Theo bác sĩ Hà Huy Tài - Bệnh viện Mắt trung ương, số liệu khảo sát cho thấy lứa tuổi học sinh đầu cấp THCS (12-13 tuổi) có tốc độ tiến triển cận thị nhanh nhất: 0,75D/năm (thường gọi là điốp), hơn hẳn mức tăng trung bình của học sinh phổ thông nói chung - vốn ở mức khá cao (0,6D/năm). Đây là giai đoạn dậy thì, cơ thể phát triển nhanh nhất, trục nhãn cầu dài ra nên mức tăng cận thị cũng nhanh hơn.
Ngoài ra, học sinh đầu cấp phải học tập căng thẳng hơn cấp học trước đó cũng được xem là nguyên do thúc đẩy tiến triển cận thị nếu điều kiện ánh sáng, tư thế ngồi học không được điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, gia đình có bố mẹ bị cận, con cái cũng có độ tiến triển cận thị cao hơn mức bình thường (0,8D so với nhóm trẻ có bố mẹ không bị cận chỉ tăng 0,4D/năm).
Bác sĩ Tài khẳng định tỉ lệ cận thị trong lứa tuổi học đường ngày càng cao, làm ảnh hưởng nhiều tới thành tích học tập cũng như cản trở các hoạt động và sinh hoạt của học sinh. Theo nghiên cứu, trẻ bị cận ở độ tuổi càng nhỏ thì tốc độ tăng càng nhanh. Do đó, các bậc phụ huynh cố gắng giữ gìn đôi mắt con em mình ngay từ tuổi nhi đồng, tránh bị cận sớm, tăng độ nhanh.