Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế từ đầu năm 2025 đến nay, tại Việt Nam, cụ thể khu vực miền Bắc đã ghi nhận 440 trường hợp sởi tại 25/28 tỉnh, trong đó Hà Nội ghi nhận số ca mắc cao nhất với 141 ca. Tại tỉnh Cao Bằng, từ 28/11/2024 đã xuất hiện các ca bệnh sởi tại huyện Bảo Lâm và sau đó là huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, tính đến ngày 10/2/2025 luỹ tích số ca nghi mắc sởi là 1.814 ca (38 có kết quả xét nghiệm dương tính), trong đó các huyện ghi nhận ca nghi mắc sởi nhiều nhất là huyện Bảo Lâm 1.531 trường hợp, Bảo Lạc 256 trường hợp…
Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi: Sốt và phát ban là hai biểu hiện chính của bệnh. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sần (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân. Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra bệnh còn kèm theo một số biểu hiện khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…
Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, trẻ nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non…
Các biện pháp phòng sởi chủ động hiện nay:
1. Tiêm phòng
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 sởi – rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Người lớn chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ trong gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Vệ sinh phòng bệnh
Cách ly trẻ bệnh: Bệnh sởi lây lan rất nhanh nên khi phát hiện trẻ bệnh cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị, đồng thời cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho cộng đồng.
Nhân viên y tế và người nhà: Đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ bệnh, đây cũng là biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các trẻ khác tại các bệnh viện có bệnh nhân mắc sởi.
Rửa tay sạch sẽ, đầy đủ các bước rửa tay thường quy được hướng dẫn trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh với mục tiêu phòng ngừa sự lây nhiễm chéo
Cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A có tác dụng làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi gây ra. Ngoài ra, thiếu vitamin A có thể gây ra các biến chứng như viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.
Uống nhiều nước (Oresol, nước lọc…) đặc biệt khi có sốt cao, tiêu chảy.