Nhiều bậc cha mẹ có !important; con nhỏ bị bệnh hen đã rất lo lắng không biết khi trưởng thành, trẻ có còn mắc bệnh hen nữa hay không? Cần làm gì để thay đổi tình trạng hen ở trẻ em?
Phần lớn trẻ em mắc hen sẽ không còn triệu chứng khi trưởng thành
Hen ở trẻ em khi lớn lên có hết bệnh không?
Phần lớn trẻ em mắc hen sẽ không còn triệu chứng khi trưởng thành. Theo diễn biến tự nhiên thì khoảng 2/3 số trẻ em bị hen sẽ không còn hen khi đến tuổi 20, còn 1/3 trẻ em hen vẫn còn triệu chứng.
Sự thay đổi này có thể do sự thay đổi hormon đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đường thở, đáp ứng viêm và co thắt cơ trơn phế quản.
Các yếu tố nguy cơ nào làm bệnh hen kéo dài từ nhỏ tới lớn?
- Giới nữ
- Xuất hiện triệu chứng hen ở 3 năm đầu, đặc biệt ở nhũ nhi
- Xuất hiện trên 10 đợt hen cấp
- PEF thấp kéo dài
- Bố mẹ bị hen
- Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên
Những yếu tố nguy cơ làm cơn hen tồn tại dai dẳng
- Hen nặng
- Không còn hồi phục
- Xuất hiện sau tuổi 40
- Tiếp tục tiếp xúc với dị nguyên.
Hen không được chẩn đoán đúng hoặc nhầm có nguy hiểm không?
Nếu người bệnh hen không được chẩn đoán đúng bệnh hen sẽ dẫn đến không được điều trị và bệnh không được kiểm soát làm cho bệnh nặng thêm và kéo dài, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ.
Nếu hen bị chẩn đoán nhầm sẽ dẫn đến điều trị sai và dùng thuốc không đúng bệnh, gây hại cho người bệnh, lãng phí tiền của, thời gian của gia đình. Ngoài ra còn làm thay đổi thói quen cách sống cũng như những rối loạn về tâm lý.
Làm gì để thay đổi tình trạng hen ở trẻ em?
Nếu trẻ mắc hen, gia đình cần cho trẻ được điều trị can thiệp sớm để thay đổi tình trạng hen ở trẻ em.
- Điều trị với ICS có thể ngăn ngừa được sự biến đổi đường thở, ngăn ngừa sự giảm chức năng phổi và kiểm soát được hen.
- Can thiệp sớm về môi trường sẽ rất hữu ích với trẻ em có nguy cơ mắc hen.
Các biện pháp làm giảm nguy cơ hen kéo dài từ nhỏ tới lớn gồm:
- Điều trị tốt bệnh hen
- Hít corticoid sớm để điều trị hen
- Thay đổi môi trường sống
- Giảm tiếp xúc dị nguyên ngay thời kỳ còn trong bào thai và 2 năm đầu đời.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, BV Bạch Mai