Đặc điểm của trẻ em từ 18-24 tháng là luôn luôn hoạt động. Sau khi đã biết đi, bây giờ đã tới lúc được tìm hiểu mọi thứ cho thỏa trí tò mò. Bé muốn sờ mó vào tất cả mọi đồ vật trong phòng : Bé trèo lên ghế, lên giường rồi lại tụt xuống chui vào gầm để lượm bóng và đồ chơi, lên cầu thang, mở cửa, ấn nút tắt – mở đèn, ti-vi, rađiô, quạt, kéo ngăn kéo bàn lấy mọi thứ bên trong vứt xuống sàn nhà, lôi kéo đồ chơi, nắm tóc búp bê ngã xuống, đứng lên, không biết tới bao nhiêu lần trong buổi. Bé có thể bắt chước một số động tác của người lớn như đánh diêm, xé bao thuốc lá cho lên miệng như bố, mở nắp hộp môi son rồi vỗ lên mặt, để giống mẹ. Lẽ dĩ nhiên là Bé sử dụng các thứ đó không hoàn toàn giống như người lớn. Bởi vậy, ở tuổi này, người lớn phải chú ý không được để gần Bé, hoặc để ở những nơi mà Bé có khả năng với tới, trèo tới, các loại hóa chất, các thứ thuốc uống, dược phẩm, đặc biệt là các loại thuốc ngủ, nước cọ rửa, nước javen… Các ổ cắm điện đều phải đặt ở trên cao và có lưới bảo vệ, các đồ dùng sắc, nhọn như dao, kéo, cặp tóc phải cất ở chỗ kín.
Sự năng động của Bé hầu như liên tục. Nếu tính con đường di chuyển của Bé thì có thể Bé đi được tới mấy kilômét trong ngày. Bé hoạt động luôn chân tay như vậy tới một lúc nào đó, Bé ngưng lại để nghỉ rồi ngủ luôn. Có bà mẹ vừa làm việc nhà, vừa để ý theo dõi con qua những tiếng lục đục do Bé gây ra. Quên bẵng đi một lát, khi nhớ tới con thì thấy góc phòng nơi Bé chơi lúc nãy, im lặng như tờ. Bà mẹ hốt hoảng chạy vội đến thì thấy Bé nằm ngủ say sưa trên sàn, tay còn nắm đồ chơi.
Bé gái ít hoạt động hơn Bé trai một ít, nhưng cũng tò mò không kém. Người lớn chớ nên lấy làm phiền và than rằng : “Bé phá quá !”. Ở độ tuổi này mà đặt đâu Bé cứ ngồi đây, mới là điều đáng lo ngại : vì như vậy là có vấn đề về sức khỏe rồi !
Nên trông coi Bé như thế nào ?
Mỗi khi Bé đi tới mọi nơi trong phòng, sờ tay vào mọi vật như vậy thì thái độ của người lớn nên như thế nào ? Cứ để Bé chơi, nghịch theo ý muốn hay ngăn cấm ? Cả 2 phương pháp đều không nên theo tuyệt đối.
Tại sao không nên cái gì cũng cấm ? Vì leo trèo, tìm, lục, sờ mó, di chuyển khiến cho Bé phát triển về sức lực và trí khôn. Một đứa bé đẩy một cái ghế tới bên cái bàn để trèo lên, lấy quả táo trên bàn vừa hoạt động bắp thịt, vừa chứng tỏ Bé có trí khôn. Có người muốn đảm bảo an toàn cho con, để con trong một căn phòng trống, không có đồ vật gì cả. Như vậy, Bé sẽ yếu hơn và cũng kém thông minh hơn các bạn khác.
Tuy vậy, cũng không nên để mặc cho Bé làm gì thì làm. Nơi hoạt động của Bé nên được thu xếp trước cho phù hợp. Ở các nhà trẻ, bàn, ghế đều được đóng vừa tầm các cháu; các cầu thang hoặc cửa ra vào, có bậc lên xuống đều có cái chắn; những đồ dùng dễ vđ, sắc, nhọn đều được để ở các nơi quy định. Chúng ta nên nhớ, các tai nạn trong nhà thường dễ xảy ra với các trẻ em từ 18 tháng cho tới 4 tuổi.
Trong phòng đã được chú ý tới vấn đề an toàn như vậy ta có thể để trẻ hoạt động tự do một chút. Không nên nhắc luôn luôn : “Cẩn thận ! Ngã bây giờ !”. Hãy để cho đứa trẻ trèo một mình lên ghế : có vẻ hơi nguy hiểm đấy nhưng lại làm cho Bé tự tin. Hãy để cho Bé loay hoay một mình với cái hộp. Nếu Bé tự mở được ra, chắc Bé sẽ thích thú cứ như vừa khám phá được một điều gì mới vậy.
Thật ra thì trong người đứa trẻ nào cũng có 2 xu hướng song song tồn tại : thích khám phá điều lạ và muốn cảm thấy mình được an toàn.
Cảm giác an toàn của Bé chính là sự có mặt của người lớn ở bên cạnh. Bởi vậy, Bé chơi, nghịch một lát rồi lại tới bên mẹ hay nhìn về phía mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ hay người coi Bé nên giải thích cho Bé một số việc không nên làm. Có thể Bé chưa hiểu nhưng một hôm nào đó Bé sẽ hiểu về các khái niệm bẩn với sạch, hôi với thơm, được làm hay không được làm.
Không nên quát mắng Bé về các việc Bé làm. Nếu Bé muốn chọc cái que vào cái đồng hồ, không phải là Bé có ý muốn phá hỏng mà có khi chỉ muốn tiếp xúc với tiếng kêu tích tắc bên trong. Khi Bé đẩy đổ chiếc ghế, cũng không phải là muốn phá mà để lấy quả bóng kẹt ở phía dưới. Nhiều khi người lớn không hiểu được hết các hành động thông minh của trẻ em nên vội quát mắng làm cho các cháu sợ một cách vô ích mà không hiểu tại sao mình làm thế lại là có lỗi.
Chúng ta cần biết, hiện tượng muốn sờ mó tới mọi vật là một tính phổ biến ở mọi lứa tuổi. Người lớn cũng thích sờ mó để thỏa mãn sự tò mò và thưởng thức cái đẹp. Bởi vậy, tại những nơi triển lãm dành cho người lớn, người ta vẫn thường phải đề bảng “Cấm sờ mó vào hiện vật”.
Được người ldn săn sóc, hướng dẫn, đứa trẻ 6 tháng đã hiểu biết một số điều. Năm lên 2, Bé đã biết sử dụng 2 bàn tay cử động nhanh nhẹn, hiểu một sốlời nói của người lớn và cũng làm cho người lớn hiểu ý muốn của mình.
Tuy vậy, sức lớn và phát triển của các trẻ em không đồng đều. Một đứa trẻ mẫu mực mọc răng khi 6 tháng; bắt đầu chập chững đi khi được 12 tháng. Nhưng có trẻ 9 tháng đã biết đi, còn nếu chậm phải 18 tháng. Tới 2 tuổi, các cháu đều nói bập bẹ nhưng có cháu chỉ biết 20 từ trong khi có cháu biết tới 50 hay 100 từ.
Sự tiến bộ của Bé từ 18 – 24 tháng
Trong 6 tháng này các cơ bắp của Bé được phát triển tới mức độ khá tốt, kể cả các cơ vòng ở ống tiểu và hậu môn. Bởi vậy, ngoài việc Bé đi lên, đi xuống cầu thang, Bé còn tự kiểm soát được việc tiêu và tiểu. Mỗi khi Bé có nhu cầu tiêu hay tiểu, Bé có thể gọi, cựa quậy người, tỏ vẻ khó chịu hoặc tự tụt quần xuống. Sở dĩ Bé biết làm như vậy, vì trước đây mỗi lần Bé “tè dầm” hay “Ị đùn” Bé được người lớn lau, rửa, thay tã lót, quần. Cảm giác dễ chịu khi thấy mình sạch sẽ làm Bé không muốn bị tè dầm nữa, rồi đi tới chỗ tự kiềm chế và điều khiển được các cơ vòng để tiêu, tiểu theo ý muốn.
Từ 12-18 tháng, Bé đã biết ngồi bô và đứng lên khi nào đã xong. Từ 18 tháng trở đi, Bé đi tiêu và đi tiểu ít hơn nên có thể tập cho Bé đi theo giờ giấc quy định.
Người lớn cần phải nhớ rằng việc tiêu hóa và thải chất của trẻ em cần phải được giáo dục để cho bộ máy tiêu hóa của các cháu quen với một nề nếp về giờ giấc; để các cháu có ý thức về việc giứ sạch sẽ, vệ sinh cá nhân và cũng đỡ cho người lớn những công việc khó nhọc.
Cũng nên chú ý thêm là các cháu vốn tò mò và ở tuổi hay bắt chước người lớn, nên sau khi các cháu “đi” xong và đứng lên nên rửa cho các cháu và đưa tới chỗ khác. Nhiều cháu không được người lớn chú ý theo dõi, có thể nhìn và sờ vào trong bô để xem mình đi ra cái gì. Có cháu lại muốn đóng vai trò cô giữ trẻ, mang bô đi đổ… ra nhà.
Có bố mẹ để con sinh hoạt tự nhiên, đi tiêu lúc nào thì dọn lúc đó. Có người vì ghê mùi hôi của phân và nước tiểu nên mỗi lần Bé có nhu cầu lại mắng con. Cả 2 thái độ như trên đều không đúng cả. Thông thường, các cháu được sinh hoạt ở nhà trẻ chóng có thói quen và nề nếp về vấn đề này hơn.
Nên chú ý rằng các cháu hay bị người lớn mắng về việc này đâm ra sợ, nhịn đi, nên có thể bị táo bón, hay quây khóc hoặc có phản ứng giận dữ, như câu, cắn, giựt tóc bạn hay mẹ. Lúc này, mẹ lại phải cho con dùng những viên thuốc đút đít, hoặc bơm dầu vào hậu môn, rất vất vả.
Bởi vậy, hàng ngày nên định giờ cho các cháu ngồi bô. Thí dụ vào 8 giờ sáng hoặc buổi trưa. Vào đúng giờ đó, dù Bé không muốn đi, cũng cứ “xi” hoặc đặt Bé ngồi bô. Dần dần, Bé sẽ quen với giờ giấc ấy.
Bé thích gì ?
BÉ TỪ 18-24 THÁNG
Bé thích kéo, dẩy, bóc, đập… vừa làm vừa kêu to.
– Tuy khả năng làm cho người lớn hiểu mình bằng hành động và lời nói còn hạn chế, nhưng lại muốn người lớn hiểu ngay để nhanh chóng phục vụ mình.
Ở tuổi này, nếu Bé còn nói sai, nói ngọng thì đây cũng là chuyện thường.
Một số trẻ quá ham chơi nên người lớn phải chú ý yêu cầu các cháu nghỉ, và đi ngủ đúng giờ