Tác giả: Ellen Booth Church
Trước khi có thể học một cách chính thống, trẻ em cần phải biết làm thế nào để cư xử phù hợp trong một nhóm trẻ.
Bạn có thể đang mong chờ con bạn làm sao đọc và viết được ngay trong những tháng đầu tiên bé tới trường mẫu giáo. Nhưng còn có nhiều kỹ năng khác cần được hình thành và bé phải thành thạo trước khi tập trung học tập một cách có hệ thống. Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng những kỹ năng then chốt nhất cho việc học ở giai đoạn bắt đầu là kỹ năng xã hội: phối hợp, tự điều chỉnh, tự tin, tự lập, sự tò mò, sự thấu cảm và giao tiếp.
Trong những tháng đầu tiên của năm học, giáo viên mầm non quan tâm nhất tới những trẻ có vấn đề trong cư xử và khả năng tập trung. Đơn giản bởi nếu một đứa trẻ không thích đợi tới lượt mình, không biết lắng nghe hay cư xử đúng cách trong nhóm, làm sao bé có thể học về những thứ đang được cô dạy? Một khi những kỹ năng tương tác xã hội cơ bản và kỹ năng hành xử được tạo lập, bé sẵn sàng hơn và có thể tập trung vào nhiệm vụ nhận thức
Bé học tốt nhất theo cách tiếp cận cân bằng về kỹ năng xã hội, tình cảm; kỹ năng dựa trên hiểu biết cũng như dựa trên trải nghiệm. Vì vậy, nếu bé đến trường rồi về nhà trong một khoảng thời gian mà vẫn chưa bộc lộ rằng mình biết những chữ cái mới, những con số mới, thì các bậc phụ huynh đừng lo lắng vội! Hầu hết các chương trình giáo dục mầm non giới thiệu từ từ những kiến thức này như một quá trình lâu dài cả năm.
Nghiên cứu gần đây về sự phát triển não bộ chỉ ra rằng khả năng học tập của trẻ để tương tác với người khác, điều khiển và bộc lộ xúc cảm, và quan tâm tới những nhiệm vụ cơ bản độc lập là quan trọng cho những thành công của bé ở trường cũng như những kỹ năng nhận thức. Con đường kết nối trong não bộ thần kinh liên quan tới việc học được thiết lập thông qua tương tác tích cực với người khác.
Giáo viên của con bạn sẽ sử dụng những thông tin từ cuộc nghiên cứu này để giúp con bạn tạo những kết nối với bạn bè trong lớp, chia sẻ và quan tâm, lắng nghe và phát biểu trong nhóm, và cảm giác tự tin khi được giao nhiệm vụ liên quan học tập.
Những kỹ năng cơ bản đầu tiên:
Dưới đây là vài ví dụ về mục tiêu mà giáo viên có thể đặt ra đầu mỗi năm học. Yêu cầu giáo viên của con chia sẻ về mục tiêu đạt được của trẻ trong năm học và những gợi ý làm thế nào phụ huynh có thể hỗ trợ những kỹ năng này cho trẻ tại nhà.
• Sự tự tin: Một trong những kỹ năng đầu tiên giáo viên tập trung để phát triển là giúp trẻ ý thức được ý nghĩa về sự tự tin hay lòng tự trọng cho bé. Điều này nghĩa là giáo viên cần giúp bé cảm nhận tốt về bản thân, cả cá tính cũng như những mối quan hệ với những người xung quanh. Đây là một kỹ năng suốt đời giúp trẻ cảm thấy tự chủ ngay từ bây giờ và tiếp tục ảnh hưởng tới bé cả khi bé tiếp tục đến trường phổ thông.
• Sự phối hợp: Các trò chơi, câu chuyện và bài hát giúp bé học làm thế nào để làm việc, hợp tác cùng với những người khác - không nên coi nhẹ bất cứ nhiệm vụ nào ở lứa tuổi mẫu giáo. Sự hợp tác cùng người khác sẽ dạy bé làm thế nào để thấu cảm và hòa hợp với bạn bè cũng như đứng trên quan điểm cách nhìn của người khác với cùng một sự việc mình đang tham gia.
• Sự ham tìm tòi hiểu biết: Có thể một trong những kỹ năng quan trọng nhất bé cần hình thành ở giai đoạn này là khao khát học tập thực sự. Giáo viên của bé sẽ sử dụng nhiều học liệu thú vị và ý tưởng lạ để thu hút sự tò mò tự nhiên của bé. Những cuộc nghiên cứu gần đây đưa ra quan điểm rằng những điều mới lạ hay những hoạt động khác thường và những học liệu sinh động sẽ lôi cuốn bộ não tham gia nhiều hơn so với những điều dễ đoán, do vậy gây ra sự kích thích não bộ cao hơn.
• Sự giao tiếp: Thể hiện bản thân bé và bày tỏ những ý tưởng, cảm xúc và kiến thức về thế giới là một chìa khóa trẻ cần thiết nắm bắt. Đó là nền tảng cho tất cả việc học đọc, học viết, toán và những kỹ năng khoa học. Nếu bé cảm thấy thoái mái để bộc lộ chia sẻ ý tưởng hay quan điểm, bé sẽ có cái nhìn mở hơn trong học tập, chấp nhận những nguy cơ rủi ro khi bắt tay làm bất cứ điều gì.
Những gì bạn có thể làm
Giúp con phát triển những kỹ năng xã hội và xúc cảm cần thiết bằng cách tạo cơ hội cho con tiếp xúc với bạn bè tại nhà. Hãy hỏi bé về người bạn bé yêu quý, muốn mời tới nhà chơi cuối tuần. Nhiều giáo viên phát hiện rằng có thể trẻ gặp khó khăn trong kết bạn, chia sẻ cảm xúc trong nhóm lớn tại lớp; nhưng việc làm quen và chia sẻ với bạn bè trong không gian nhỏ, nhất là không gian gần gũi quen thuộc tại nhà của chính trẻ lại dễ dàng hơn. Một khi trẻ đã tạo lập được sự kết nối với một người bạn trong lớp, sớm hay muộn bé sẽ phát triển mối quan hệ đó ra nhiều bạn khác.
Sự quan trọng của vui chơi.
Với con bạn, chơi là một công việc quan trọng. Bé lớn lên, học và khám phá thế giới thông qua việc chơi. Điều này xảy ra thông qua những hoạt động chơi phức tạp mà đòi hỏi trẻ phải tư duy, giải quyết vấn đề, và tham gia vào một thế giới tưởng tượng. Khi trẻ tham gia chơi, chúng phải lập kế hoạch, phải sáng tạo một tâm điểm và cố gắng phấn đấu cho mục tiêu đó - tất cả các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và công việc. Giáo viên của con bạn nên cung cấp các tình huống chơi suốt một ngày ở trường cho các bé. Giáo viên có thể giới thiệu các chữ cái và chữ số đầu tiên qua chơi diễn kịch, xây dựng các tòa nhà và trải nghiệm văn học, âm nhạc. Vậy đừng lấy làm bực bội nếu con bạn về nhà và nói "Hôm nay con đã được chơi cả ngày!" Bạn có thể chắc chắn rằng với sự hướng dẫn của giáo viên và sự tò mò bẩm sinh, bé đã áp dụng sự giải quyết vấn đề quan trọng, việc học đọc, học toán, các kỹ năng khoa học đúng đắn trong khi chơi.
Những kinh nghiệm mà trẻ có được từ những năm tháng đầu tiên cung cấp nền tảng mà sẽ làm trẻ có thể đạt tới sự say mê nhiệt tình, sự học tập suốt đời - say mê nhiệt tình vì chúng khám phá ra rằng học tập mang lại niềm vui cũng như có đầy ý nghĩa.