Quyết đoán là khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho vấn đề bất kỳ. Khác với độc đoán, quyết đoán là bảo vệ những điều bạn mong muốn nhưng vẫn quan tâm đến quyền lợi của mọi người xung quanh. Dưới đây là 7 cách hình thành khả năng quyết đoán cho trẻ.
1. Tự quyết định
Nếu được bố mẹ làm thay, trẻ sẽ không thể học cách làm chủ cuộc sống. Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen thụ động, ỷ lại vào người lớn. Đến khi trưởng thành, cần phải tự lập, các em không thể tự quyết định cuộc sống của mình.
Để tự quyết định những việc liên quan đến bản thân, trẻ phải học cách phán đoán, phân tích, tư duy logic, từ đó xây dựng khả năng tư duy độc lập và tính quyết đoán. Bạn hãy khuyến khích trẻ tự quyết định từ việc nhỏ như lựa chọn món ăn, sau đó đến các hoạt động lớn và quan trọng như lựa chọn hoạt động ngoại khóa.
2. Giải thích lý do
Quyết đoán không phải hành động lặp đi lặp lại theo thói quen mà xuất phát từ tư duy và nhận thức. Bạn không thể dạy con quyết đoán nếu không giải thích và phân tích tình huống cần đưa ra lựa chọn nhanh chóng, vững chãi. Bạn nên nói với con rằng tính quả quyết giúp bảo vệ sự an toàn của mỗi cá nhân và thúc đẩy niềm tin trong các mối quan hệ.
Bạn có thể lấy ví dụ để dạy con hiểu rõ hơn. Ví dụ, khi muốn ăn bánh mì, hãy đưa con bát cháo dù con không thích. Như vậy, quyền lợi của trẻ đã bị ảnh hưởng và nếu không thoải mái, trẻ nên lịch sự yêu cầu điều phù hợp mà không khiến đối phương phiền lòng. Trẻ có thể nói: "Mẹ ơi, con nghĩ mẹ nghe nhầm rồi. Con muốn ăn bánh mì, không phải cháo ạ".
3. Khen ngợi
Khi trẻ đưa ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát, bạn nên khen ngợi con để thúc đẩy chúng hành động tương tự trong những lần tiếp theo. Tuy nhiên, phụ huynh cần phân biệt giữa tính quyết đoán và tính nóng nảy. Nếu con cãi lại cha mẹ bằng ngôn từ không phù hợp, đóng sầm cửa khi không vừa ý, bạn nên nhắc nhở hoặc phạt con. Hãy thúc đẩy hành động lịch sự, có văn hóa.
4. Khuyến khích làm việc nhóm
Hoạt động nhóm là cách giúp trẻ học cách bảo vệ quyền lợi của bản thân nhưng không bỏ mặc mong muốn của người khác. Bạn có thể khuyến khích con tham gia các bộ môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rổ. Qua đó, trẻ sẽ học cách làm việc nhóm và xây dựng tính quyết đoán.
5. Xác định ranh giới
Khái niệm về ranh giới là trung tâm của sự quyết đoán. Con người có thể đưa ra quyết định dứt khoát vì hiểu rõ đâu là giới hạn của bản thân và những quyết định này có ảnh hưởng như thế nào lên giới hạn đó.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên dạy cách xác định ranh giới vật lý đầu tiên. Ví dụ, khi gặp đèn đỏ phải dừng lại, khi sang đường phải quan sát trước sau. Những yêu cầu này để bảo vệ sự an toàn, riêng tư và nếu không tuân theo sẽ có hậu quả tiêu cực.
Từ đó, phụ huynh hãy chuyển sang thảo luận về ranh giới cá nhân, nghĩa là tiếp xúc cơ thể. Bạn nên giải thích rằng trẻ có quyền sở hữu cơ thể và không ai được phép chạm vào nếu các bé chưa đồng ý.
6. Tôn trọng sự riêng tư của con
Khi cha mẹ, người thân trong gia đình không tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, các bé sẽ nảy sinh tâm lý đề phòng, bị kiểm soát, từ đó hạn chế bộc lộ cái tôi cá nhân. Ví dụ, nếu thường xuyên bị bố mẹ đọc trộm nhật ký, tin nhắn, trẻ có thể ngần ngại chia sẻ cảm xúc, trò chuyện với bố mẹ và sau này là với mọi người xung quanh. Tôn trọng quyền riêng tư không chỉ thể hiện rằng bạn tôn trọng con mà giúp trẻ thoải mái hơn khi chia sẻ các vấn đề với cha mẹ.
7. Học cách chịu trách nhiệm
Khi trẻ chưa có kinh nghiệm, các quyết định dứt khoát có thể dẫn đến sai lầm nhưng nó giúp các em học cách chịu trách nhiệm, giải quyết vấn đề. Nhiều phụ huynh không muốn con mắc lỗi nên thường dọn đường hoặc giải quyết mọi việc thay con. Nếu trẻ không được thử mắc lỗi và sửa sai, các em sẽ chần chừ khi đưa ra quyết định.
Vì vậy đôi khi bạn nên để trẻ học cách vấp ngã và đứng lên từ thất bại. Điều này không có nghĩa bạn hoàn toàn bỏ mặc con mà có thể ở bên ủng hộ, gợi ý khi con sửa sai.
|