Dị tật vẹo cột sống bẩm sinh là một loại dị tật cột sống nguy hiểm đẻ lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan xung quanh nó. Mặc dù vẹo cột sống bẩm sinh hiện diện ngay khi sinh, nhưng đôi khi nó không được phát hiện kịp thời cho đến khi trẻ đến tuổi vị thành niên.
1. Dị tật vẹo cột sống bẩm sinh là gì?
Bệnh vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống lúc trẻ mới sinh. Tỷ lệ là 1 trên 10.000 trẻ sơ sinh và ít gặp hơn so với các loại vẹo cột sống bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên.
Trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh đôi khi còn có các dị tật đi kèm khác chẳng hạn như bất thường ở thận hoặc bàng quang.
Trắc nghiệm: Những điều cần biết về vẹo cột sống
Vẹo cột sống là sự cong vẹo bất thường của cột sống. Có nhiều loại tùy theo nguyên nhân và độ tuổi phát hiện bệnh. Bên cạnh đó, cũng tùy theo mức độ nặng của đường cong, nguy cơ tăng nặng thêm mà áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau.
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I, Đặng Minh Quang , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình
2. Nguyên nhân gây vẹo cột sống bẩm sinh
Vẹo cột sống bẩm sinh là loại bệnh không thể phòng ngừa và cũng khá khó chữa. Nguyên nhân gây bệnh là sự rối loạn trong quá trình hình thành và phát triển cột sống từ thời kỳ phôi thai. Gần đây, có nhiều nghiên cứu cho thấy dị tật này có liên quan đến gen và di truyền.
Dị tật cột sống bẩm sinh có diễn tiến nhanh, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì. Góc vẹo dưới 20 độ được xem là cong vẹo nhẹ, bệnh nhân chưa phải điều trị mà chỉ cần tập thể dục và học cách giữ tư thế cân bằng. Khi góc vẹo là 25-39 độ, bệnh nhân phải mang nẹp chỉnh hình từ 16 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Nếu vẹo nặng (từ 40 độ trở lên) thì phải tiến hành phẫu thuật chỉnh hình.
Quá trình vẹo cột sống thường diễn tiến từ từ và không có cảm giác đau đi kèm nên trẻ không được quan tâm đúng mức. Biểu hiện sớm của vẹo cột sống là hai khối cơ dọc hai bên cột sống không đều nhau, rất dễ nhận thấy nếu cha mẹ thường xuyên nhìn hoặc sờ lên đó. Khi vai lệch thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
3. Chẩn đoán vẹo cột sống bẩm sinh
3.1.Thăm khám
Nghiệm pháp chuẩn để kiểm tra dị tật vẹo cột sống là cúi cong người về phía trước. Trẻ sẽ cúi cong người về phía trước. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát trẻ từ phía sau để tìm kiếm một sự khác biệt trong hình dạng của xương sườn ở mỗi bên. Mọi bất thường ở cột sống sẽ được phát hiện tốt nhất khi trẻ đang ở trong vị trí này.
Khi trẻ đứng thẳng, bác sĩ sẽ kiểm tra xem hông có cân bằng, vai cân bằng, và vị trí đầu của trẻ có ngay chính giữa không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra sự chuyển động của cột sống theo các hướng.
Để loại trừ vấn đề về tủy sống hoặc thần kinh, bác sĩ có thể kiểm tra sức mạnh cơ ở chân của trẻ và các phản xạ ở bụng và chân.
3.2.Xét nghiệm
Mặc dù nghiệm pháp cúi cong về phía trước có thể phát hiện chứng vẹo cột sống nhưng nó không thể phát hiện ra sự hiện diện của những bất thường bẩm sinh. Kiểm tra hình ảnh có thể cung cấp thêm những thông tin cần thiết.
3.3.X-quang
Hình ảnh cột sống của trẻ được chụp từ 2 phía trước-sau và bên. X-quang sẽ cho biết các đốt sống bất thường và mức độ nghiêm trọng đường cong.
Sau khi trẻ đã được bác sĩ chẩn đoán chứng vẹo cột sống bẩm sinh. Trẻ sẽ được chuyển đến một bác sĩ chuyên phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em để đánh giá và có sự theo dõi kỹ hơn.
3.4.Chụp cắt lớp điện toán (CT)
Chụp cắt lớp điện toán (CT) có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cột sống của trẻ, hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của các đốt sống. Để xem các đốt sống tốt hơn, bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh 3D làm từ CT giống như xem một bức ảnh thật của cột sống.
3.5.Siêu âm
Bác sĩ sẽ siêu âm thận của trẻ để phát hiện bất kỳ bất thường nào nếu có.
3.6.Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI có thể đánh giá các mô mềm tốt hơn so với chụp CT. MRI sẽ được thực hiện để kiểm tra bất thường của tủy sống ít nhất một lần cho một trẻ.
4. Hậu quả của dị tật vẹo cột sống bẩm sinh
Thông thường, với các trường hợp vẹo cột sống bẩm sinh nếu không phát triển mạnh thì không gây ra quá nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với các trường hợp dị tật nặng, lệch vẹo nặng từ khi mới sinh ra và tiến triển theo thời gian (nhất là giai đoạn tuổi dậy thì) sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng:
4.1 Ảnh hưởng đến dáng đi
Hậu quả đầu tiên có thể nhìn thấy rõ bên ngoài của vẹo cột sống bẩm sinh là mất yếu tố thẩm mỹ về dáng, do đây là xương sống chủ lực nên hầu hết phần trên của cơ thể sẽ bị nghiêng vẹo khác nhau khiến dáng đi của người bệnh biến dạng tùy theo mức độ lệch vẹo khác nhau.
4.2 Đau lưng thường xuyên và viêm đốt sống
Hầu hết các trường hợp bị lệch vẹo cột sống đều gây ra những cơn đau ở mức độ khác nhau. Các cơn đau là do sự chèn ép đến các cơ quan xung quanh xương sống, cụ thể là các đốt sống gây nên, các trường hợp nặng sẽ gây viêm đốt sống vô cùng nguy hiểm.
4.3 Dễ xảy ra các bệnh lý khác về cột sống
Lệch vẹo cột sống nếu không sớm được chữa trị sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và các bệnh lý khác.
4.4 Ảnh hưởng đến lồng ngực
Lệch vẹo cột sống phần sau lồng ngực sẽ chèn ép đến tim phổi gây ra các bệnh lý hết sức nguy hiểm tại vùng này. Đặc biệt nếu tác động mạnh đến phổi sẽ khiến trẻ cảm thấy khó thở và nhiều trường hợp bị ngạt.
5. Điều trị vẹo cột sống
Có nhiều phương pháp điều trị cho chứng cong vẹo cột sống bẩm sinh. Trong kế hoạch điều trị cho trẻ, bác sĩ sẽ đánh giá phân loại bất thường cột sống, mức độ nghiêm trọng của đường cong và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ.
Bác sĩ sẽ dự đoán khả năng đường cong vẹo của trẻ có khả năng trở nên tồi tệ hay không và đề nghị phương pháp điều trị tối ưu nhất cho trẻ.
5.1.Điều trị không phẫu thuật
Theo dõi : Đối với trẻ có một đường cong vẹo góc nhỏ không thay đổi sẽ được theo dõi để đảm bảo rằng đường cong sẽ không trở nên tệ hơn. Mặc dù điều đó không xảy ra với mọi trẻ. Dị tật vẹo cột sống bẩm sinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi cột sống phát triển dẫn đến biến dạng của lưng trở nên rõ ràng hơn. Nhiều khả năng đường cong vẹo của trẻ sẽ nặng hơn theo sự phát triển của trẻ
Vì vậy, bác sĩ sẽ theo dõi sự thay đổi đường cong cột sống của trẻ bằng cách cho chụp X-quang cột sống định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng trong những năm phát triển của trẻ.
Hoạt động thể chất không làm tăng nguy cơ tiến triển của đường cong. Trẻ em bị vẹo cột sống bẩm sinh vẫn có thể tham gia ở hầu hết các môn thể thao và hoạt động yêu thích.
Nẹp lưng: Thường thì nẹp lưng không có hiệu quả trong việc điều trị vẹo cột sống bẩm sinh nhưng đôi khi chúng được sử dụng để hạn chế xuất hiện sự phát triển đường cong bù trừ từ đốt sống bình thường.
5.2.Điều trị phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật cho trẻ trong những trường hợp sau:
- Có đường cong nhẹ nhưng tăng đáng kể trong quá trình theo dõi bằng phim X-quang
- Có đường cong vẹo nghiêm trọng từ lần đầu tiên thăm khám
- Có cột sống hoặc thân mình bị biến dạng nhiều
- Có dấu hiệu thần kinh do bất thường trong tủy sống.
Một mục tiêu quan trọng của phẫu thuật là cho phép cột sống và lồng ngực phát triển càng nhiều càng tốt. Có một số lựa chọn phẫu thuật như sau:
Hàn liên đốt sống: Trong phương pháp này, các đốt sống cong bất thường được kết hợp lại với nhau bằng dụng cụ kim loại tạo thành một khối xương vững chắc. Điều này sẽ chấm dứt sự phát triển của đoạn cột sống bị vẹo và ngăn chặn các đường cong trở nên tệ hơn.
Cắt bỏ đốt sống bị tật khuyết nửa đốt sống: Đốt sống bị tật khuyết nửa đốt sống có thể được làm phẫu thuật cắt bỏ. Việc điều chỉnh một phần của đường cong được thực hiện bằng cách này có thể kết hợp thêm với việc đặt dụng cụ cố định. Phương pháp này chỉ có thể kết hợp 2-3 đốt sống với nhau.
Đặt dụng cụ thay đổi được chiều dài: Thanh dọc dụng cụ cố định đốt sống sẽ được kéo dài bằng một phẫu thuật nhỏ và được tiến hành lặp đi lặp lại mỗi 6-8 tháng. Mục tiêu kéo dài thanh dụng cụ là để cho phép cột sống của trẻ tiếp tục tăng trưởng trong khi sửa chữa các đường cong. Một hoặc hai thanh dọc sẽ được gắn vào cột sống ở trên và dưới đường cong. Cứ mỗi 6-8 tháng, trẻ trở lại gặp bác sĩ và thanh dọc được kéo dài ra để theo kịp với sự phát triển của trẻ. Khi trẻ đã phát triển đầy đủ, các thanh sẽ được thay thế và hàn cứng khớp đốt sống được thực hiện.
Phục hồi chức năng: Trẻ nhỏ thường phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật và được xuất viện trong vòng 1 tuần. Tùy thuộc vào cuộc phẫu thuật, trẻ có thể cần phải mặc nẹp lưng trong vòng khoảng 3-4 tháng. Một khi vết mổ ổn định, bé được phép tham gia vào hầu hết các hoạt động mà trước đây đã từng tham gia.
Vẹo cột sống bẩm sinh được phát hiện ở trẻ nhỏ là một trong những loại vẹo cột sống rất khó điều trị. Các đường cong có thể lớn ngay lúc đầu. Cùng với sự phát triển cơ thể của trẻ, nhiều khả năng đường cong sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù việc hàn liên đốt sống khi còn nhỏ tuổi sẽ làm cho cột sống và thân mình của trẻ ngắn đi. Nhưng trẻ có thể có cuộc sống chất lượng tốt và có được các chức năng cơ thể bình thường, hoặc gần như bình thường.