Thay vì lấy ngay một món đồ chơi để đưa con, 5 lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn.
Trước hết, hãy hình dung ra khung cảnh này: bạn cùng con đang ở trên giường. Em bé đùa nghịch với một con thú bông hoặc chơi với sách. Bạn vui vẻ ngắm nhìn thiên thần nhỏ của mình hoặc ngồi xuống bên cạnh, thưởng thức cuốn sách của bạn. Đột nhiên, em bé bắt đầu kêu e e tỏ vẻ buồn chán.
Giải thích về điều này, tiến sĩ Celeste Kidd, nhà khoa học nhận thức phát triển tại Đại học Rochester (Mỹ) cho biết: "Nếu trẻ tiếp xúc với thứ gì đó mà trẻ đã biết mọi điều về nó, hứng thú sẽ không còn và trẻ sẽ muốn đi tìm thứ khác. Đó là cơ chế không lãng phí thời gian vào những thứ không đem lại đủ giá trị học hỏi có sẵn ở mọi đứa trẻ. Bạn có thể coi đó là sự nhàm chán".
Không phải đồ chơi đắt tiền, hào nhoáng sẽ kích thích trẻ.
Khi thấy con có dấu hiệu chán chơi thứ đang chơi, bố mẹ có xu hướng đưa cho con ngay 1 đồ chơi mới để đánh lạc hướng trẻ. Nhưng làm vậy không phải lúc nào cũng tốt? Vậy chúng ta nên xử lý thế nào?
1. Đáp lại bé
Hãy nhớ rằng khóc hoặc bất kỳ âm thanh cho thấy sự bực bội, khó chịu nào khác mà bé tạo ra là cách bé giao tiếp. Con đang cố gắng nói với bạn điều gì đó, và điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trò chuyện lại cùng con. Hãy để con biết rằng bạn đã nghe những gì con "nói".
Janet Lansbury, cố vấn nuôi dạy con, tác giả kiêm người dẫn chương trình podcast nổi tiếng Respectful Parenting, đưa ra lời khuyên: "Ngay lập tức, tôi sẽ phản hồi như thể con vừa nói gì đó. Vì trẻ không thể diễn đạt bằng lời nên khá khó hiểu, nhưng chúng ta vẫn có thể thấu hiểu trẻ. Ngay cả khi em bé không nhìn vào bạn, hãy nói điều gì đó với con như: 'Nè, mẹ nghe thấy con đấy. Có chuyện gì vậy?'".
2. Đưa cho con đồ chơi "đúng"
Đồ chơi đúng là gì? Thực tế, đó không nhất thiết là loại đồ chơi đắt tiền hay hào nhoáng bởi chúng có thể tạo ra những kích thích quá mạnh so với em bé của bạn. Tiến sĩ Kidd giải thích, loại đồ chơi đúng kiểu có thể là thứ mà con bạn đã nhìn thấy và cầm lên. "Ví dụ: thìa, bát hoặc cốc có chia vạch đo và có thể xếp chồng lên nhau. Những thứ mà trẻ đã có một số hiểu biết nền tảng nhưng chưa đầy đủ".
Đó cũng là lý do tại sao trẻ nhỏ lại thấy chìa khóa nhà hoặc xe hấp dẫn đến vậy. Con vẫn chưa hiểu công dụng của chìa khóa, nhưng đã thấy bố mẹ sử dụng chúng và điều đó khơi gợi sự tò mò trong trẻ. Tương tự với các vật dụng thường ngày khác như thìa hoặc chiếc cốc du lịch yêu thích của bạn. Sự thật là, những điều đơn giản nhất sẽ làm cho bé vui.
3. Mỗi lần chỉ đưa cho trẻ chơi 1 món đồ
"Bạn có thể khiến bé quá tải nếu cho bé có quá nhiều đồ chơi cùng một lúc", chuyên gia phát triển trẻ em Dorothy Einon cho biết trong một chuyên mục của Baby Center UK. "Kết quả là không món gì trong đống đồ chơi trước mặt hoàn toàn thu hút sự chú ý của bé và con cũng chẳng chơi gì hết. Để giúp bé tập trung với món đồ chơi của mình, hãy để hầu hết đồ chơi ra khỏi tầm mắt bé. Mỗi lần, chỉ đưa một thứ cho con. Nếu bé tỏ vẻ không hứng thú, hãy cất nó đi và một thử cái khác".
4. Để bé thư giãn
Trẻ con dễ dàng cảm thấy choáng ngợp và bị kích thích quá mức. Khi có quá nhiều thứ xảy ra, trẻ sớm trở nên bồn chồn và mệt mỏi. Vì vậy, khi con đang chơi mà thấy bé bắt đầu có dấu hiệu càu nhàu, bố mẹ hãy giữ bình tĩnh. Quan sát xem liệu con có bị mệt mỏi, buồn ngủ, đói, khó chịu hay đau đớn gì không. Nếu cảm thấy không chắc chắn về điều làm bé buồn bực, rất có thể bé chỉ cần nghỉ chơi. Lansbury khuyên, lúc này hãy thử bế bé trong vòng tay của bạn một chút (lưu ý vẫn giữ ở tư thế ngồi) cho tới khi con muốn được đặt xuống sàn và tiếp tục chơi.
Nhà tâm lý học trẻ em lâm sàng Angharad Rudkin cũng gợi ý về một khoảng thời gian yên tĩnh giữa giờ chơi: "Thử đặt bé vào một vị trí khác trong phòng hoặc tại một điểm có tầm nhìn ra ngoài cửa sổ. Làm vậy giúp bé nghỉ ngơi và bộ não của bé có cơ hội để bắt kịp và học hỏi từ tất cả những trò chơi vui mà bé vừa thực hiện".
5. Cha mẹ là bạn chơi tốt nhất của con
"Có một vấn đề cần lưu ý là những loại đồ chơi hào nhoáng có khả năng gây kích thích quá mạnh cho bé, trong khi trẻ lại không cần điều này. Thay vào đó, việc cha mẹ tương tác với con mới tác động tích cực đến trẻ. Không phải lúc nào cũng nên chọn các tấm thẻ flashcards hay đồ chơi đắt tiền có chuông và còi. Trẻ học hỏi từ việc tương tác với cuộc sống, với bố mẹ", chuyên gia nuôi dạy con Jodie Benveniste chia sẻ với tờ Daily Telegraph.
|