TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG
I. Đánh giá tình hình TNGT và UTGT
1. Tình hình TTATGT toàn quốc:
Việt Nam nằm trong số các nước đang phát triển, trong những năm qua Trung ương, Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách quy định tại Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và UTGT. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện TNGT và UTGT vẫn gia tăng với chiều hướng phức tạp. Trước những năm 2007 bình quân cả nước mỗi ngày TNGT làm chết từ 34 đến 36 người, làm bị thương hàng trăm người khác. Sau khi triển khai mạnh các giải pháp tại Nghị quyết 32/NQ-CP, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục UTGT”. TNGT đã được kiềm chế, xuống còn 30 người chết một ngày. Tính theo thời điểm hiện tại, bình quân cứ 1 giờ có khoảng 1,25 người chết do TNGT.
Trong những năm qua Trung ương, Chính phủ đã đầu tư nhiều kinh phí cho phát triển hạ tầng giao thông như: Giao thông hàng hải, đường thuỷ nội địa, hàng không, đường sắt và đặc biệt phát triển giao thông đường bộ trong đó nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ, cầu, cầu vượt đã được nâng cấp, xây dựng mới và đưa vào sử dụng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Hiện nay, không còn tình trạng công trình chậm tiến độ. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Cùng với công tác đầu tư, công tác bảo trì, bảo dưỡng và bảo đảm ATGT đối với các công trình giao thông hiện có cũng được Bộ GTVT chỉ đạo và đang từng bước triển khai nhằm xoá bỏ các vị trí điểm đen, vị trí mất ATGT. Đặc biệt, từ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động năm 2013, công tác bảo trì, bảo dưỡng đường đã được cải thiện bảo đảm mặt cầu, đường êm thuận; công tác tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung, nâng cấp hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, giải phân cách tách luồng xe ô tô và xe máy được quan tâm, nhất là ở nội đô các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã hạn chế những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Bộ GTVT đã ký kết và tổ chức triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và 34 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường sắt đi qua nhằm đảm bảo TTATGT tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, các Đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn TNCS HCM, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam ở cấp Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp vận động Đoàn viên, Hội viên tham gia bảo vệ TTATGT. TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông được cải thiện.
2. Hậu quả của TNGT:
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tình hình ùn tắc và TNGT tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua Chính phủ có ban hành các Nghị quyết chỉ đạo các bộ, ngành chính quyền các cấp triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT. Tình hình UTGT đã giảm, TNGT được kiềm chế cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên vẫn còn những diễn biến phức tạp, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Theo thống kê số người chết và bị thương do TNGT ở nước ta chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 49, đây là lứa tuổi có sức khoẻ, trí tuệ cống hiến và làm ra nhiều của cải, vật chất cho Xã hội, là trụ cột của gia đình. TNGT cướp đi sức khoẻ, tính mạng của những người đang cống hiến sức lao động, trí tuệ cho Xã hội. Đây là một tổn thất rất lớn cho mỗi gia đình và toàn Xã hội, nhiều gia đình lâm vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, kinh tế rơi vào cảnh khó khăn, nghèo túng. Những gia đình có người thân bị TNGT cướp đi sức khoẻ, tàn phế không còn khả năng lao động đẩy gia đình vào hoàn cảnh nghèo khó. Theo ngân hàng phát triển Châu á mỗi năm thiệt hại do TNGT gây ra tại Việt Nam tới hàng tỷ USD, chưa kể đến nguồn nhân lực dành cho việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bị nạn. Đây là thiệt hại vô cùng to lớn do TNGT gây nên, ngoài ra TNGT còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch của quốc gia.
3. Số liệu TNGT
- Số liệu TNGT trên toàn địa bàn TP Hà Nội
+ Năm 2016: xảy ra 1552 vụ TNGT, làm 594 người chết và 1306 người bị thương
+ Năm 2017: xảy ra 1448 vụ TNGT, làm 583 người chết và 1126 người bị thương.
+Năm 2018: Xảy ra 1361 vụ TNGT, làm 549 người chết và 922 người bị thương.
- Tai nạn giao thông trên địa bàn quận Long Biên:
+ Năm 2018 trên địa bàn quận Long Biên xảy ra: 95 vụ TNGT ; làm chết 28 người; bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 10 vụ TNGT, giảm 9 người chết, giảm 04 người bị thương.
+ Năm 2017 xảy ra: 105 vụ TNGT; làm chết 37 người; bị thương 55 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 8 vụ , tăng 13 người chết , giảm 27 người bị thương.
4. Nguyên nhân dẫn đến Ùn tắc giao thông và TNGT.
4.1. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, lạc hậu. Hệ thống đường xá kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Tổ chức giao thông còn nhiều bất cập chưa khoa học như : Việc phân tuyến, phân làn, nhiều tuyến phố còn tình trạng đào đường, đào hố, xây dựng “lô cốt” quá thời gian cho phép. Sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện cơ giới đường bộ (tăng bình quân 10%/năm), vượt xa tốc độ phát triển năng lực kết cấu hạ tầng (tăng chưa đến 1%/năm) cũng như trình độ quản lý, tổ chức giao thông và năng lực TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT còn hạn chế.
4.2. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng xây dựng ở khu trung tâm đô thị, gần đường giao thông nhưng thiết kế chưa hợp lý, thiếu nơi dừng, đỗ xe cho khách hàng, thiếu bến bãi cho taxi dừng để chờ khách đã gây ra tình trạng taxi chạy lòng vòng tìm khách, dừng đỗ vô tổ chức. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bán hàng, đổ vật liệu xây dựng, các biển quảng cáo lắp đặt trái phép vi phạm hành lang an toàn giao thông làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông.
4.3. Nhiều phương tiện tham gia giao thông chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, chưa làm thủ tục đăng ký vẫn lưu hành trên đường.
4.4. Phương tiện giao thông công cộng chưa được đầu tư đúng mức. Quá trình quản lý điều hành mạng lưới giao thông công cộng còn yếu kém, lạc hậu chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.
4.5. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế: Đi sai phần đường, làn đường; vi phạm nồng độ cồn sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; tránh vượt sai quy định; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông; lạng lách, đánh võng và đua xe trái phép…vẫn diễn ra nhiều. Nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, có hiện tượng chủ quan, lơi là, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT như thông tư số 38/2010 về thông báo người vi phạm TTATGT về nơi học tập, công tác và cư trú; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong việc thực hiện một số chủ trương còn chậm như: Di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô, xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn hạn chế.
4.6. Một số văn bản còn ban hành chậm so với kế hoạch, vẫn còn những quy định chưa sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức ở một số Bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn lực, lựa chọn phương pháp phù hợp để tuyên truyền còn hạn chế; Công tác TTKS xử lý vi phạm TTATGT vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan; vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong thực thi công vụ; Năng lực kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ phát triển của phương tiện giao thông, việc phân làn, phân luồng giao thông chưa phù hợp, một số điểm đen về TNGT chưa được xử lý triệt để; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải tại một số địa phương có tình trạng buông lỏng; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại một số đơn vị còn chưa thực hiện nghiêm các quy định về thời lượng, chương trình đào tạo, chưa thực hiện nghiêm quy định về sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng; Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đăng kiểm còn hạn chế, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở đăng kiểm xã hội hóa, một số cán bộ đăng kiểm còn thiếu tinh thần trách nhiệm, hiện tượng tiêu cực vẫn còn xảy ra.
II. Các giải pháp kiềm chế UTGT và TNGT
1. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đa dạng nhiều hình thức, nội dung đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Với mục tiêu cần phải đạt được là làm cho mọi đối tượng tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về giao thông và nhận thức được những nguy cơ, hiểm họa, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
1.2. Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV khi tham gia giao thông theo chương trình phối hợp liên ngành số 20/2013 giai đoạn 2013-2018 giữa Sở GDĐT, Sở GTVT, Thành đoàn và CATP Hà Nội.
1.3. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao văn hóa giao thông Hà Nội. “Văn hóa giao thông” tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện, nhằm hạn chế tối đa TNGT và UTGT.
1.4. Tổ chức lại giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông phù hợp với lưu lượng phương tiện vào giờ cao điểm (sáng, trưa, chiều). Tăng các tuyến phố phân làn giao thông một chiều, phân tách làn, làn đường dành riêng cho xe buýt, xe taxi vào các cổng bến xe, bệnh viện vv…
1.5. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, Ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Thành phố đến phường, xã đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc và tai nạn giao thông.
1.6. Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sĩ công an giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân mắc khuyết điểm trong công tác này.
1.7. Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe tải.
1.8. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT; Ban An toàn giao thông từ thành phố đến phường, xã.
1.9. Tập trung quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
- Tình hình ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp mang tính đột phá được thực hiện tại hai thành phố như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt ở các nút giao; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hoá lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; kiểm soát số lượng và khu vực hoạt động của xe taxi; bố trí lệch giờ làm việc, học tập; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định pháp luật của người tham gia giao thông… nhờ đó, số vụ, số điểm ùn tắc giao thông đều giảm.
III. Tình hình TTATGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội:
Hạ tầng giao thông ở Hà Nội đã được nâng cấp như: Xây thêm cầu vượt Sông Hồng, Sông Đuống, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Phù Đổng, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù...những cầu trên đã, đang và chuẩn bị đưa vào sử dụng góp phần hạn chế ách tắc giao thông. Hiện thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí làm thêm cầu Tứ Liên…để cải thiện tình hình giao thông trên cầu vượt Sông Hồng, Sông Đuống trong khu vực nội thành, hệ thống thoát nước một số tuyến như Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Trần Đại Nghĩa…đã được ngầm hóa tăng thêm diện tích đường cho giao thông, để hạn chế ách tắc giao thông tại những nút giao thông trọng điểm thành phố đã cho xây dựng cầu vượt trên một số tuyến như Sơn Tây - Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Láng, Láng - Láng Hạ, Bạch Mai - Phố Huế ....Để hạn chế tình trạng UTGT hiện thành phố đang tập trung đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh, Hà Đông, ga Hà Nội, Giáp Bát, Nhổn, Yên Viên... Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm chỉ đạo quy hoạch và thực hiện di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra khỏi khu vực trung tâm. Tuy nhiên, yêu cầu này không phải dễ dàng thực hiện được bởi chính những vấn đề có quy luật trong giao thông như:
Thời gian gần đây tình hình UT và TNGT đang có những diễn biến phức tạp. TNGT đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, mỗi năm TNGT cướp đi tính mạng của hàng chục nghìn người chết và bị thương, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Từ đầu những năm 2000 đến nay trước sự đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa, số lượng người tham gia giao thông tăng nhanh, ý thức chấp hành quy tắc giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng ùn tắc và TNGT trên địa bàn Hà Nội, không những để lại hậu quả nặng nề về cả vật chất lẫn tinh thần mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô.
Ngày 1/8/2008 tỉnh Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội đã làm tăng thêm lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Từ diện tích gần 1.000km2 và dân số khoảng 3.4 triệu người, sau khi mở rộng có diện tích khoảng 3.324.92 km2 và 6.232.940 người đã gây nên một số áp lực giao thông lớn trên các tuyến đường vào trung tâm thành phố tạo nên sự quá tải lớn về giao thông. Số phương tiện hiện Hà Nội đang quản lý tính đến quý I năm 2016là 5.701.045 xe ( Trong đó ôtô 566.912 xe, môtô 5.118.171 xe), chưa kể số phương tiện của cơ quan Trung Ương, Quân đội đóng trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra còn khoảng 1.000.000 xe đạp, 264 xe xích lô và khoảng hơn 500 xe ba bánh tự dóng...
UTGT không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống trong đô thị và các quan hệ khác như thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, du lịch...Trong những năm qua mặc dù Chính phủ và thành phố đã quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng hạ tầng giao thông, vấn đề UTGT đã giảm. Tuy nhiên trước sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông, vấn đề hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng, ý thức chấp hành Luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế đó là nguyên nhân dẫn đến UTGT và TNGT, hàng năm đã gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước và Thủ đô. Thiệt hại do UTGT được tính dựa trên các thành phần tổng mức thiệt hại về thời gian, thiệt hại về vật chất, thiệt hại xã hội. UTGT không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống trong đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế, phát triển ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Đối với Hà Nội, theo báo cáo của Sở GTVT thì UTGT thiệt hại tới gần 27 tỷ đồng/1 ngày, tương đương 5.900 tỷ đồng mỗi năm.
IV. Một số giải pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố
1. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2020:
1.1. Để tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, UBND Thành phố, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV nêu rõ mục tiêu đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố từ 2012-2015 như: Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị Thành phố Hà Nội, tập trung vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông vận tải đi trước một bước. Hoàn thành các tuyến đường vành đai 1,2,3; hoàn thành các trục hướng tâm quan trọng như: Quốc lộ 32, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 2 Hà Nội - Thái Nguyên, đường Nhật Tân - Nội Bài, Cầu Nhật Tân, đường trục Tây Thăng Long…
- Giảm thời gian ùn tắc
- Giải quyết một số điểm ùn tắc
- Xây dựng các nút giao thông có đèn tín hiệu, camera kết nối với trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông TP.
- Dự kiến phân làn cho các phương tiện trên một số tuyến.
- Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần vận tải đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên khoảng 35% đến 45% của tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố, phấn đấu giảm tỷ phần đảm nhận xe máy xuống còn 30%.
- Công tác quản lý giao thông và ATGT:
+ Nâng cao năng lực của các cơ quan, cá nhân thực hiện công tác quản lý giao thông và đảm bảo ATGT.
+ Tổ chức tốt công tác điều tiết nhu cầu giao thông bằng các biện pháp kiểm soát tỉ lệ sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy và ô tô con.
+ Xây dựng chính sách cụ thể về ưu tiên sử dụng đường giữa các phương thức như: xe buýt; xe máy; ô tô; xe đạp…
+ Có chính sách cụ thể về vai trò của xe máy trong giao thông đô thị và các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân.
+ Thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về ATGT cho cộng đồng, bao gồm cả các chủ thể công cộng và tư nhân, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các phương tiện gaio thông, thiết lập hệ thống kiểm tra ATGT hữu hiệu và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề đảm bảo ATGT.
1.2. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND TP Hà Nội về thực hiện “ Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, Kế hoạch 500/KH - UBATGTQG với chủ đề: “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”
Bám sát mục tiêu đó, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng cường công tác quản lý, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp chấn chỉnh kỷ cương pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa của người Hà Nội. Bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày một hiện đại khang trang; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, đô thị Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn nhiều như: Đi sai làn đường, phần đường; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ cho phép; vượt đèn đỏ; uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; chở cồng kềnh; quá tải, quá khổ… diễn ra phổ biến. Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh thương mại, du lịch, công sở, giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân có nhiều lúc, nhiều nơi thực hiện không tốt làm mất đi hình ảnh của một Thủ đô văn hiến, mất đi nét đẹp, thanh lịch của người Hà Nội.
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã xác định chủ đề hành động của năm 2019 là “Năm trật tự và văn minh đô thị” với mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô như:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật
+ Các Sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn phải quán triệt, nêu cao hơn nữa ý thức tự giác, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đô thị trong thực thi công vụ. Xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan đảm bảo văn minh công sở.
+ Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật một cách sâu rộng trong cán bộ, công chức và đến từng thôn, tổ dân phố, địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, xem đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cán bộ công chức, của từng công dân góp phần xây dựng Thủ đô trật tự kỷ cương, văn minh đô thị.
+ Kịp thời biểu dương những gương tốt, đồng thời đấu tranh, phê phán quyết liệt những hành vi tiêu cực vi phạm trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị.
- Phát động các phong trào thi đua, tổ chức các đợt ra quân cao điểm
+ Phát động các phong trào thi đua, trên các lĩnh vực, các nội dung công việc của “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2019”, trên cơ sở đó triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
+ Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, trọng điểm; vừa chú trọng tổ chức các đợt ra quân cao điểm, nhất là nhân dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2019 để tạo ra sự chuyển biến rõ nét và duy trì thường xuyên trật tự, văn minh đô thị.
- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm
+ Các Sở, ngành Thành phố phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành để kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm khắc; chế tài mạnh đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm pháp luật.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đô thị, an toàn giao thông, văn hóa giao tiếp, ứng xử.
2. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030
- Phát triển giao thông và tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các Trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu Quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
- Giải quyết ùn tắc giao thông gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như: đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm…Dành quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 18-20% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh chiếm 4-6%) Riêng ở các quận nội thành cũ đạt khoảng 10-12%.
- Nâng cấp tăng cường quản lý, khai thác các đường phố chính, đường khu vực, nâng cấp mở rộng các bến xe, mạng lưới các điểm đỗ xe và các bãi đỗ xe công cộng, bến xe tại các đô thị vệ tinh, thị trấn. Xây dựng hệ thống bãi đỗ xe ngầm, cao tầng tại khu vực nội thành.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
- Định hướng chung: Tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của thành phố như xe bus nhanh, đường sắt đô thị, xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào, xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống GTVT đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong từng giai đoạn. Tổ chức giao thông hợp lý tại các nút giao thông, các tuyến đường đảm bảo lưu thông trong nội đô và tại các cửa ngõ thủ đô góp phần giải quyết UTGT và TNGT
V.Tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ
Để giảm thiểu TNGT và UTGT. Tôi xin phổ biến cho các em một số quy định của Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ như : Đi bộ, đi bộ qua đường an toàn; đi xe đạp; ngồi trên xe đạp, xe máy như thế nào để đảm bảo an toàn.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định :
1.Đối với người đi bộ: Điều 32 luật giao thông đường bộ quy định:
1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Vì đây là nơi an toàn nhất dành cho người đi bộ. Khi đi bộ trên hè phố các em vẫn phải chú ý quan sát an toàn vì đôi khi các phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy hay ôt ô có thể lấn chiếm hè phố, gây nguy hiểm cho các em.
Không nên:
- Đi dàn hàng ngang tụm năm tụm ba dưới lòng đường để tránh va chạm với các phương tiện giao thông và gây cản trở cho những người tham gia giao thông.
- Hãy chú ý quan sát khi đi ngang các khu vực đỗ xe vì những chiếc xe đó có thể chuyển động bất ngờ, hoặc che khuất tầm nhìn làm các em ko quan sát tránh các xe khác được.
- Không nên chơi đùa trên hè phố vì có thể bị ngã xuống lòng đường
* Đi bộ qua đường an toàn
- Cách an toàn nhất là đi bộ qua đường cầu vượt hoặc hầm sang đường và phải chấp hành báo hiệu chỉ dẫn. Nên qua đường ở những nơi đó dù phải xa hơn một chút.
- Nơi không có cầu vượt hoặc hầm qua đường dành cho người đi bộ hãy qua đường ở những nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
- Cách qua đường ở nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ:
+ Quan sát bên trái, bên phải và bên trái một lần nữa để kiểm tra an toàn tránh các phương tiện giao thông trước khi qua đường.
+ Qua đường trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ vẫn phải quan sát để đảm bảo an toàn.
- Cách qua đường ở những nơi không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ:
+ quan sát kỹ cho đến khi chắc chắn không có xe nào đang đi đến gần thì mới đi qua đường, luôn phải tập trung quan sát đảm bảo an toàn.
+ Giơ cao tay để người lái xe có thể nhìn thấy các em.
- Các em nên qua đường cùng với người lớn.
Không nên:
- Đột ngột chạy sang đường: lái xe không thể dừng lại ngay lập tức và TNGT có thể xảy ra.
- Vượt qua dải phân cách: có thể bị ngã xuống lòng đường và các xe trên đường không kịp tránh.
- Qua đường quá gần chỗ các phương tiện đang dừng đỗ: các phương tiện này có thể chuyển động bất ngờ hoặc che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các em.
- Mải vui nói chuyện: gây mất tập trung các em không thể quan sát được những chiếc xe đang đi tới.
2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp:
Điều 31 luật giao thông đường bộ quy định:
1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.
Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.
4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Lưu ý: Chọn xe đạp có kích cỡ vừa với tầm vóc của các em, các em có thể chống chân xuống đất thoải mái khi ngồi trên yên xe. Các em sẽ dễ dàng điều khiển và xử lý khi bất ngờ gặp tình huống nguy hiểm.
- Kiểm tra xe thật kỹ để đảm bảo mọi bộ phận đều an toàn và hoạt động tốt, đặc biệt là phanh, chuông và lốp xe.
- Nên đội mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp để bảo vệ phần đầu của các em tránh bị chấn thương khi xảy ra tai nạn. Khi đội mũ luôn nhớ cài quai mũ và kiểm tra để đảm bảo quai không quá lỏng hay quá chật.
- Khi đi xe đạp phải điều khiển = 2 tay để giữ thăng bằng cho xe vì ở giao thông việt nam là giao thông hỗn hợp có nhiều phương tiện tham gia giao thông như: xe tải, xe buýt, ôtô, xe máy, xe đạp, thậm chí có cả xe súc vật kéo…Do vậy khi tự đi xe đạp để tránh va chạm với các loại xe khác, các em hãy luôn đi về phía bên phải theo chiều đi của mình và đi vào phần đường dành cho xe thô sơ ( nếu có). Nếu không có đường dành riêng cho xe thô sơ thì đi sát lề đường, mép đường. Xe thô sơ bao gồm xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo…
- Đi với tốc độ vừa phải để có thể dừng lại an toàn khi cần thiết và luôn quan sát tránh các chướng ngại vật trên đường.
Không nên:
- Buông cả hai tay, đi xe bằng một tay hoặc đi xe bằng một bánh, không giữ được thăng bằng cho xe các em có thể bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng.
- Đi xe dàn hàng ngang các em có thể gây cản trở cho các phương tiện giao thông khác đang lưu thông trên đường.
- Lạng lách, đánh võng, hay đuổi nhau. Các em sẽ không để ý quan sát các phương tiện khác để tránh các tình huống nguy hiểm, ngoài ra do đang đi xe với tốc độ cao các em khó có thể dừng xe lại ngay được.
- Sử dụng ô: Ô làm che khuất tầm nhìn của các em và có thể làm các em mất thăng bằng khi có gió mạnh.
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác: Gây cản trở giao thông và dễ bị ngã, nhất là khi các em bám vào ôtô hay xe máy và những chiếc xe đó có thể tăng tốc bất ngờ hoặc chuyển hướng.
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái: những chỗ đó không phải là chỗ ngối an toàn, các em có thể bị ngã.
* Đi xe đạp qua đường an toàn:
- Các bước khi qua đường:
+ Giảm tốc độ
+ Dừng lại ở sát mép đường
+ Quan sát để chắc chắn là không có xe nào đang đến gần và có tín hiệu báo qua đường.
+ Qua đường vẫn luôn chú ý quan sát an toàn vì có thể những phương tiện giao thông bất ngờ xuất hiện, nếu không quan sát để tránh thì có thể va chạm với các em.
Chú ý: Đi qua đường giao nhau có đèn tín hiệu giao thông:
+ Chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông
+ Tín hiệu xanh: được đi
+ Tín hiệu đỏ: cấm đi
+ Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn bật sáng, các em phải cho xe dừng lại trước vạch dừng trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
+ Tín hiệu vàng nhấp nháy: Được đi, nhưng cần chú ý an toàn xung quanh.
- Các bước đi qua nơi đường giao nhau có đèn tín hiệu giao thông:
+ Giảm tốc độ
+ Quan sát chấp hành tín hiệu đèn
+ Quan sát an toàn xung quanh và có tín hiệu báo hướng rẽ nếu chuyển hướng.
+ Qua đường vẫn tập trung quan sát an toàn
Chú ý: Đi qua đường giao nhau không có đèn tín hiệu giao thông
- Giảm tốc độ
- Chú ý quan sát an toàn ở moi phía( Trái, phải, trước, sau)
- Đưa ra tín hiệu báo hướng re nếu chuyển hướng
- Khi thấy không có xe nào đang đến gần mới đi qua nhưng vẫn chú ý quan sát an toàn.
- Nếu đường có nhiều xe qua lại, các em hãy dắt xe qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ khi tín hiệu đèn dành cho người đi bộ bật sáng màu xanh.
2. Đối với người điều khiển người ngồi trên xe mô tô xe gắn máy:
Điều 30 Luật GTĐB quy định:
1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh;
b) Sử dụng ô;
c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
- Cách ngồi an toàn trên xe máy, xe đạp an toàn
- Ngồi thẳng lưng, ôm chặt eo người lái xe, hai chân đặt lên thanh để chân phía sau.
- Ngồi ổn định trên xe, không quay ngang, quay ngửa làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của xe và sự tập trung của người lái xe.
- Bên cạnh đó để tránh bị chấn thương đầu khi xảy ra tai nạn các em phải luôn đội mũ bảo hiểm và cài dây quai đúng quy cách khi đi xe máy, xe đạp vì trên cơ thể bộ phận con người phần đầu là quan trọng nhất la nơi lưu giữ toàn bộ ký ức của các em về gia đình, mái trường, bạn bè, thầy cô…hơn nữa, bộ não còn là bộ phận điiều khiển mọi hoạt động của con người. Do vậy, các em phải luôn nhớ bảo vệ đầu của mình.
Không nên:
- Đứng lên thanh để chân phía sau; Các em khó giữ được thăng bằng và dễ bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng.
- Đứng hoặc ngồi phía trước người lái xe: Dù cho các em có ngồi ngay ngắn ở phía trước thì vẫn rất nguy hiểm. Khi ngồi phía trước, các em sẽ có xu hướng tỳ tay lên tay lái xe để tìm điểm tựa. Như vậy, các em đã làm ảnh hưởng đến việc điều khiển xe của người lái. Không những vậy, khi xe phanh gấp các em sẽ dễ bị va đập và lao về phía trước, các em cũng lam che khuất tầm nhìn của người lái, làm người lái khó điều khiển xe, dễ xảy ra tai nạn.
- Chơi đùa trên xe hay quấy rầy người lái xe: tư thế của người ngồi sau xe máy có ảnh hưởng khá lớn đến việc điều khiển của xe. Khi đi trên đường nếu các em cứ nghiêng bên này, nghiêng bên kia sẽ làm người lái xe khó có thể điều khiển xe cân bằng. Hơn nữa khi xe nghiêng hoặc phanh gấp, các em sẽ dễ bị văng ra khỏi xe.
- Ngồi quay lưng lại với người lái xe: với tư thế ngồi này, các em không bám được vào eo người lái xe nên sẽ dễ bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng.
VI. Tuyên truyền về văn hóa giao thông:
1. Tiêu chí văn hóa giao thông:
* Hành vi được coi là thiếu văn hóa khi tham gia giao thông:
Nhiều người Việt Nam khi tham gia giao thông chưa ý thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho người khác. Thực tế phổ biến hiện nay người đi đường, nhiều người luôn chỉ cố vượt, cố lấn chiếm đường, đi thật nhanh mà ít có thói quen nhường đường cho người khác.
Người đi bộ: đi tùy tiện, không đúng quy định của Luật GTĐB bất chấp lòng đường hay vỉa hè đường phố, kể cả rẽ ngang qua đường khi các phương tiện giao thông đang lưu thông theo kiểu “đi được thì đi”.
Người điều khiển các phương tiện giao thông thường mắc các lỗi sau:
- Mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn, phóng nhanh vượt ẩu không tuân theo các quy tắc giao thông đường bộ;
- Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường một chiều;
- Sử dụng còi ở bất cứ nơi đâu, giờ nào trong thành phố;
- Vừa điều khiển phương tiện, vừa sử dụng điện thoại di động v.v…
Tâm lý đối phó với CSGT và các cơ quan chức năng còn phổ biến ở một số đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về ATGT
* Những tiêu chí của văn hóa giao thông
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí để nhằm xác định khái niệm văn hóa giao thông. Tiêu chí “3 có và 4 không” của văn hóa giao thông được nhiều ý kiến đồng tình nhất. Đó là:
NỘI DUNG 3 CÓ:
- Có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT.
- Có ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác.
- Có hành vi ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường, cư xử có văn hóa như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi va quệt. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời.
NỘI DUNG 4 KHÔNG:
- Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định.
- Không lấn chiếm: Lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT.
- Không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra TNGT
- Không để xảy ra TNGT khi tham gia giao thông.
Như vậy, người có văn hóa khi tham gia giao thông trước tiên phải hiểu rõ về pháp luật và văn minh trong các hành vi của mình. Việc xây dựng văn hóa giao thông cần phải hình thành những thói quen tốt, thói quen bảo đảm an toàn, qua đó khơi dậy những nét thuần phong mỹ tục khi tham gia giao thông.
* Cần làm gì để xây dựng văn hóa giao thông?
Tình hình TNGT ở nước ta đang phải đối mặt với thực trạng trình độ văn hóa giao thông của người dân còn yếu kém thể hiện ở cả mặt chấp hành lẫn việc lên án những hành vi sai trái cố tình vi phạm pháp luật và thiếu văn hóa.
Với những kết quả khả quan đạt được của công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua, đặc biệt là từ khi Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ được ban hành, ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông đã được nâng lên một bước rõ rệt. Ví dụ điển hình nhất cho điều này chính là việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường từ ngày 15/12/2007.
Bên cạnh đó, ngày 04 tháng 3 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm TTATGT Quốc gia đến năm 2010. Một trong những mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về GTĐB của người tham gia giao thông, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông. Để đạt được mục tiêu đề ra, công tác tăng cường bảo đảm TTATGT phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động giao thông của các ngành, các địa phương; đồng thời thực hiện đồng bộ, từng bước, kiên quyết, lâu dài, hướng vào con người để sự nghiệp bảo đảm TTATGT mang tính bền vững.
Rõ ràng giữa “pháp luật giao thông” và “văn hóa giao thông” có mối quan hệ khá khăng khít. Những hành vi, ứng xử “đẹp”, có văn hóa khi tham gia giao thông chỉ có được khi người ta hiểu và tôn trọng pháp luật về ATGT. Mặt khác, ý thức về lối sống văn hóa, tôn trọng người tham gia giao thông sẽ là động cơ tốt thúc đẩy mọi người tìm hiểu và chấp hành pháp luật về ATGT. Nhiều thói quen đã được luật hóa như các quy tắc tránh vượt, nhường đường cho xe ưu tiên và một số thói quen mới hình thành như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi đúng làn đường. Còn nét ứng xử truyền thống như nhường chỗ, nhường đường cho trẻ em, người cao tuổi; ứng cứu người bị nạn; có thái độ ôn hòa khi không may xảy ra va chạm… không phải là điều xa lạ đối với nhiều người tham gia giao thông.
Xuất phát từ thực tiễn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản hướng dẫn và định nghĩa văn hóa giao thông:
“Văn hóa giao thông là biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông”
Trong quá trình nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học đã thống nhất đưa ra 3 tiêu chí cơ bản về nếp sống văn hóa giao thông:
1. Văn hóa giao thông là sự hiểu biết đầy đủ và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông:
Sự hiểu biết đầy đủ và ý thức chấp hành Luật giao thông là khái niệm đôi khi độc lập tách biệt nhau nhưng thông thường sự hiểu biết gắn kết với sự chấp hành: Sự hiểu biết là sự cảm nhận, nhận thức của cá nhân mà trình độ phụ thuộc vào cá nhân, không đồng nhất trong tất cả mọi người (phụ thuộc vào học vấn cao hay thấp, nhận thức nhanh hay chậm....) từ hiểu biết để chuyển đến hành động tức là việc chấp hành các luật lệ về giao thông. Nhưng trong thực tế lại có nhiều trường hợp, nhiều hành vi trái ngược giữa nhận thức và chấp hành, biết sai mà vẫn làm…
2. Văn hóa giao thông là ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông: Đây là công việc phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục “mưa dầm thấm lâu” là trách nhiệm của tất cả các sơ quan, tổ chức chính trị xã hội. Nghị quyết 32/2007 NQ-CP ngày 29/6/2007 của chính phủ đã chỉ ra 7 giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trật tự ATGT, làm cho mọi người khi tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc ATGT - đó là ý thức trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và cũng là nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.
3. Văn hóa giao thông là ứng xử có văn hóa, thể hiện có tình yêu thương con người trong các tình huống không may xảy ra khi tham gia giao thông:
- Xây dựng thói quen trong việc thực hiện luật giao thông như: Quy tắc đi đúng làn đường; quy tắc tránh vượt; nhường đường cho xe ưu tiên; nhường đường cho xe ưu tiên; nhường đường cho người đi bộ, người già, trẻ em; quy tắc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy; không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
- Xây dựng thái độ ứng xử ôn hòa, biết nhường nhịn nhau một các lịch sự, văn minh khi không may xảy ra va chạm giao thông.
- Đối với lực lượng chức năng khi đảm bảo trật tự An toàn giao thông:
+ Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao
+ Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật
+ Không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ.
+ Tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp tai nạn.
+ Giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi
- Hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông, không vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT như:
+ Đi đúng tốc độ; đúng phần đường, làn đường
+ Đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách, đảm bảo chất lượng khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện
+ Không uống rượu, bia khi tham gia giao thông
+ Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường và có đầy đủ giấy tờ theo quy định khi điều khiển phương tiện giao thông
+ Tự giác chấp hành quy định của pháp luật ATGT kể cả khi không có lực lượng tuần tra, không thực hiện các hành vi nguy hiểm cho bản thân và cho cộng đồng. Tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác.
+ Thực hiện các quy định, nội quy tại bến tàu, bến xe, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
- Cư xử có văn hóa khi giao thông trên đường, đó là:
+ Có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông; chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.
+ Tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh.
+ Ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết nhường nhịn, giúp đỡ người khác;
+ Biết nói xin lỗi khi có va quệt, cảm ơn khi có người giúp đỡ…
- Tuyên truyền cho mỗi người hiểu được văn hóa giao thông chính là: sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng cộng đồng và hướng tới cái đẹp.
- Từng cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự đô thị và ATGT như: không để gia đình và bản thân lấn chiếm lòng đường vỉa hè; không tham gia ăn uống các hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lề đường; dừng, đỗ xe ảnh hưởng đến giao thông; khi tham gia giao thông phải bảo đảm theo quy định của pháp luật; cán bộ, công chức, đảng viên không can thiệp vào việc xử lý vụ việc có liên quan đến trật tự đô thị và ATGT của các cơ quan chức năng, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, vận độngnhân dân, trước hết là người thân trong gia đìnhthực hiện nghiêm túc pháp luật về trật tự đô thị và ATGT.
- Giáo dục, hướng dẫn, xây dựng những hành vi ứng xử văn minh cho thế hệ sau, từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành; trong đó vai trò của gia đình, nhà trường là hết sức quan trọng. Cha mẹ, anh chị, thầy cô phải là tấm gương sáng, là người thầy tận tụy để vun trồng những đạo lý nhân văn, những thói quen tốt đẹp trong hành xử với mọi người. Chỉ có như vậy, dần dần mới hình thành được nền văn hóa giao thông lành mạnh.
- Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật đảm bảo TTATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông.
V.Tóm lược bài giảng các em cần nhớ:
- Để đảm bảo an toàn các em hãy đi bộ trên hè phố hoặc sát lề đường bên phải nếu không có hè phố.
- Luôn chú ý quan sát tránh các phương tiện giao thông ngay cả khi đi bộ ở những khu vực an toàn.
2. Để đảm bảo an toàn khi đi xe đạp qua đường, các em hãy luôn ghi nhớ giảm tốc độ, quan sát an toàn và luôn chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông nếu có.
3. Để đảm bảo an toàn khi ngồi trên xe máy, xe đạp các em nhớ đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng qui cách, ngối an toàn và không quấy rầy người lái xe..
Nhắc nhở: Các em luôn ghi nhớ thực hiện và nhắc nhở mọi người trong gia đình và ban bè đi bộ; đi xe đạp, xe đạp máy; ngồi trên xe đạp, xe máy đảm bảo an toàn.