Những gì chúng ta làm với trẻ ngày hôm nay, có thể sẽ là vấn đề trong 20 năm sau đó. Nếu chúng ta không làm đúng, dù hối hận cũng không thể thay đổi được nữa.
"Tại sao đèn giao thông đỏ, vàng và xanh?"
Khi một đứa trẻ hỏi bạn câu hỏi thế này, bạn sẽ có vài lựa chọn. Bạn có thể nói ngắn gọn là "bởi vì", "màu đỏ là dừng lại và xanh là được phép đi"… Hoặc bạn cũng có thể hỏi ngược lại đứa trẻ và giúp con tìm ra câu trả lời với rất nhiều sự phấn khích.
Không cha mẹ, thầy cô hay người chăm sóc nào có thời gian hoặc kiên nhẫn để đáp ứng hoàn hảo cho rất rất nhiều những câu hỏi kiểu như thế này. Nhưng một cuốn sách mới có tựa đề là "Becoming Brilliant - Khoa học nói gì với chúng ta về việc nuôi dưỡng một đứa trẻ thành công" khiến mình phải suy nghĩ nghiêm túc về tầm quan trọng của những câu hỏi và phản ứng của chúng ta trong những khoảnh khắc đó.
Cuốn sách khiến cha mẹ phải suy nghĩ nghiêm túc về tầm quan trọng của những câu hỏi và phản ứng của cha mẹ trong những khoảnh khắc đó
Những gì chúng ta làm với trẻ ngày hôm nay, có thể sẽ là vấn đề trong 20 năm sau đó. Nếu chúng ta không làm đúng, dù hối hận cũng không thể thay đổi được nữa, rất có thể nó sẽ trở thành khủng hoảng - (Kathy Hirsh-Pasek, đồng tác giả cuốn sách, giáo sư tại Đại học Temple, nhà tâm lý học xuất sắc với hàng chục năm kinh nghiệm).
Chúng ta dường như đang sống trong một thời đại điên loạn, cha mẹ không ngừng lo lắng về con cái mình. Khi mà họ nhận được hàng loạt những thông điệp rằng trẻ phải đạt được điểm cao trong những cuộc thi nhưng trớ trêu là, trẻ có thể đạt điểm cao trong những kỳ thi chưa chắc đã thành công trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp hay trở thành một người hữu ích, tuyệt vời. Trẻ ngồi học ở lớp, bàn ghế thẳng hàng, theo những quy tắc huấn luyện như một chiếc máy tính. Nhưng máy tính hơn con người ở trật tự, ở nguyên tắc, công thức. Còn con người máy móc không thể phát triển được trong một xã hội, nếu không biết điều hướng các mối quan hệ và là công dân trong một cộng đồng. Có lẽ, chúng ta cần phải định nghĩa lại về thành công trong một trường học và cả trường đời.
Cũng theo cuốn sách thì có 6 yếu tố mà bố mẹ cần phải có và phải đảm bảo để nó ảnh hưởng một cách tích cực trong quá trình nuôi dạy con. Đó là 6 C's: Collaboration (Hợp tác), Communication (Giao tiếp), Content (Nội dung mà chúng ta giao tiếp), Critical Thinking (Tư duy phản biện), Creative Innovations (Sự đổi mới sáng tạo) và cuối cùng là Confidence (Sự tự tin).
1. Hợp tác: Bố mẹ cần phải có sự hợp tác để cùng con lớn lên, để giúp con trải nghiệm sự đa dạng, văn hóa. Bố mẹ cần làm cùng con, tại nhà, tại trường và tất cả mọi việc đều phải dựa trên sự hợp tác, không phải cưỡng ép hay bắt buộc dù con ở độ tuổi nào (đây là điều mà mình phải thán phục người Nauy vì họ làm cực kỳ tốt).
2. Giao tiếp: Bố mẹ cần phải có sự giao tiếp với con, thông qua việc nói, đọc và quan trọng nhất là lắng nghe một cách toàn diện thay vì áp đặt 1 chiều.
3. Nội dung giao tiếp: Bố mẹ cần phải có nội dung giao tiếp tích cực, con không thể học được gì hoặc thậm chí có những tổn thương về tinh thần nếu như không hiểu hoặc phải nghe quá nhiều các nội dung tiêu cực.
4. Tư duy phản biện: Bố mẹ cần phải giúp con gợi mở và hình thành tư duy phản biện, bằng cách cho con đặt thật nhiều câu hỏi, giúp con điều hướng thông tin. Đừng dập tắt những thắc mắc của con, cũng đừng chỉ trả lời "vì" một cách giản đơn theo những gì người lớn vẫn nghĩ. Khuyến khích con hỏi nhiều hơn, và khuyến khích con hiểu suy nghĩ của người khác. Ví dụ như nếu con nhìn thấy một người ăn mày trên phố, hãy thử hỏi con xem con nghĩ rằng người ăn mày đang suy nghĩ gì. Hãy hỏi con tại sao con nghĩ họ không có nhà để ở? Hãy đưa ra quan điểm và những câu hỏi để kích hoạt chính tư duy phản biện của con.
5. Đổi mới và sáng tạo: Bố mẹ cần phải đổi mới và sáng tạo không ngừng bởi vì con sẽ lớn dần lên và những điều con tò mò hoặc quan tâm cũng tăng dần theo năm tháng. Bố mẹ cần là người giải thích, cung cấp thông tin và thậm chí là cùng con tạo ra những điều mới mẻ hơn.
6. Tự tin: Cuối cùng, bố mẹ cần phải tự tin, tự tin vào bản năng làm cha mẹ của mình, tự tin để kiểm soát được những rủi ro của gia đình, của con trong vòng an toàn nhất định. Hãy tin vào con, vào bản năng của chính con và những điều cần thiết phải có để con lớn lên dù đó là những va chạm, vấp ngã hay kể cả đau đớn về mặt thể chất. Nếu chúng ta nuôi lớn những đứa trẻ không dám thử, không dám chấp nhận rủi ro thì bản thân chúng ta cũng đã là người thất bại.
Có những điều không hẳn là mới nữa, nhưng đọc xong một cuốn sách là thấy đầu óc mình mở mang hơn rất nhiều. Nên không thể không chia sẻ với những người làm cha mẹ khác. Cha mẹ có thể đặt mua sách qua các trang thương mại điện tử. |