Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, sự sống và sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, thực phẩm cũng có thể là nguồn gốc gây bệnh nguy hiểm và nhiều hệ lụy khác nếu không đảm bảo an toàn. Mặc dù, các chính phủ trên thế giới đều rất quan tâm để cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng những ca ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra đáng kể ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)[1] ghi nhận có hơn 200 bệnh lây truyền qua thực phẩm, Tổ chức đã nhận thức được sự cần thiết phải giáo dục cho những người chế biến thực phẩm về trách nhiệm của họ về an toàn thực phẩm. Đầu những năm 1990, WHO đã phát triển hướng dẫn Mười nguyên tắc vàng về thực phẩm an toàn, đã chuẩn bị, được dịch và sao chép rộng rãi. Tuy nhiên, để dễ hiểu hơn và có thể áp dụng rộng rãi hơn. Sau gần một năm tư vấn về an toàn thực phẩm cho các chuyên gia và người tiêu dùng, WHO đã giới thiệu tuyên truyền Năm chìa khóa vàng để thực phẩm an toàn hơn. Năm chìa khóa vàng kết hợp tất cả các thông điệp của Mười quy tắc vàng để chuẩn bị thực phẩm an toàn theo các tiêu đề đơn giản hơn, dễ nhớ hơn và cũng cung cấp thêm chi tiết về lý do đằng sau biện pháp đề xuất.
Thông điệp cốt lõi của Năm chìa khóa để thực phẩm an toàn hơn là: (1) Giữ vệ sinh; (2) Để riêng thực phẩm sống và chín; (3) Đun nấu kỹ; (4) Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; và (5) Sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi. Nội dung này đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và đang được sử dụng để truyền bá thông điệp vệ sinh thực phẩm của WHO trên toàn thế giới thế giới.
1. Giữ vệ sinh (phòng ngừa các vi khuẩn, vi-rút phát triển và lan truyền)
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh
- Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm
- Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập
2. Để riêng thực phẩm sống và chín (phòng ngừa sự lây lan vi sinh vật gây hại)
- Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm khác
- Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống
- Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín
3. Đun nấu kỹ (tiêu diệt vi sinh vật nguy hiểm)
- Đun nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản
- Các thực phẩm như súp, nước dùng phải đun sôi. Đối với thịt gia súc và gia cầm, sau khi nấu, luộc, nước bên trong miếng thịt phải trong, không còn màu hồng
- Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước
4. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn (ngăn ngừa sự phát triển vi sinh vật)
- Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ
- Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 5°C)
- Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60°C) trước khi ăn
- Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu kể cả để trong tủ lạnh - Không rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng
5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi
- Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm
- Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng
- Chọn thực phẩm đã qua chế biến phải đảm bảo an toàn, thí dụ như sữa thanh trùng.
- Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống
- Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.