Em Lê NK, 40 tháng, nhà ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang vào khám bệnh tại bệnh viện vì không chịu ăn, chảy nhiều nước dãi. Tưởng bé mọc răng, nên mẹ không đưa đi khám. Sau hai ngày thấy bé quấy khóc và giật mình nhiều nên mẹ vội vàng đưa đi khám bác sĩ. Bác sĩ khám và chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng độ hai, và khuyên mẹ đưa bé đi nhập viện liền.
Về chuyên môn, khi bé bị nhiễm vi rút tay chân miệng, nó sẽ xâm nhập vào màng nhầy trong cổ họng, rồi tấn công niêm mạc miệng, nó gây hiện tượng viêm và kích ứng các mô ở cổ họng, tạo nên vết phỏng rộp và loét họng, làm cho bé khó chịu và đau đớn. Mặc khác, chính sự hiện diện của vết loét trong miệng làm cho bé bị đau đớn trong họng và nuốt khó khăn, đồng thời cũng kích thích tăng tiết nước dãi nhiều.
Hiện nay bệnh tay chân miệng đang vào mùa và có nhiều biến thể nguy hiểm, vì vậy bà con mình cần tích cực phòng bệnh, như vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay sạch bằng xà phòng,tránh tiếp xúc trẻ bị bệnh. Nếu bé mắc bệnh, cần cho bé nghỉ học để tránh lây lan. Các chất thải của trẻ bị bệnh tay chân miệng cần quản lý thật tốt không để vương vãi ra môi trường xung quanh. Khi thấy cháu có biểu hiện sớm nhất như nuốt khó, tự nhiên chảy nước dãi nhiều thì cần đưa đi khám bệnh để chẩn đoán và điều trị đúng.