Cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, để giúp trẻ bình tĩnh thì điều đầu tiên, bạn cũng phải bình tĩnh. Không nên tỏ thái độ tức giận, lo lắng hay đe dọa trẻ. Bình tĩnh và mềm mỏng, nhưng trong trường hợp cần cương quyết thì phải cương quyết. Như thế, bạn mới có thể rèn được cho con khả năng bình tĩnh trong mọi tình huống.
Yêu cầu trẻ ngồi xuống
Khi trẻ đang tức giận hoặc nổi cáu, để “hạ hỏa”, bạn hãy yêu cầu con ngồi xuống, hít thở thật sâu. Bạn có thể rót cho con một cốc nước ấm hoặc nước hoa quả cho trẻ uống. Điều này sẽ giúp trẻ tĩnh tâm trở lại.
Trò chuyện với trẻ
Cha mẹ hãy ngồi xuống, ngang tầm mắt trẻ và trò chuyện cùng con. Khi hỏi, hãy nhìn vào mắt trẻ. Bị cha mẹ nhìn chằm chằm vào mắt, có thể trẻ hơi bối rối, nhưng chúng sẽ có cảm giác được tin tưởng và nói ra sự thật, nhờ đó mà vấn đề sớm được xử lý.
Bạn có thể hỏi con: Điều gì đang khiến cho con lo lắng? Đã có chuyện gì xảy ra? Bố mẹ có thể giúp con một tay?! Nếu trẻ không chia sẻ, bạn đừng gây sức ép, hãy kiên nhẫn đợi trẻ bình tĩnh trở lại và lại đưa ra yêu cầu được giúp đỡ con tiếp.
Ôm ấp con
Hãy ôm con vào lòng, điều này giúp cho trẻ cảm thấy an toàn và bớt lo lắng. Hoặc không, bạn có thể đưa cho trẻ con thú bông hay một vật nuôi để trẻ cảm thấy được sẻ chia, an ủi.
Cha mẹ trò chuyện để trấn an trẻ. Ảnh: Corbis
Nghe nhạc
Âm nhạc có thể khiến cho trẻ cảm thấy tươi vui hơn và cũng giúp cho trẻ tĩnh tâm hơn. Cho trẻ nghe loại nhạc êm dịu, và trong lúc trẻ nghe nhạc thì bạn đừng nói gì ngay. Hãy để trẻ được thư thái đầu óc, sau đó mới hỏi chuyện.
Tham gia vào một hoạt động khác
Nếu trẻ nhỏ đang sợ hãi hay lo lắng một điều gì đó, bạn có thể kể một vài câu chuyện vui cho trẻ nghe, hoặc có thể cho trẻ xem một chương trình truyền hình yêu thích, đọc sách, chơi đồ chơi hay tham gia một hoạt động thể thao nhẹ nhàng. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ vơi bớt nỗi sợ hãi. Nếu trẻ vẫn không thể bình tĩnh trở lại, hãy áp dụng các mẹo khác trong bài viết này.
Đưa ra hướng giải quyết
Con bạn và bé hàng xóm tranh giành nhau đồ chơi. Hai đứa trẻ đánh nhau. Con bạn mếu máo chạy về nhà mách bố mẹ. Phải làm gì đây? Bạn chạy sang nhà hàng xóm bù lu, bù loa lên, và thế là sau đó hai đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ chơi được với nhau nữa. Hãy bình tĩnh và giúp con bình tĩnh trở lại, cần giảng giải cho con hiểu, khi tham gia vào các hoạt động tập thể, con cần biết nhường nhịn và chia sẻ với bạn. Nếu bạn không nhường con, con hãy nhường bạn. Đừng nghĩ, mình nhường ai đó là thiệt, bạn sẽ biết ơn khi được con nhường đồ chơi. Còn nếu bạn vẫn tỏ vẻ khó chịu khi phải chơi chung với con, thì con cũng không nên tiếp tục làm phiền bạn. Con có thể về nhà chơi với anh (chị) hoặc sang nhà các bạn khác chơi. Con có quyền lựa chọn bạn và lựa chọn cách chơi sao cho mình cảm thấy thoải mái nhất.
Không “đổ thêm dầu vào lửa”
Khi trẻ mất bình tĩnh, ví dụ, trẻ đang vô cùng bấn loạn khi quyển vở bài tập bị em xé rách. Nó tức điên lên và đánh em. Đánh em xong thì ngồi nhìn quyển vở khóc, vì quyển vở đã rách không thể lành lại được. Vậy, trong tình huống này, bạn phải làm gì? Bạn đánh con vì nó đã đánh em? Bạn mắng con không biết bảo quản sách vở? Bạn chì chiết con, ngày mai đi học thế nào cũng bị cô giáo mắng cho mà xem. Những điều này liệu có giúp con bạn bình tĩnh trở lại?! E là không. Đừng gieo rắc thêm nỗi sợ hãi cho trẻ nhỏ. Việc trẻ đánh em là một phản xạ có điều kiện. Vì em xé rách vở nên anh (chị) mới đánh em. Nó không nghĩ mình đã sai mà chỉ nghĩ em mình sai và nó có quyền đánh để em chừa. Vậy nên, cha mẹ hãy giúp trẻ bình tĩnh và không lo lắng nữa. Không mắng mỏ, không quát tháo, không đánh đập, hãy giúp con khắc phục hậu quả, động viên con, rồi sau đó mới đến nhắc nhở con phải để sách vở gọn gàng, khuyên con không nên đánh mắng em vì em còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều.
Việc kiểm soát cảm xúc ở trẻ nhỏ là một điều rất khó khăn. Đừng bao giờ hốt hoảng trước các trò đùa hay thái độ, hành vi của con. Điều gì cũng có thể xảy ra khi trong nhà có một vài đứa trẻ. Hãy bình tĩnh. Việc cha mẹ bình tĩnh có ý nghĩa và giá trị to lớn trong việc giúp trẻ bình tĩnh và cư xử đúng mực hơn.
Hãy luôn luôn làm gương cho trẻ, bạn nhé.