Theo các chuyên gia, một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và những bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau.
Bộ Y tế khuyến cáo ngăn chặn nguy cơ với nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch. Ảnh minh họa.
Do đó, không thể phân biệt cúm thường và Covid-19 nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh.
Điều kiện thuận lợi để virus phát triển
Từ đầu tháng 4, Bộ Y tế ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại trên toàn quốc. Phần lớn bệnh nhân đợt này có triệu chứng nhẹ, tương tự trước đây như: Ho, sốt, mệt mỏi, đau cơ thể, được theo dõi điều trị tại nhà.
Hầu hết các ca nặng, phải nhập viện thở máy thuộc nhóm nguy cơ cao như: Người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai...
ThS.BS Mai Mạnh Tam - Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, miền Bắc vừa trải qua đợt thời tiết nồm ẩm, nhiệt độ dao động trong ngày chênh nhau khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các virus phát triển.
Không chỉ Covid-19, số người mắc các bệnh về đường hô hấp đều tăng như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính... Đây là điều đáng cảnh báo, đặc biệt là về ý thức phòng bệnh.
Đa phần người mắc cúm hay Covid-19 đều có biểu hiện nhẹ ở mức trung bình. Điều đó gây tâm lý chủ quan, đặc biệt là ở người trẻ có hệ miễn dịch tốt. Tình trạng này khiến nhóm yếu thế có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo chuyên gia này, nhiều trường hợp cấp cứu do bội nhiễm cả Covid-19 và cúm, viêm phổi do phế cầu... Cùng với cúm, vi khuẩn phế cầu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm phổi nặng.
Những người từng mắc Covid-19 hay có bệnh lý nền COPD và hen suyễn đã bị viêm phổi mạn tính. Do đó, khi có bất kỳ tổn thương nào khác ở phổi đều dẫn đến đợt bùng phát cấp tính, kéo dài thời gian nằm viện.
Theo chuyên gia này, với những bệnh như Covid-19, cúm, viêm phổi do phế cầu... phương thức lây truyền chủ yếu của các tác nhân này là từ người sang người qua đường hô hấp.
Cụ thể, khi người bệnh ho, hắt hơi sẽ phát tán các hạt, lây trực tiếp sang người tiếp xúc gần. Nếu để chẩn đoán cụ thể một người mắc bệnh gì, cần khai thác thêm về các triệu chứng, yếu tố dịch tễ.
Nguy cơ đồng nhiễm
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, miễn dịch nền ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đã đủ. Song, hiện nay, Covid-19 đã tương tự cảm.
Do đó, người dân không cần quá cố gắng phân biệt Covid-19 hay cảm, cúm. Bởi, ngay cả khi cảm, chúng ta vẫn có nguy cơ lây sang người khác. Người dân nên biết rằng, dù mắc bệnh gì thì việc đầu tiên là phải đeo khẩu trang, theo dõi sức khoẻ và điều trị. Nếu mắc Covid-19 hay cảm, cần xem trong gia đình có ai là người nguy cơ. Từ đó, cách ly với người đó và luôn đeo khẩu trang.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau.
Do đó, không thể phân biệt cúm thường và Covid-19 nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh.
Theo PGS Nga, những người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những triệu chứng này ngày càng giống cảm cúm.
Nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ. Tuy vậy, có một triệu chứng hay gặp trong nhiễm Covid-19 là mất khứu giác đột ngột. Vì vậy, nếu bị mất khứu giác đột ngột nên làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các biến chủng mới, cần phải theo dõi chặt chẽ.
Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên và tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch. Đặc biệt, ngăn chặn nguy cơ với nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch…
Vân Huyền