10 nguyên tắc khi dạy trẻ chậm nói
Trong quá trình phát triển ngôn ngữ từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi là giai đoạn khá nhạy cảm với trẻ. Rất nhiều trẻ ở giai đoạn này, do ảnh hưởng bởi môi trường hoặc phương pháp giáo dục dễ dẫn đến hai tình trạng rối loạn phát triển ngôn ngữ là: Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (chậm hiểu lời) và rối loạn ngôn ngữ thể hiện (chậm nói).
Chị Phương Anh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ thông tin, sau khi đọc loạt bài viết về dấu hiệu trẻ chậm nói của Báo Đời sống & Tiêu Dùng, chị nhận thấy con chị có nhiều đặc điểm “hao hao” giống trẻ chậm nói.
Bé Nam Phong, hiện tại đã 23 tháng tuổi, con có thể nói được một số từ tiếng Anh và một số từ tiếng Việt, tuy nhiên con lại thích sử dụng tiếng anh nhiều hơn. Ví dụ đưa quả táo lên và hỏi: “Quả gì đây?” – Phản ứng đầu tiên của con sẽ là “Apple”, thi thoảng con mới nói quả táo theo sự yêu cầu của bố mẹ. Con còn có một số biểu hiện như nói âm vô nghĩa, nói linh tinh suốt cả ngày. Với các câu dài, con hay nhại lại lời của bố mẹ và ít tập trung tương tác mắt khi giao tiếp.
Đó có phải là những dấu hiệu của trẻ chậm nói hay không và bây giờ gia đình nên áp dụng những nguyên tắc giáo dục nào để dạy cho con nói chuẩn tiếng Việt và phát âm được nhiều hơn?
Chia sẻ về những kinh nghiệm phát hiện và những nguyên tắc can thiệp cho con tại gia đình, Giám đốc Trung tâm giáo dục Trẻ em Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam), ông Hoàng Văn Quyết trao đổi:
Với những thông tin chia sẻ của gia đình về các đặc điểm của con cho thấy con đang có một số biểu hiện của trẻ có rối loạn phát triển ngôn ngữ. Chứng rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện 2 trường hợp chính là rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (chậm hiểu lời) và rối loạn ngôn ngữ thể hiện (chậm nói). Các đặc điểm này thường xuất hiện khi trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ do các yếu tố về môi trường hoặc do phương pháp giáo dục chưa phù hợp với con. Ở con có hội tụ một số đặc điểm của chứng rối loạn phát triển ngôn ngữ thể hiện, biểu hiện thường là chậm nói, sự phát triển ngôn ngữ lệch, chưa phù hợp với độ tuổi.
Với những trẻ có biểu hiện trên, ở mức độ nặng, con cần được đi thăm khám đánh giá tâm lý và có các liệu trình can thiệp cá nhân của các trung tâm giáo dục đặc biệt. Còn với ở mức độ nhẹ, phụ huynh có thể tự hướng dẫn, thay đổi môi trường, phương pháp giáo dục, tự tương tác và can thiệp với con.
Dạy trẻ phát triển ngôn ngữ là công việc đòi hỏi sự kỳ công, kiên trì, thường xuyên và cũng luôn tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Sau đây là những định hướng về một số nguyên tắc gia đình cần lưu ý và áp dụng thường xuyên trong quá trình dạy con.
1. Nguyên tắc đầu tiên trong quá trình dạy trẻ là trong gia đình, mọi người nên thống nhất cách giáo dục và hình thành thói quen cho trẻ ở trong các môi trường và tình huống khác nhau cho trẻ. Việc này tạo ra một môi trường “thuần”, ít có nhiễu, khiến trẻ dễ thích nghi và tiếp thu những hình thức giáo dục mới cũng như đưa con vào khuôn nếp và ý thức học nói.
2. Hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad. Vì có thể các công cụ trên khiến trẻ tiếp thu tiếng Anh và tiếng Việt một cách rời rạc, chắp vá, khiến trẻ dẫn đến tình trạng rối loạn phát triển ngôn ngữ. Nếu cho trẻ xem tivi, hãy cùng trẻ chỉ và gọi tên các hình ảnh, hoạt động nhìn thấy trên tivi để cùng hướng trẻ giao tiếp và tương tác với mình. Mặt khác cần điều độ và phân bố thời gian hợp lý.
3. Hãy hướng dẫn trẻ chỉ tay bằng ngón trỏ vào thứ mình muốn hoặc bắt chước âm thanh, hành động người lớn hướng dẫn.. Ví dụ khi ăn, khi uống nước cần hướng dẫn trẻ chỉ vào đồ vật thể hiện mong muốn nhu cầu của con trước, sau đó người lớn mới đáp ứng cho con. Việc đáp ứng trẻ ngay lập tức sẽ khiến cho hành vi không mong muốn ở trẻ được củng cố và có thể hạn chế sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ vì trẻ sẽ quen với việc chỉ cần khóc, kéo tay người lớn là có được thứ trẻ thích
4. Giao tiếp với trẻ ở vị trí ngang tầm mắt. Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn mắt. Điều này gây sự chú ý và tương tác mắt, cũng như tạo chiều sâu trong giao tiếp. Thể hiện hoạt động này thường xuyên giúp con ghi nhớ và khắc sâu được hoạt động giao tiếp. Nhờ đó tạo ra những phản ứng tích cực khi giao tiếp.
5. Nói đơn giản, dễ hiểu, chậm và rõ ràng. Có một nguyên tắc chúng tôi thường áp dụng khi giao tiếp với trẻ được diễn tả là “Nguyên tắc 2/1/2”. Nghĩa là ngắt câu chậm và theo nhịp 2/1/2 như: “Lấy/cho mẹ/cái/cốc.”,… Hoạt động này giúp trẻ khắc sâu được hiểu cầu và có những phản ứng tốt hơn khi giao tiếp cũng như thực hiện yêu cầu.
6. Cho trẻ có thời gian để xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu với trẻ. Hãy chờ đợi trẻ phản ứng trong 5-10s, nếu trẻ không thực hiện được, hãy làm mẫu giúp trẻ. Lặp lại nhiều lần trong các tình huống, yêu cầu khác nhau. Có nhiều bố mẹ có xu hướng nói liên tục và nói hết phần của các con. Tuy nhiên khi đưa ra yêu cầu, cần nói chậm và chờ đợi con với ánh mắt khích lệ và khuyến khích con thực hiện. Thường xuyên chờ đợi và khích lệ giúp con ý thức và phát triển tốt hơn các phản ứng ngôn ngữ.
7. Hoạt động vui chơi và cùng tương tác với trẻ rất quan trọng. Cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, ca hát, kể chuyện, bắt chước các hoạt động, chơi ú òa, nu nống, chi cành, kéo cưa, chơi búp bê,...... một cách thường xuyên và lặp đi lặp lại.
8. Hãy khen ngợi và động viên trẻ ngay lập tức khi trẻ thực hiện được phần nào yêu cầu bạn đưa ra cho trẻ. Có thể thưởng trẻ bằng thứ trẻ thích khi trẻ thực hiện được yêu cầu.
9. Nhiều phụ huynh cho rằng dạy trẻ nói phải là ngồi vào bàn học hoặc lúc rảnh rỗi, tuy nhiên hoạt động này hoàn toàn không mất nhiều thời gian và cần tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ bằng cách tận dụng mọi tình huống trong sinh hoạt hàng ngày (ăn, tắm, ngủ, trên xe bus...) để nói chuyện và chơi cùng trẻ.
10. Dạy trẻ nói là một việc cần nhiều thời gian và công sức, vì vậy phụ huynh cần bình tĩnh, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo để có thể giúp đỡ trẻ một cách hiệu quả
Hoạt động dạy phát triển ngôn ngữ cho trẻ và đặc biệt là những trẻ có dấu hiệu chậm nói, chớm chậm nói luôn là một công việc đòi hỏi sự kỳ công và chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên với tình yêu thương của bố mẹ dành cho con và cách áp dụng linh hoạt những nguyên tắc dạy con nói cơ bản trên, thì phu huynh hoàn toàn có thể làm chủ được những cách thức cơ bản giúp con học nói thành công.
Sưu tầm