Khi chăm sóc trẻ mắc viêm phổi, cha mẹ cần cho con ăn thức ăn loãng, dễ tiêu. Ngoài ra, duy trì môi trường xung quanh thông thoáng, sạch sẽ.
Điều trị tùy tình trạng bệnh
Tối 7/5, không khí lạnh tràn về gây mưa ở nhiều tỉnh, thành, nhiệt độ miền Bắc giảm xuống khoảng 20 độ C so với những ngày trước, như Hà Nội còn 23 độ C, Nghệ An 27 độ C.
Theo các chuyên gia, việc nhiệt độ giảm đột ngột là hình thái thời tiết có hại cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch. Cụ thể, trong giai đoạn giao mùa, hệ miễn dịch trẻ nhỏ non nớt, cơ thể không kịp thích nghi, dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên.
Một số bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp trong mùa Hè bao gồm viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng thanh quản. Bệnh có thể tự khỏi, song một số trường hợp biến chứng xuống phổi.
Theo ThS.BSCKII Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), khi trẻ bị viêm phổi, các bác sĩ sẽ điều trị theo mức độ bệnh của trẻ. Trẻ cần được xác định mắc viêm phổi nhẹ, trung bình hay nặng.
Trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể để trẻ điều trị tại nhà với sự phối hợp của phụ huynh. Trường hợp trẻ mắc viêm phổi trung bình và nặng, cần sự đồng hành của phụ huynh, cũng như giám sát gắt gao của bác sĩ.
Theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm phổi, như virus cúm, á cúm, phế cầu, hoặc viêm phổi không điển hình. Tất cả virus, vi khuẩn, tác nhân khác đều có thể tấn công nhu mô phổi. Từ đó, phá hủy nhu mô phổi, ảnh hưởng đến nơi sản xuất oxy cho cơ thể.
Đối với trẻ được khuyến khích điều trị tại nhà, nhu mô phổi chưa tổn hại nhiều, tỉnh táo, chơi vui vẻ. Khi đó, trẻ không nên được điều trị tại bệnh viện. Bởi, môi trường bệnh viện cũng là nơi có nhiều vi trùng.
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cần thiết để điều trị cho trẻ. Trong đó, có thể bao gồm kháng sinh điều trị vi trùng. Ngoài ra, cần sự chăm sóc của phụ huynh để trẻ mau hồi phục.
Về dinh dưỡng, bác sĩ Diễm khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu. Đồng thời, cần đảm bảo đầy đủ nhóm dinh dưỡng, giúp trẻ đủ sức khỏe để chống lại bệnh.
Ngoài ra, cần duy trì môi trường xung quanh thông thoáng, sạch sẽ. Bởi, môi trường ẩm mốc, nhiều vi khuẩn cũng là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn khác tấn công trẻ vì cơ thể các bé đang bệnh và dễ bị yếu. Phụ huynh vẫn nên cho trẻ hoạt động, tham gia vui chơi, tăng sức đề kháng từ bên trong.
Sai lầm thường gặp
Theo bác sĩ Diễm, khi chăm sóc trẻ mắc viêm phổi, không ít phụ huynh mắc sai lầm như không cho bé uống đủ ngày thuốc, phác đồ điều trị. Chuyên gia này cảnh báo, việc không cho trẻ uống đủ ngày, liều lượng thuốc sẽ vô tình gây kháng thuốc.
Như vậy, lần sau, trẻ sẽ phải uống thuốc mạnh hơn. Một sai lầm khác là phụ huynh tự ý đi mua thuốc để trẻ uống. Song, cha mẹ không rõ đó là loại thuốc gì, có phù hợp với thể trạng trẻ không.
Việc này có thể gây kháng thuốc, hoặc mua thuốc không phù hợp tình trạng bé. Ngoài ra, một số phụ huynh dùng đơn thuốc của trẻ khác để mua cho con mình uống. Đó cũng là hành động không nên.
“Một số phụ huynh cho trẻ ăn chế độ quá kiêng khem, trong khi đây là giai đoạn cần hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn để tăng sức đề kháng chống lại bệnh. Khi ốm, trẻ có thể không ăn được nhiều. Song, trẻ cần ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn một chút, để đảm bảo có đủ dinh dưỡng, sức đề kháng chống lại bệnh”, bác sĩ Diễm khuyến cáo.
Với những trẻ viêm phổi được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà, nếu có kháng sinh, bắt buộc phải điều trị theo phác đồ. Thông thường, trẻ cần dùng kháng sinh điều trị từ 5 - 7 ngày. Song, tùy trẻ, bác sĩ có thể hẹn tái khám sau 2 - 3 ngày.
Ví dụ, với trẻ đáp ứng tốt, 2 - 3 ngày sau bớt ho, tươi tỉnh, vì lý do nào đó không thể tái khám, cha mẹ có thể đưa con đến cơ sở y tế khác gần nhà hơn để điều trị tiếp cho trẻ.
Bác sĩ Diễm nhấn mạnh, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý cầm đơn thuốc ra ngoài mua và cho trẻ uống tiếp. Bởi, điều đó ảnh hưởng đến sức đề kháng, diễn tiến bệnh, khiến trẻ không đáp ứng thuốc hoặc kháng thuốc, thậm chí gây diễn tiến xấu hơn.
Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi tại nhà, cha mẹ cần chú ý nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý 4 - 5 lần/ngày, đặc biệt là trước khi bé ăn hoặc ngủ. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và không bỏ bữa. Cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm, giúp bé dễ chịu hơn.
Ngoài ra, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Dùng khăn giấy loại dùng một lần để vệ sinh mũi cho bé. Tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có thể gây lây nhiễm nặng hơn.
Đồng thời, cho trẻ nằm nghiêng khi ngủ, kê gối cao hơn một chút để bé thoải mái hơn. Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ nên vỗ nhẹ lưng bé để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
“Sau quá trình điều trị, việc chăm sóc trẻ sau khi bị viêm phổi là cần thiết và quan trọng vì cơ thể trẻ cần thời gian để hồi phục hoàn toàn. Để hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi, trẻ có thể bắt đầu với các bài tập hít thở đơn giản tại giường.
Hít sâu và nín thở trong vòng khoảng 3 giây, thở ra bằng miệng rồi khép lại. Ngoài ra, trẻ có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ xung quanh nhà. Nếu cảm thấy không bị đuối sức, trẻ có thể tăng khoảng cách đi bộ”, bác sĩ Chính khuyến cáo.