Trẻ em trong độ tuổi đi học cần ngủ trung bì !important;nh 10 giờ, thanh thiếu niên nên ngủ khoảng 8,5 giờ, người từ 26 tuổi nên là 7-9 giờ.
Thời lượng giấc ngủ thay đổi tùy theo nhu cầu, độ tuổi và nếp ngủ của mỗi người. Dưới đây là một số lưu ý về thời lượng giấc ngủ theo độ tuổi và mẹo giúp ngon giấc.
Các chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu Giấc ngủ cho biết, người trưởng thành ngủ 7-9 giờ hằng đêm để duy trì thể trạng khỏe mạnh. Tùy thói quen ngủ ngắn hoặc ngủ dài, người ngủ ngắn sẽ ngủ ít hơn 7 giờ, trong khi người ngủ dài cần 9 giờ để sạc lại năng lượng.
Trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Thanh thiếu niên và người đang hồi phục bệnh nên nghỉ ngơi hơn 9 giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc thường liên quan đến chứng trầm cảm, bệnh tim, béo phì, tăng cân hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến nghị mỗi độ tuổi nên có thời lượng ngủ phù hợp như sau:
Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): Ngủ trung bình 14-17 giờ mỗi ngày, bao gồm giấc ngủ ngắn.
Trẻ sơ sinh (4-11 tháng): Ngủ trung bình 12-15 giờ mỗi ngày, bao gồm giấc ngủ ngắn.
Trẻ mới biết đi (12-35 tháng): Ngủ khoảng 11-14 giờ, bao gồm giấc ngủ ngắn.
Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi): Ngủ khoảng 10-13 giờ mỗi ngày.
Trẻ em trong độ tuổi đi học (6-13 tuổi): Ngủ khoảng 9-11 giờ mỗi ngày.
Thanh thiếu niên (14-25 tuổi): Ngủ khoảng 7-10 giờ mỗi ngày.
Người trưởng thành (26 tuổi trở lên): Ngủ khoảng 7-9 giờ mỗi ngày.
Nếu nhịp công việc và sinh hoạt bắt đầu lúc 5-7h, bạn nên đi ngủ trong khoảng 22-23h. Thanh thiếu niên cố gắng lên giường lúc 21-22h. Nếu trẻ nhỏ thức dậy vào 7-8h, ba mẹ có thể cho con đi ngủ trong khoảng 19-20h. Trẻ mới biết đi và trẻ mầm non đi ngủ lúc 19-21h.
Bạn cũng có thể ngủ dễ hơn và ngủ đúng giờ khi thực hành những mẹo sau đây:
Tạo môi trường ngủ ngon: Bạn nên bắt đầu đi ngủ trong không gian yên tĩnh, mát mẻ và tối. Đệm và ga trải giường nên mềm mại, vệ sinh thường xuyên để cơ thể được nghỉ ngơi thoải mái. Nếu không gian làm việc trong phòng ngủ, cần cố gắng giảm thiểu tác nhân gây căng thẳng thị giác.
Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ: Thói quen đi ngủ nhất quán và một số kỹ thuật thư giãn cũng rất hữu ích. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc tắm trước khi lên giường. Hạn chế xem tivi hoặc tập thể dục cường độ cao trước đi ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình có thể khiến bạn khó chợp mắt hơn.
Bạn cũng có thể dành thời gian phơi nắng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, tiếp xúc với ánh sáng trời vào ban ngày góp phần giúp cơ thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Nên hạn chế caffeine và rượu để tránh thức giấc vào ban đêm. Hạn chế các hoạt động kích thích não bộ càng nhiều càng tốt khi đã lên giường bởi đây là lúc bạn đang rèn luyện cho cơ thể rằng giường để đi ngủ.
Hiểu về nhu cầu ngủ của bản thân để có thời lượng ngủ hợp lý góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Gene, môi trường và tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian bạn cần ngủ.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)