Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa cấp cứu thành công một bé trai 8 tuổi, trong tình trạng men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol quá liều.
Người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 - 3 viên paracetamol loại 500mg
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết vừa cấp cứu thành công cho một bé trai 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch, men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol (thuốc hạ sốt) quá liều.
Theo lời bà ngoại, do bé bị sốt nên bà đã tự mua thuốc ở hiệu gần nhà cho cháu uống. Do không được hướng dẫn kỹ nên khi trẻ sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại cho cháu sử dụng thuốc. Trong đó, bao gồm cả thuốc dạng viên, gói và dạng đặc.
Sau khi dùng thuốc liên tục trong 2 ngày, bé trai bắt đầu rơi vào trạng thái bỏ ăn, hôn mê, suy hô hấp... Gia đình lúc này mới đưa cháu đến viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác. Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan có chiều hướng suy giảm, chức năng gan trở lại bình thường. Bệnh nhi được xuất viện sau đó 1 tuần.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, ngộ độc paracetamol là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp. Một trong số các nguyên nhân chính là do khi giảm đau, hạ sốt tại nhà, người dùng lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết. Trường hợp này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mãn tính...
Các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo. Thậm chí, vài ngày đầu, nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết. Nhiều trường hợp khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn”.
Theo chuyên gia này, khi bệnh nhân đã vàng da, chán ăn… tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan. Khi đó, tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Do vậy, người dân cần biết liều paracetamol tối đa. Người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành. Ở trẻ em, liều lượng là 15 mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ.
Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc. Thực tế, các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1 - 1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.
Để sử dụng paracetamol an toàn, người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 - 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang sử dụng và dùng đúng hướng dẫn.
Luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).
Đồng thời, kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước… Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường, cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Kim Dung
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/men-gan-cao-gap-300-lan-do-dung-paracetamol-sai-cach-post634473.html