Thế giới trẻ thơ không thể thiếu những câu truyện cổ tích. Đọc truyện cổ tích là cách để các con nuôi dưỡng tâm hồn của mình và cũng là cách để cha mẹ lớn lên cùng con.
Những bài học không bao giờ cũ
Bất kể là khoảng thời gian nào, truyện cổ tích cũng có thể là một lựa chọn độc đáo để giúp con phát triển những kỹ năng cần thiết như: ngôn ngữ, kể chuyện...
Bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi quy tụ và tập hợp những câu chuyện cổ tích quen thuộc đã đi vào lòng của biết bao thế hệ trẻ nhỏ. Năm tập sách với hàng trăm câu chuyện cổ là tâm huyết của một người nghiên cứu văn hóa dân gian dày công sưu tầm cổ tích cho thế hệ mai sau.
Các tập sách được chia thành nhiều chủ đề khác nhau như nguồn gốc sự vật, sự tích đất nước Việt, thông minh tài trí và sức khỏe... Những câu chuyện cũ nhưng bài học không bao giờ là cũ. Sự tích trầu, cau và vôi đề cao tình chị em, tình cảm vợ chồng thắm thiết; Của thiên trả địa là bài học về sự trong sạch, không tham lam và còn rất nhiều những câu chuyện quen thuộc từ thuở xa xưa như Sự tích dưa hấu, Em bé thông minh, Nợ như chúa chổm... Đọc cổ tích tưởng cũ, nhưng hàm nghĩa ẩn ý trong từng câu chuyện đều là bài học cho con về gieo nhân nghĩa, giữ chữ tín, biết chia sẻ và khiêm nhường.
Để con thích thú với các câu chuyện, khi đọc cùng con, cha mẹ có thể đặt các câu hỏi gợi ý về cốt truyện, về nhân vật. Đừng nặng nề theo kiểu giáo khoa, mà hãy đặt các câu hỏi hài hước, ắt hẳn, việc cùng đọc cổ tích sẽ là giờ hoạt động thích thú nhất cho cả nhà
Độc đáo với cổ tích mới
Bên cạnh những truyện nước ngoài và dân gian quen thuộc thì hiện nay, cổ tích được sáng tác lại cũng là lựa chọn thú vị dành cho thiếu nhi. Bộ sách Ngày nảy ngày nay của các tác giả trẻ là những câu chuyện thú vị dành cho lứa tuổi nhỏ.
Ngày nảy ngày nay có Bé mùa xuân và tóc tiên ấm áp tình bạn, có Mũi Hếch, Tóc Bím, Khoai Sún... mỗi nhân vật đi cùng một câu chuyện y như tuổi bé: có lúc chưa ngoan, có lúc không kiềm chế cảm xúc nhưng chủ yếu vẫn giúp con trẻ nhận ra rằng, hãy biết quan sát, hãy biết yêu thương để nhận được yêu thương nhiều hơn.
Nhà văn Nguyên Hương, cũng với ý tưởng "thay áo mới" những câu chuyện dân gian, đem lễ, trí, tín, nghĩa, nhân chuyển tải vào không khí hiện đại, giúp bạn đọc nhỏ tuổi gần gũi hơn với cổ tích, thấy thế giới cổ tích cũng tương tự với thế giới của mình.
Đặt cho cổ tích những cái tên mới hài hước: Biến nhập biến xuất, Ăn táo trả vàng, Công chúa ngủ trong vườn, Nàng Út ống trúc, Thục Sanh và Lý Thanh... những câu chuyện của tác giả Nguyên Hương dường như ngộ nghĩnh hơn, nhưng cũng hướng trẻ thơ sống theo điều hay lẽ phải, biết hoàn thiện bản thân để trưởng thành và mạnh mẽ.
Vẫn còn một điều đặc biệt từ những câu chuyện cổ tích, rằng khi cả thế gian quay lưng lại với mình, thì chỉ có chính nội lực, tình yêu thật sự mới cứu vãn được mình và thế giới. Chắc rằng, miền cổ tích cho mẹ, cho con vẫn còn trải dài, trải dài...
|