Nhiều phụ huynh nuô !important;i con bằng phương pháp thuần chay nhưng theo các chuyên gia, đây là cách ăn tiềm ẩn nguy cơ thiếu chất, nếu cha mẹ không có kiến thức dinh dưỡng.
Sau một ngày bận rộn, chị Tuyết Hoa (30 tuổi, ngụ Lâm Đồng) lại vào bếp sơ chế rau củ để chuẩn bị bữa ăn thuần chay cho con trai 5 tuổi. Ăn chay trường từ khi là sinh viên, hiện người phụ nữ vẫn hàng ngày học hỏi các kiến thức về dinh dưỡng mà con có thể hấp thu từ thực vật.
"Mình không đòi hỏi các món chay phải chế biến cầu kỳ, chủ yếu nắm rõ từng nhóm dinh dưỡng và vi khoáng chất trong mỗi món", Hoa nói.
Năm 2017, dù phát hiện mang thai, chị Hoa vẫn duy trì ăn chay thuần với đa dạng rau, củ quả, các loại hạt, ngũ cốc và thực phẩm chức năng. Cân nặng của chị luôn ở mức 42 kg, chỉ tăng 6 kg vào những tháng cuối thai kỳ. Con trai của chị ra đời bằng phương pháp sinh thường, nặng 3,2 kg, mẹ có nhiều sữa cho con bú.
Khi bé 7 tháng tuổi, chị Hoa cho trẻ ăn dặm với các loại rau, đậu, nấm và trái cây. Người mẹ thay đổi cách nấu từ xào, nướng đến hấp, chú trọng phần nước sốt, chế biến món có màu rực rỡ để con ăn ngon miệng. Ngoài sữa hạt tự làm, chị cho con dùng sữa công thức thuần chay. Hiện, con trai chị 5 tuổi, nặng 25 kg và cao 103 cm. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tiêu chuẩn trung bình của bé trai độ tuổi này là 18,3 kg và 110 cm.
"Với trải nghiệm của người trưởng thành, tôi chỉ hướng con đến lối sống mà mình thấy tốt. Khi đã lớn và đủ nhận thức, con sẽ tự quyết định chế độ ăn của mình", chị nói, thêm rằng ăn chay không khiến cơ thể thiếu chất, mà giúp người nhẹ nhàng, chuyển hóa năng lượng tốt hơn.
Bữa ăn thuần chay được Tuyết Hoa chuẩn bị cho con trai 5 tuổi. Ảnh: NVCC
Chị Hoa chỉ là một trong hàng nghìn gia đình cho con ăn chay, không sử dụng các chế phẩm từ động vật như trứng, sữa, thịt. Nhiều nhóm ăn thuần chay trên mạng xã hội được các phụ huynh quan tâm như nhóm Mẹ và Bé Ăn Chay 5.000 thành viên, nhóm Ăn chay từ bụng mẹ 3.000 người tham gia, hay nhóm Dinh Dưỡng Nuôi Con Thuần Chay 2.000 người theo dõi.
Tương tự, chị Mai Đang, 39 tuổi, ở Bình Chánh (TP HCM), cũng cho con ăn chay thuần. Hiện con trai chị hơn một tuổi, nặng 8,5 kg và cao 72 cm, trong khi theo Viện dinh dưỡng, trung bình bé trai trong giai đoạn này nặng 9,6 kg, cao 75 cm.
Cho con ăn thuần chay để khỏe mạnh nhưng mỗi khi bé bệnh và sụt cân, Mai Đang thường bị gia đình, bạn bè trách móc. Nhưng có chồng đồng hành và ủng hộ, chị cho rằng cơ thể con tuy không mũm mĩm nhưng săn chắc, ít bệnh vặt.
Để bổ sung dinh dưỡng cho con, chị Đang luân phiên kết hợp các nhóm đường bột, đạm, béo và vitamin, đồng thời cân bằng những món giàu tính kiềm. Chị thường cho con uống thêm nước ép, men dinh dưỡng và vitamin D.
Theo Mai Đang, dù theo chế độ nào, trẻ đều có thể thiếu chất nếu ăn thực phẩm không phù hợp. Chị luôn dành thời gian suy nghĩ thực đơn mới, đảm bảo bữa ăn đa dạng và giàu dinh dưỡng.
Nhận định về lợi ích của chế độ ăn chay thuần, ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, nói cách ăn này tương đối giàu dinh dưỡng, dồi dào vitamin, chất xơ cho trẻ em. Tuy nhiên, trong giai đoạn cơ thể đang phát triển, trẻ cần nguồn đạm từ thịt, cá, trứng, sữa; chất béo và canxi, kẽm, sắt từ động vật.
Để đảm bảo dinh dưỡng khi ăn chay, theo bác sĩ Hùng, trẻ cần ăn đủ nhóm chất, gồm chất đạm đến từ đậu, nấm; chất béo từ dầu, các loại hạt; tinh bột từ cơm, bún, phở và nhiều loại rau trái cây. Mỗi ngày, trẻ nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ăn chay đem lại lợi ích lâu dài về sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, ăn thuần chay có thể không đảm bảo đầy đủ nhóm chất (như chế độ ăn từ động vật), nếu người dân không trang bị đủ kiến thức về dinh dưỡng.
Theo ông Tường, phụ nữ theo chế độ thuần chay khi mang thai và cho con bú, ngoài sử dụng thực phẩm chức năng, nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung canxi, tận dụng vitamin C, B từ nước rau luộc. Ngoài ra, cần kết hợp vitamin C (cam, ớt chuông,... ) khi ăn kèm rau để hấp thụ sắt tốt. Quá trình mang thai, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm chỉ số sắt và máu.
"Phụ huynh có thể cân nhắc cho trẻ chuyển từ chế độ thuần chay sang chay thường, sử dụng trứng, phô mai, sữa chua, sữa bò để giảm nỗi lo trẻ bị thiếu bị thiếu canxi, sắt và vitamin B12", ông Tường nói.
Còn bác sĩ Hùng khuyến nghị khi ăn thuần chay, trẻ nên được thăm khám bác sĩ nhi khoa và chuyên gia dinh dưỡng định kỳ để đánh giá chiều cao, cân nặng theo tuổi. Nếu trẻ có những dấu hiệu thiếu chất như rụng tóc, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, da niêm nhợt, kém tập trung, đổ mồ hôi trộm... cần được can thiệp kịp thời.