Lần đầu tiên dòng "sách tranh không lời" từng xuất hiện ở nhiều nước đã đến với độc giả Việt Nam. Đây được xem là một trải nghiệm mới lạ, thú vị khơi dậy sự tưởng tượng và sáng tạo.
Từ truyện tranh có lời đến... không lời!
Theo ý kiến của ông Nguyễn Huy Thắng - nguyên Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng có lẽ truyện tranh bắt nguồn sau khi báo chí xuất hiện, vào khoảng những năm 30 của thế kỉ trước.
Sau đó, truyện tranh thời kỳ đầu xuất hiện dưới dạng hình ảnh minh họa là chính. Câu chuyện hầu như vẫn được giữ nguyên, chỉ phân chia thành những đoạn hợp lý để ngắt và có hình ảnh minh họa. Hình ảnh này thường là tranh vẽ của các họa sĩ bám vào nội dung câu chuyện.
Về bố cục, giữa chuyện và tranh được chia tách rõ rệt, có thể tranh trên lời dưới hoặc tranh một trang, lời một trang.
Vì câu chuyện được giữ nguyên nên phần lời thường khá dài. Xét về mặt ngôn ngữ, nếu đọc tác phẩm không thông qua hình ảnh minh họa thì câu chuyện không bị ảnh hưởng.
Về mặt mỹ thuật, rõ ràng với hình ảnh minh họa, cuốn sách sinh động hơn, bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn, cho dù minh họa đen trắng hay màu đã tạo nên hiệu ứng tích cực cho truyện tranh.
Thường những truyện tranh minh họa thời kỳ đầu này là những truyện cổ tích, lịch sử... nên nhiều người còn gọi là truyện tranh truyền thống.
Khoảng cuối năm 1992, truyện tranh Doremon từ Nhật Bản xuất hiện vào Việt Nam đã tạo ra luồng sinh khí mới cho truyện tranh trong nước. Truyện tranh đã có đặc điểm riêng, lời tiết chế hơn, hình ảnh minh họa liên hoàn, đọc phải kết hợp nhìn tranh và theo lời chứ không thể tách rời giữa tranh và lời.
Cùng với các bộ truyện tranh manga của Nhật, tại Việt Nam còn xuất hiện các bộ truyện tranh của Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Truyện tranh Việt Nam cũng bắt nhịp rất nhanh với phong cách truyện tranh hiện đại từ nước ngoài.
Vậy nhưng, tưởng truyện tranh phát triển đến "độ" này đã là "hoàn hảo" thì tại Hội sách Hà Nội 2016, NXB Kim Đồng giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi dòng "sách tranh không lời" dành cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học.
Những tác phẩm đầu tiên được đem đến cho độc giả Việt Nam là sáng tác của Thé Tjong Khing - tác giả vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi nổi tiếng của Hà Lan.
Nếu như với độc giả Việt Nam "dòng sách tranh không lời" còn khá mới lạ thì tại Hà Lan dòng sách này đã xuất hiện khá lâu. Bằng chứng là hai tác phẩm "Bánh ga tô đâu nhỉ?" và "Bí mật trong tay nải" đã đoạt giải thưởng tại Hà Lan cách đây từ 10 năm trước!.
Nhà xuất bản Kim Đồng tiết lộ: Các cuốn sách tranh không lời đã được nhiều độc giả nhỏ tuổi trên thế giới cất làm sách gối đầu giường và đọc đi đọc lại mỗi ngày không biết chán, bởi sự không thụ động và không bó hẹp, mỗi em nhỏ có một cách riêng để cảm nhận tranh và tình tiết của câu chuyện.
Liệu có tạo cơn sốt?
Sách tranh không lời thực chất vẫn là một câu chuyện bằng tranh, được họa sĩ chủ đích kể lại bằng tranh mà không có lời đúng như tên gọi của sách. Khoảng trống của sách chính là chữ và lấp đầy khoảng trống này là sự tưởng tượng và "cách kể lại" câu chuyện mang dấu ấn cá nhân.
Đơn vị khai thác ấn phẩm, NXB Kim Đồng cho biết "sẽ có rất nhiều tưởng tượng khác nhau qua những khung tranh, các em tự khám phá và mang đến cho mình những câu chuyện thú vị. Với sách tranh không lời, các em được tiếp cận một cách đọc sách mới mẻ và độc đáo. Các em nhìn tranh và tưởng tượng và tự kể câu chuyện của mình. So với cách đọc sách thông thường, thì đây là một trải nghiệm thú vị và khác biệt phát huy tối đa sức tưởng tượng và khả năng diễn đạt.
Cách "đọc" dòng sách tranh không lời này cũng có điểm khác biệt so với truyện tranh có tranh và chữ thông thường. Ban đầu, người lớn, thầy cô giáo, phụ huynh hãy hướng dẫn các em cách đọc sách tranh không lời, có thể kể lại theo cách của cha mẹ. Khi kể hãy hỏi các em những câu hỏi mang tính gợi mở chẳng hạn các bạn ấy đi đâu, làm gì, tại sao lại làm vậy... kèm câu hỏi cảm xúc cho chính con em của mình. Sau đó tự để các em kể lại và khuyến khích những cách diễn đạt khác nhau ở mỗi lần đọc.
Ưu điểm của dòng sách này là ngay cả các em nhỏ chưa biết chữ và cả những em đã biết chữ đều "đọc" được. Câu chuyện có độ ngắn, dài, hấp dẫn ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng, sự sáng tạo của chính các em.
Trí tưởng tượng và óc sáng tạo vốn là điểm mạnh của thiếu nhi, việc khơi dậy, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, óc sáng tạo không chỉ giúp ích trong giới hạn văn học mà còn trở giúp các em nên năng động trong cuộc sống, đánh thức những khả năng tiềm ẩn trong chính các em.
Tuy nhiên, một dòng sách mới có thể thành công ở nước ngoài, được chào đón nồng nhiệt ở nước ngoài chưa thể khẳng định chắc chắn ở Việt Nam cũng sẽ được như vậy. Bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý trẻ em, sự khác biệt văn hóa, quan niệm nuôi dạy trẻ... Vì vậy còn quá sớm để nói rằng dòng sách tranh không lời liệu có tạo nên cơn sốt cho trẻ em hay không. Có lẽ, hãy cứ để độc giả và thời gian trả lời câu hỏi này. Song nói gì thì nói, việc nhà xuất bản mạnh dạn đem một dòng sách mới ít nhiều đã tạo nên cơ hội cho độc giả được trải nghiệm, được hòa mình vào sự phát triển của văn hóa đọc thế giới.
Bộ "sách tranh không lời" lần đầu đến với độc giả Việt Nam trong Hội sách Hà Nội 2016.
Bốn tác phẩm đầu tiên của dòng sách tranh không lời được giới thiệu tại Việt Nam trong Hội sách Hà Nội 2016 là: Cuộc phiêu lưu của Cún Polo, Bánh gato đâu nhỉ? Bí mật trong tay nải và Những bông hoa bên vệ đường.
"Cuộc phiêu lưu của Cún Polo" là hành trình của bạn Cún Polo từ lúc bước chân ra khỏi nhà đầy bất ngờ. lần theo từng bức tranh bé sẽ không dể dứt ra được mạch truyện vô cùng hấp dẫn. Cún Polo lên trời, xuống biển, rồi lặn xuống tận đáy đại dương, lên hoang đảo, lên cả vũ trụ... ở đâu chú cũng gặp những điều kì lạ và những người bạn dễ thương. Cún Polo giống như mỗi bạn nhỏ luôn ngỡ ngàng trước muôn vẻ muôn hình của cuộc sống xung quanh.
"Bánh ga tô đâu nhỉ?", "Bí mật trong tay nải" là hai câu chuyện xoay quanh hành trình truy tìm chiếc bánh ga tô bị "mất tích". Bánh ga tô nằm ở vị trí nào trong tranh? Ai đang giữ chiếc bánh? Ai là người tốt? Ai là kẻ xấu? Các con vật thể hiện tình bạn như thế nào? Kẻ ác bị trừng phạt ra sao?... Tất cả đều tùy thuộc vào sự sáng tạo, cá tính, tâm trạng và trí tưởng tượng phong phú của của các bạn đọc nhỏ tuổi. Hai cuốn sách này đã đoạt giải bạc sách tranh và giải Golden Owl Prize tại Hà Lan.
"Những bông hoa bên vệ đường" kể câu chuyện giản dị về cuộc sống. Trên đường về nhà cùng ông bố lỡ đễnh, một cô bé cặm cụi hái những đóa hoa dại mọc trong những góc phố, giữa từng kẽ gạch... Mỗi bông hoa sau đó đều trở thành một món quà; và dù có được nhìn nhận hay không, chúng vẫn có sức mạnh biến đổi cả người tặng lẫn người nhận. Cuốn sách này giành được giải thưởng Governor General"s Award danh giá của Canada.
Theo HNM
|