Chắc chắn nhiều cha mẹ sẽ bất ngờ khi biết tác hại của việc nghiện điện thoại lại nặng nề đến thế, nó không chỉ khiến thị lực của trẻ gặp vấn đề mà tâm sinh lý cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều cha mẹ thường dùng điện thoại thông minh để giải quyết việc con mè nheo, khóc lóc. Mỗi khi thấy con khóc mà dỗ mãi không được thì những cha mẹ này sẽ lấy luôn điện thoại, bật hoạt hình và các chương trình thiếu nhi sau đó đưa cho con xem, vậy là lúc này đứa trẻ sẽ im thin thít và chăm chú xem điện thoại.
Từ đó về sau nhiều cha mẹ cứ thấy con khóc là lại sẽ dùng điện thoại để dỗ dành, mới đầu thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng về lâu về dài những đứa trẻ này sẽ bị nghiện điện thoại và phải hứng chịu cả loạt vấn đề về sức khỏe.
Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego (Mỹ) cho biết lần đầu tiên bà phát hiện ra một số xu hướng kỳ quặc về sức khỏe tâm thần ở tuổi thiếu niên vào năm 2011 và 2012, thời điểm mà điện thoại thông minh đang dần trở nên phổ biến. "Tỷ lệ tự tử tăng gấp 2 lần, các trường hợp nhập viện cấp cứu vì tự làm hại bản thân ở các cô gái trẻ tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ trầm cảm lâm sàng tăng 50%".
Những thanh thiếu niên dành từ 5 giờ trở lên mỗi ngày xem màn hình có nguy cơ mắc các rủi ro về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn 71% (Ảnh minh họa).
Đối với giáo sư Twenge, mối liên hệ giữa thời gian sử dụng màn hình và sức khỏe tâm thần dường như rõ ràng. Bà cũng cho biết có những bằng chứng không thể phủ nhận rằng thời gian sử dụng màn hình có tác động tiêu cực đến việc phát triển tư duy, dựa trên nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái trên tạp chí Khoa học tâm lý lâm sàng.
"Tôi thấy rằng những thanh thiếu niên dành từ 5 giờ trở lên mỗi ngày xem màn hình có nguy cơ mắc các rủi ro về các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn 71% , chẳng hạn như trầm cảm hoặc suy nghĩ về tự tử". Thời gian sử dụng màn hình được tính bằng thời gian chơi game, dùng mạng xã hội...
Anna Lembke là trợ lý giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford (Mỹ), bà nghiên cứu về nghiện ngập, lạm dụng các chất và công nghệ. Anna cho biết cách chúng ta hấp thụ ánh sáng xanh của màn hình gần giống với cách mà người sử dụng ma túy có thể cảm thấy.
"Màn hình điện thoại có thể tác động lên cùng một khu vực của não như opioids và cần sa".
Điều khiến trẻ dễ bị tổn thương vì nghiện điện thoại thông minh là do chúng đang ở trong thời điểm rất quan trọng về phát triển tinh thần và thể chất, cũng như rất nhạy cảm về mặt xã hội: "Bộ não của thanh thiếu niên dễ bị mạo hiểm hơn, do đó, trung tâm cảm xúc của hành vi điều khiển não nhiều hơn so với trung tâm lập kế hoạch tương lai của não. Đó là lý do tại sao thanh thiếu niên thường bốc đồng chấp nhận rủi ro mà không nhận ra hậu quả trong tương lai. Bộ não của chúng rất linh hoạt bởi vì tuổi thiếu niên là thời gian các tế bào thần kinh trải qua quá trình cắt tỉa, làm thay đổi căn bản hình dạng và cấu trúc của não từ một đứa trẻ thành một con người trưởng thành", giáo sư Anna Lembke cho biết.
Chỉ cần 1 giờ mỗi ngày nhìn chằm chằm vào màn hình đủ để khiến trẻ dễ lo lắng hoặc trầm cảm hơn. Dùng điện thoại nhiều có thể khiến trẻ bớt tò mò, ít có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, kém ổn định về mặt cảm xúc và khả năng tự kiểm soát thấp.
Mặc dù thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhất từ các thiết bị gây hại, trẻ em dưới 10 tuổi và bộ não vẫn đang phát triển của trẻ mới biết đi cũng bị ảnh hưởng. Trẻ dưới 5 tuổi dùng thiết bị điện tử nhiều cũng tăng gấp đôi nguy cơ mất bình tĩnh, trong đó 46% trẻ không thể bình tĩnh khi bị kích động.
Ở nhóm trẻ 14-17 tuổi, 42,2% trẻ tham gia nghiên cứu dành hơn 7 tiếng mỗi ngày trước màn hình không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Khoảng 9% trẻ trong độ tuổi 11-13 dành 1 tiếng trước màn hình mỗi ngày không tò mò hay hứng thú học những điều mới.
Cha mẹ và giáo viên phải cắt giảm thời gian mà trẻ em dùng điện thoại hoặc xem tivi trong khi học, giao tiếp, ăn uống hoặc thậm chí chơi thể thao. Giáo sư Twenge cho biết bản thân bà ủng hộ khuyến nghị thời gian ngồi trước màn hình của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ là 1 giờ mỗi ngày cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Còn trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường nên giới hạn thời gian sử dụng là 2 giờ mỗi ngày.
Nguồn: Nhịp Sống Việt