Điều tuyệt vời là bạn chẳng cần phải đưa con đến hồ bơi hay bãi biển để chơi những trò chơi với nước.
Hiếm có một đứa trẻ nào lại không thích nghịch nước. Nhưng chơi với nước không chỉ đơn thuần mang lại niềm vui - nó còn là một hoạt động chơi phát triển giác quan (sensory play) cho phép trẻ em học cách thế giới vận hành. "Nước thu hút trẻ nhỏ", Giáo sư Pamela Taylor, giảng viên chuyên ngành giáo dục mầm non tại Grant MacEwan College ở Toronto, Canada, giải thích. "Trẻ luôn tò mò về nước. Đây là vật liệu chơi mang tính toàn cầu với khả năng chơi vô hạn".
Lợi ích to lớn khi trẻ chơi với nước
"Chơi với nước là cách hữu ích để phát triển khả năng xử lý xúc giác ở trẻ em", Geraldine Africa, chuyên gia phục hồi chức năng cho biết. "Xử lý xúc giác là nền tảng để trẻ ý thức rõ ràng về cơ thể, nhận thức về các ranh giới bên ngoài và hành vi thể chất cũng như tinh thần".
Xử lý xúc giác có liên quan đến cơ quan xúc giác - cách chúng ta nhận thức và thấu hiểu một đối tượng khi chúng ta cầm nắm nó. Hệ thống xúc giác cũng giúp ta nhận biết nhiệt độ và cảm giác đau.
Chơi với nước giúp xúc giác của trẻ phát triển.
"Hệ thống xúc giác xử lý cảm giác là thứ cho phép một đứa trẻ thò tay vào hộp đồ chơi và lấy ra nhân vật hành động yêu thích của mình mà không cần nhìn", Claire Heffron, chuyên gia phục hồi chức năng nhi khoa tại Đại học Bắc Carolina viết trên blog The Inspired Treehouse của mình. "Nó cho bạn biết khi nào nước tắm đủ ấm (nhưng không quá nóng) và giúp bạn quyết định xem bạn thích tắm dưới dòng nước chảy vừa đủ hay chảy mạnh từ vòi hoa sen".
Trò chơi với nước dành cho trẻ em không cần phải có hồ bơi hoặc phải tới tận bãi biển. Tiến sĩ Suzy Green, nhà tâm lý học lâm sàng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với trang Essential Baby: "Trẻ có thể chơi với nước một mình hoặc với bạn bè. Khi trẻ tận hưởng niềm vui trong trò chơi kinh điển này, trẻ sẽ giải phóng hết năng lượng dư thừa, khơi gợi trí óc tò mò, có những giây phút vui đùa thoải mái - tất cả đều rất quan trọng đối với sự phát triển tính cách của trẻ em".
"Bên cạnh việc cung cấp các kích thích với giác quan của trẻ, chơi với nước còn giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng vận động thô và tinh, kỹ năng nhận biết, kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội", chuyên gia Africa nhấn mạnh. "Cho phép trẻ đưa nước vào các chủ đề chơi khác nhau có thể giúp khơi dậy sự sáng tạo và do đó mang lại trải nghiệm học tập thú vị với trẻ".
Ngoài ra, chơi với nước còn giúp trẻ học kĩ năng giải quyết vấn đề, làm quen các khái niệm toán, khoa học, giúp trẻ bình tĩnh hơn, cải thiện kĩ năng xã hội...
Những ý tưởng trò chơi với nước dành cho trẻ mới biết đi tại nhà
Chơi với nước là một kiểu chơi có kết thúc mở, nhờ đó, bạn có thể khám phá nhiều hoạt động khác nhau mà con thích.
Dưới đây là một số ý tưởng mà bạn có thể làm ở nhà:
1. Tưới nước cho cây
Việc nhà cũng có thể là một hình thức chơi với nước! Hãy để con giúp đỡ khi bạn tưới cây. Bạn có thể đổ đầy nước vào một bình dạng xịt và để con phun từng chút một.
2. Xúc và đổ
Đặt các hộp nhựa và thủy tinh có kích thước khác nhau vào một hộp lớn. Đổ đầy nước vào một số hộp đựng và thêm màu thực phẩm cho vui mắt. Cho con một cái muỗng và để bé đổ đầy nước vào những hộp rỗng.
3. Sáng tạo hộp đồ chơi giác quan
Cho vài giọt màu thực phẩm xanh dương vào nước, rồi đổ nước vào một hộp nhựa nhỏ, thêm đá cuội, lá, hoa, gậy và một số con vịt đồ chơi. Bé sẽ có khoảng thời gian thỏa sức khám phá và vui vẻ với hộp đồ chơi tuyệt vời này.
|