Bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay đã bước vào thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết, do thời tiết mưa ẩm kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển mạnh. Do đó, nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời và có giải pháp kiểm soát hợp lý, nguy cơ dịch bệnh sẽ có cơ hội bùng phát trong cộng đồng là rất cao”.
Có thể nói, hằng năm cứ mỗi khi bước vào mùa mưa, là luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, mà cao điểm dịch phát triển mạnh thường là bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết luôn được ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương, tích cực tuyên truyền vận động để người dân tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối kết hợp với ngành y tế trong công tác loại trừ trung gian truyền bệnh từ muỗi vằn trong cộng đồng, như: Thả cá 7 màu và đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hằng ngay, để muỗi không có môi trường sinh sản; thường xuyên cọ rửa các vật dụng chứa nước (thau, thạp, hồ chứa nước…); phát hoang bụi rậm, thu gom và tiêu hủy tất cả các vật dụng phế thải như vỏ dừa, lon không, chai lọ… vứt quanh nhà. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý mặc quần áo dài tay cho trẻ nhỏ và cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Tích cực hợp tác với ngành y tế địa phương trong công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch; tham gia và vận động người thân đẩy mạnh diệt trừ trung gian truyền bệnh (muỗi, lăng quăng), nhằm tránh nguy cơ bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch, nhất là ở những địa phương tiềm ẩn các ổ dịch cũ trong nhiều năm qua.
Chị Nguyễn Trúc Giang, ngụ khóm Cái Nai thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn có bé 10 tuổi bị sốt xuất huyết trong nhiều ngày qua, nhưng do được phát hiện kịp thời, tình trạng bệnh của bé đang ở thể nhẹ, nên được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Năm Căn động viên gia đình nên để cho bé được điều trị tại nhà và thường xuyên được các cán bộ y tế thuộc chương trình bác sĩ gia đình đến thăm khám, kiểm tra diễn tiến bệnh của bé để có hướng xử lý kịp thời. Chị Trúc Giang chia sẻ: “Lúc đầu khi biết con bị bệnh sốt xuất huyết, mà để theo dõi và điều trị tại nhà tôi cũng không yên tâm lắm. Nhưng các bác sĩ nói bé chỉ bị bệnh ở giai đoạn nhẹ, có thể điều trị tại nhà vẫn tốt hơn, nên tôi cũng yên tâm. Nói chung, việc chăm sóc và điều trị cho bé tại nhà cũng rất tiện lợi, nhất là trong điều kiện môi trường không gian rộng rải, thoáng mát, bé vận động được thoải mái hơn, việc chăm sóc bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để bé tăng khả năng đề kháng cũng thuận lợi hơn”.
Các bậc phụ huynh khi chăm sóc cho bé hằng ngày, cần chú ý đến các dấu hiệu có thể bé bị bệnh sốt xuất huyết. Nếu thể nhẹ, bé thường ít có các triệu chứng rõ ràng, nên cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với bệnh sốt thông thường như cảm lạnh hoặc chỉ là phát ban đỏ. Nhưng dấu hiệu để nhận biết thường là trẻ sẽ bị đau mắt, đau đầu, phát ban, buồn nôn… bệnh có thể được điều trị tại nhà, sau một tuần có thể sẽ khỏi. Tuy vậy, nếu quá trình chăm sóc sai cách thì bệnh vẫn có thể sẽ chuyển sang thể nặng rất nhanh chóng. Đối với những trường hợp bé ở thể nặng, các dấu hiệu nghiêm trọng như: Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi hoặc chân răng, nôn ra máu hoặc khi đi vệ sinh có máu trong phân, đau bụng, chân tay luôn bị lạnh ẩm, người mệt mõi li bì và bị choáng. Những trường hợp này cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu để quá muộn có thể dẫn đến tử vong hoặc có sẽ di chứng nặng về sau.
Bác sĩ Nguyễn Quang Phú, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho rằng: “Đây là một bệnh lý có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vấn đề là hiện nay vẫn còn khá nhiều người chưa biết cách nhận diện đúng về căn bệnh này, nên có một số trường hợp xử trí sai so với phát đồ chuyên môn, khiến cho bệnh nhân càng trở nặng hơn. Thông thường trong một ổ dịch sốt xuất huyết, cứ một người bị bệnh điển hình thì sẽ có đến hàng chục trường hợp khác có chứa virus tiềm ẩn và cũng không hề có triệu chứng rõ ràng, nhưng nó hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn lây bệnh cho người khác”.
Nói chung, người dân cần phải hết sức cảnh giác đối với dịch sốt xuất huyết. Bởi căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế có đủ chức năng để được chẩn đoán sớm và tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác.