Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xác nhận vừa xử lý hàng chục con giòi trong tai của một bệnh nhân 52 tuổi, trú xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông.
Tại sao có giòi trong tai? Nó nguy hiểm không?
Về chuyên môn, giòi là một giai đoạn trong quá trình phát triển của ruồi, gồm: trứng, giòi, nhộng và ruồi. Trứng ruồi đẻ vào những nơi ẩm thấp, các loại thịt rữa thối, hay phân, chất thải. Sau 8-20 giờ, trứng nở thành giòi. Ở dạng này, con giòi bắt đầu ăn. Chúng chuộng nhất là thịt hư rữa, ăn no xong, con giòi bò tìm nơi để biến thành nhộng. Trong y học, thời xưa người ta dùng giòi để làm sạch vết thương nhiễm trùng.
Khi chẳng may có một số loài ruồi bay vào vành tai để đẻ trứng, trứng lọt vào trong ống tai khi người đó móc hoặc ngoáy tai do ngứa, sau đó trứng nở thành giòi. Có hai nguyên nhân:
1. Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có ruồi, chẳng hạn như trang trại chăn nuôi, xưởng chế biến hải sản, gia súc, hoặc nơi có điều kiện vệ sinh kém. Bình thường ống tai là nơi luôn ẩm ướt và ấm áp, khiến nó trở thành địa điểm lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của giòi khi trứng ruồi xâm nhập vào tai, đặc biệt là những người bị viêm tai giữa mãn, sau khi trứng nở, giòi sẽ bắt đầu ăn các mô và mảnh vụn xung quanh, điều này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, bao gồm đau, ngứa và tiết dịch.
2. Trường hợp do dị vật, như máy trợ thính, tai nghe điện thoại… bị trứng ruồi bám vào, rồi gắn vào tai cũng có thể làm nhiễm trứng ruồi và nở thành giòi.
Giòi trong tai có thể nguy hiểm vì chúng có thể gây tổn thương cho ống tai và màng nhĩ khi chúng di chuyển xung quanh và ăn các mô của tai trong.
Ngoài ra, giòi có thể mang vi khuẩn và các vi sinh vật có hại khác, có thể gây nhiễm trùng, nhiễm nấm. Nếu không được điều trị, những nhiễm trùng này có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể như não, màng não sẽ đe dọa đến tính mạng nạn nhân.
Đề phòng có giòi trong tai, bà con mình cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, điều trị dứt các bệnh lý về tai, nhất là khi bị viêm tai giữa, rửa tay sạch trước khi chạm vào tai, vệ sinh sạch máy trợ thính, tai nghe điện thoại. Khi tai bị đau, ngứa, chảy dịch thì nên khám bác sĩ càng sớm càng tốt.