Hiện nay, bệnh lác mắt đã không còn là bệnh lý hiếm gặp với biểu hiện là trục nhìn của mắt bị lệch đi so với mắt bình thường, kèm theo biểu hiện rối loạn thị giác của mắt. Lác mắt không chỉ gây cản trở về mặt thị giác mà còn ảnh hưởng rất lớn tới mặt thẩm mỹ của người bị bệnh.
1. Tìm hiểu về bệnh lé mắt (lác mắt)
1.1 Khái niệm
Bệnh lác mắt hay còn gọi với cái tên là lé mắt là tình trạng hai mắt không được cân bằng và nhìn theo các hướng khác nhau. Ở những người bị lác mắt, sẽ có một hoặc cả hai mắt nhìn theo hướng lệch vào trong hoặc lệch ra bên ngoài. Bệnh lác này thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ là chính, một số còn xuất hiện ở trẻ sơ sinh và người lớn.
Hai mắt của người bị lé mắt không được cân bằng và nhìn theo các hướng khác nhau (minh họa).
Khi một trong 2 bên mắt bị lệch, hai hình ảnh khác nhau từ hai bên mắt nhận được sẽ chuyển đến khu vực trung tâm não bộ. Ban đầu, nhất là ở trẻ nhỏ não bộ trẻ sẽ chọn lọc chỉ lấy hình ảnh bên mắt nhìn rõ hơn và loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch kém rõ ràng đi. Về lâu dài, mắt trẻ dần mất đi độ chính xác khi quan sát mọi vật. Còn ở đối tượng người lớn, não bộ cũng thu được cả hai hình ảnh khác nhau từ hai mắt, nhưng lúc này não không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt nhìn lệch như trẻ nhỏ, từ đó gây nhìn đôi.
1.2 Phân loại
Thông thường, có hai loại lác mắt như sau:
– Lác cơ năng (hay lác đồng hành): Xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, điểm chung là tình trạng mắt lác luôn luôn di chuyển cùng một hướng với mắt lành.
– Lác liệt (hay lác bất đồng hành): Xảy ra chủ yếu ở người lớn, điểm chung là tình trạng cơ vận nhãn bị liệt khiến sự vận động của nhãn cầu bị hạn chế.
Bệnh lé mắt có nhiều hình thái khác nhau như: lác chụm chữ V, chứ A, lé trong, lé ngoài,… Qua thời gian dài, mắt bị lác dần yếu hơn, thậm chí bị mất thị lực bởi não bộ chỉ hay sử dụng tín hiệu từ một bên mắt khỏe hơn.
2. Nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh lác mắt
Lác mắt xảy ra do 6 cơ quanh mắt không thể phối hợp hoạt động nhịp nhàng như ở người bình thường. Nguyên nhân gây nên là:
– Bị liệt cơ vận nhãn từ bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình trưởng thành.
– Có tiền sử mắc bệnh lé từ gia đình.
– Chấn thương quanh mắt để lại di chứng.
– Gặp vấn đề ở não như: bại não, u não, hội chứng Down, não úng thủy…
– Bệnh lý ở mắt tác động: sụp mí, đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc…
– Mắc tật khúc xạ mức độ nặng như về cận loạn thị và viễn thị.
– Phẫu thuật các bệnh lý ở mắt trước đó.
– Bất thường khi sinh như: sinh non, trẻ nhẹ cân suy dinh dưỡng.
3. Triệu chứng của tình trạng lác mắt là gì?
Thực tế, người bệnh có thể nhận biết bệnh lé mắt rõ ràng khi soi gương thấy mắt bị lệch, hoặc được người xung quanh phát hiện ra. Ngoài ra, có một số triệu chứng chủ quan như là:
Mắt của trẻ bị lé khi nhìn có sự lệch rõ ràng (minh họa).
– Thường xuyên bị nhức mỏi mắt, một bên mắt lé nhìn mờ hơn hẳn bên mắt lành.
– Người bị lé hay vô thức nghiêng đầu nheo mắt mỗi khi nhìn mọi vật.
– Khi đi lại và bước lên xuống bậc cầu thang dễ bị té ngã, làm việc không được chính xác.
– Nhìn song thị tức là thấy 2 hình ảnh cùng lúc thường gặp ở người lớn.
4. Mắt bị lé có thể chữa được không?
Đây có lẽ là thắc mắc của nhiều người khi phát hiện bản thân bị lé, câu trả lời là mắt lé của khả năng chữa được. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học thì việc chữa mắt lé trở nên đơn giản hơn, nhưng kết quả vẫn phụ thuộc vào từng từng hợp cụ thể. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả như: nguyên nhân, thời gian mắc bệnh và hình thái lác.
Đa số các trường hợp lác mắt được điều trị với mục tiêu tối ưu thị lực của cả hai mắt. Điều này nhằm cố gắng giúp người bệnh nhìn rõ mọi vật ở hình ảnh 3 chiều và thuận lợi hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Riêng với người trưởng thành, điều trị lác mắt sẽ cố gắng cải thiện về mặt thẩm mỹ. Còn ở đối tượng trẻ em, khả năng khôi phục thị lực cao hơn người lớn, và độ tuổi phục hồi nên dưới 3 tuổi. Theo một số nghiên cứu, nếu điều trị lác mắt trước 3-4 tuổi thì tỷ lệ thành công có thể đạt hơn 90%, nếu từ 6-8 tuổi thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 62%. Vì đó, khi nghi ngờ bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị lác mắt, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được khám và điều trị lác mắt hiệu quả.
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh lác mắt như: chỉnh quang, chỉnh thị hoặc phẫu thuật điều chỉnh sự lệch lạc của trục nhãn cầu. Tùy từng tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị lác mắt riêng.
5. Thông tin về các phương pháp điều trị lé mắt
5.1 Điều trị bệnh lác mắt bằng chỉnh quang
Điều trị lé mắt bằng chỉnh quang là quá trình điều chỉnh tật khúc xạ, nhất là khi có lệch khúc xạ, thường cho sử dụng kính. Việc điều chỉnh kính nhằm đem lại hình ảnh rõ nét và tạo điều kiện cho sự phối hợp thị giác hai mắt tốt hơn. Khi phát hiện trẻ bị tật khúc xạ kèm theo lác mắt, phụ huynh cần cho trẻ đi khám, đeo kính đúng số độ và lên lịch theo dõi thường xuyên.
Khách hàng đang được bác sĩ TCI kiểm tra Mắt (minh họa).
5.2 Điều trị bệnh lác mắt bằng phẫu thuật
Phẫu thuật mắt lác sẽ điều chỉnh trục nhãn cầu bị lệch, giúp cải thiện tối đa tình trạng lác. Tuy nhiên, nên thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt nhất là ở trẻ nhỏ vì để lâu khiến tổn thương mắt kéo dài và khả năng hồi phục thấp.
Mổ mắt điều trị mắt lác thường được tiến hành khi không thể điều trị bằng các cách khác. Việc phẫu thuật này cũng chỉ chỉnh lại các cơ quanh mắt và không can thiệp vào trong nội nhãn.
5.3 Sử dụng phương pháp khác
Một số phương pháp khác điều trị mắt lác như:
– Luyện tập các bài tập quy tụ, tập liếc mắt.
– Điều trị bằng cách che mắt: Sử dụng bịt che mắt có thể đem lại hiệu quả tốt với trẻ nhỏ.
Hy vọng những điều cần biết về bệnh lác mắt nói trên sẽ hữu ích với bạn đọc. Khi thấy có dấu hiệu của lác mắt, hãy chủ động đi khám bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời bạn nhé.