởi thì ghi nhận một trẻ bị viêm phổi, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất do bệnh sởi ở trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Luân, bệnh sởi còn nguy hiểm bởi khả năng xóa trí nhớ miễn dịch (còn gọi là hiện tượng suy giảm miễn dịch gián đoạn) mà trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp phải. Điều này được hiểu là khi mắc sởi, virus sởi không chỉ tấn công các cơ quan trong cơ thể mà còn tấn công vào hạch bạch huyết – đây là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo miễn dịch và trí nhớ miễn dịch.
Tuy nhiên, khi virus sởi xâm nhập đến hạch bạch huyết, chúng sẽ nhân lên và tấn công tế bào tham gia vào miễn dịch là lympho B và lympho T – đây là 2 thành phần giúp cơ thể tạo được kháng thể và trí nhớ miễn dịch để nhận diện được tác nhân gây bệnh đã từng gặp.
Đồng thời, ngay lúc này, khi nhận thấy virus sởi tấn công vào tế bào lympho B và lympho T, cơ thể sẽ huy động một lượng lớn tế bào lympho B và lympho T ở những nơi khác đến để tiêu diệt virus sởi. Tuy nhiên, virus sởi cũng sẽ phá hủy toàn bộ những tế bào này và thiết lập hệ miễn dịch trở lại trạng thái ban đầu còn non nớt, chưa hoàn thiện. Điều này khiến người bệnh rất dễ mắc các bệnh lý đã từng mắc trước đây.
Mô tả về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi, bác sĩ Minh Luân cho biết 1 người mắc sởi có số lượng tế bào miễn dịch bị hủy sẽ tương đương 1 người mắc HIV nhưng không điều trị trong vòng 5-10 năm. Khác với HIV, sau khi mắc HIV thì các tế bào miễn dịch sẽ không hồi phục được. Song sau khi mắc sởi, tế bào miễn dịch có thể hồi phục, tuy nhiên mất đến 2-3 năm. Trong giai đoạn này, cơ thể có nguy cơ bị tấn công bởi các virus, vi khuẩn trước đây từng gặp bởi không còn kháng thể.
“Sau đợt mắc sởi nhẹ, cơ thể trẻ mất đi 30% lượng kháng thể ban đầu, còn mắc sởi nặng sẽ mất khoảng 40% kháng thể. Về tỷ lệ tử vong, dù đã khỏi bệnh sởi tuy nhiên trong vòng 5 năm tiếp theo, người bệnh có 50% nguy cơ tử vong do bệnh nhiễm trùng cơ hội. Sởi là bệnh vô cùng nguy hiểm, trẻ em và người lớn cần lưu ý không có tâm lý chủ quan khi thấy con đã hết bệnh sởi, cần chủ động phòng ngừa bằng nhiều biện pháp kết hợp như vắc xin, dinh dưỡng và vắc xin”, bác sĩ Nguyễn Minh Luân chia sẻ thêm.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ai cũng có thể mắc bệnh sởi, đặc biệt những trẻ không được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đầy đủ là đối tượng dễ bị virus sởi tấn công và vô tình trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh.
Hiện nay, TPHCM áp dụng chiến lược tiêm vắc xin với hai giai đoạn nhằm bổ sung miễn dịch cho trẻ càng sớm càng tốt. Giai đoạn một, thành phố tiêm nhanh cho nhóm trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, để đạt tỷ lệ chủng ngừa trên 95%, bắt đầu từ 31/08. Giai đoạn hai, bắt đầu từ 01/10, thành phố tiêm mở rộng cho nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi.
Việt Nam hiện có nhiều loại vắc xin chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn trong chương trình TCMR và tiêm chủng dịch vụ bao gồm: vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam) và vắc xin kết hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (Priorix – Bỉ) dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi; vắc xin kết hợp Sởi – Rubella (MRVac) và 3 trong 1 MMR II (Mỹ) chỉ định cho nhóm từ 12 tháng tuổi. Trẻ từ 7 tuổi và người lớn tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng.
Trong vùng dịch, theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, vắc xin phòng sởi MVVac hoặc MMR II có thể tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh đó, trẻ em có thể được rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin từ 3 tháng xuống còn 1 tháng để cơ thể có miễn dịch phòng bệnh sớm. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng để cơ thể kịp sản sinh kháng thể đặc hiệu bảo vệ cả hai mẹ con.