Con bạn ngủ muộn nhưng lại phải dậy sớm để đi học và dường như vẫn học tốt? Trong thực tế, không hoàn toàn như vậy.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy học sinh độ tuổi thiếu niên nếu thường ngủ muộn trong suốt năm học thì có thành tích học tập kém hơn và nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc trong tương lai. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Adolescent Health, khẳng định giả thuyết của các nhà khoa học rằng giờ vào học dành cho thiếu niên nên bắt đầu muộn hơn.
"Nếu một học sinh đi ngủ sau 23 giờ 30, có thể dẫn đến kết quả học tập kém hơn và gặp một số rối loạn cảm xúc ở trường đại học và trong cuộc sống khi trưởng thành" - tác giả chính của nghiên cứu Lauren Asarnov từ Khoa Tâm lý tại Đại học California, Berkeley, cho biết.
Học sinh đi ngủ sau 23g30 có thể dẫn tới kết quả học tập kém
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thu thập các dữ liệu về giờ giấc đi ngủ và số giờ ngủ mỗi ngày của 2.700 học sinh từ 13 đến 18 tuổi. Sau 6 năm, họ lấy các dữ liệu về thành tích học tập và trạng thái cảm xúc của những học sinh này. Mục tiêu chính của việc này là để xác định xem có mối liên hệ nào giữa cấu trúc của giấc ngủ và nhịp sinh học trong học sinh lớp lớn, cũng như với điểm trung bình cuối cấp và vấn đề tâm lý sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Gần 23% số học sinh tuổi teen cho biết họ đi ngủ lúc 23 giờ 15 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về cuộc sống của những thanh thiếu niên này tại thời điểm tốt nghiệp phổ thông và học đại học, việc đi ngủ muộn như vậy dẫn đến giảm điểm trung bình và cả những vấn đề tình cảm khi họ ở độ tuổi từ 18 đến 26. Các nhà khoa học cũng đề cập đến nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng những thanh thiếu niên thường xuyên thức khuya để học có kết quả tồi tệ nhất trong những bài tập kiểm tra trí nhớ và sự tập trung vào buổi sáng.
Asarnov mạnh mẽ khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ cần giúp con cái đi ngủ sớm và lưu ý rằng giấc ngủ của thanh thiếu niên có thể dễ dàng điều chỉnh với thái độ đúng đắn và một chút cố gắng. Tuy nhiên, việc thay đổi thời gian ngủ từ ngủ muộn thành ngủ sớm có khó khăn một phần là do 30 - 40% thanh thiếu niên thường đi ngủ muộn do những nguyên nhân sinh học liên quan đến tuổi dậy thì. Ngoài ra, áp lực bài vở và việc thường xuyên sử dụng các tiện ích hiện đại cũng có tác động trực tiếp đến việc đi ngủ muộn.
Timothy Monk, tiến sĩ, giám đốc chương trình nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh, đồng ý rằng việc cần phải dậy sớm để đến trường có thể làm tăng khả năng học kém và một số vấn đề tâm lý do thiếu ngủ.
Giấc ngủ thích hợp là vô cùng quan trọng, không chỉ đối với sức khỏe thể chất, mà còn mang lại kết quả học tập tốt và tâm lý thoải mái cho con cái. Vì vậy chúng ta không nên khuyến khích trẻ thức khuya.