Cô giáo Phạm Thị Hà – giáo viên trường Mầm non Chim Én, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội.
Một buổi sáng, nắng nhẹ, gió mơn man, tôi bước từng bậc thang tiến về phía lớp của chị Phạm Thị Hà để thực hiện bài phóng vấn trước khi viết bài dự thi “Tấm gương người tốt, việc tốt”. Vẫn dáng người bé nhỏ, đôi tay thoăn thoát, chị đang cùng mọi người tổng vệ sinh trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Trong không gian thoáng đãng, rực rỡ màu hoa, xanh mát màu của cây lá trước cửa lớp, chị ngắm nhìn những chậu cây nhỏ, tỉ mẩn lau từng chiếc lá, tỉa cành rồi lại đặt chúng sao cho thật ngăn nắp, chốc chốc chị lại cùng đồng nghiệp của mình kiên nhẫn lách từng nhát chổi qua thanh cầu thang nhỏ bé để cọ rửa mới thấy phẩm chất yêu thương, vị tha, kiên nhẫn của người giáo viên không chỉ trau dồi bằng kiến thức mà còn được góp nhặt từ những điều rất đỗi bé nhỏ trong cuộc sống…
Hành trình của những yêu thương
Kéo chiếc ghế lại gần tôi, chị Hà bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói nhẹ nhàng trầm bổng, điều thật hiếm hoi giữ được với những cô giáo đã trong nghề 16 năm. Chỉ nhiêu đó thôi đủ để tôi quên đi cái từ chuyên ngành đã ăn sâu vào máu “phỏng vấn” để cùng chị trải lòng những câu chuyện về nghề giáo… Chị tâm sự: “đó là những tháng năm tuổi trẻ đầy sôi nổi, hoài bão, nhưng cũng vô vàn khó khăn trong cuộc sống cũng như trong môi trường sư phạm”. Tuổi mười tám, như bao bạn bè cùng trang lứa, chị háo hức bước vào kì thi Đại học với khao khát trở thành một cô giáo với tình yêu, lòng kính trọng dành cho cô giáo mầm non thủa nhỏ của mình. Để từ đó chị yêu nghề, chọn nghề và góp sức làm cho nghề dạy học trở thành nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo.
Cô sinh viên Phạm Thị Hà dưới mái trường CĐSP Mẫu giáo TW1 khoá 1996- 1999
Cũng giống chị, một cơ duyên nào đó khiến tôi quay ngược quãng thời gian thanh xuân của mình dưới mái trường Báo chí để tâm huyết với nghề dìu dắt trẻ. Ngày về trường công tác, tôi ấn tượng với nét mặt vui tươi, phúc hậu, dáng đi nhanh nhẹn, ít ai biết rằng chị Hà đã có hơn 16 năm gắn bó với nghề thay mẹ dạy trẻ và có hơn 10 năm gắn bó với mái trường mầm non Chim Én. Hình ảnh của chị trong công việc thật nhiệt tâm và cần mẫn như những con tằm nhả tơ mà không ngại sự xoay vần của tạo hóa. Thời gian cứ trôi đi, với lòng yêu trẻ, yêu nghề và nhiệt huyết cùng với sự giúp đỡ, động viên của lớp người đi trước, chị Hà dần trưởng thành trong sự nghiệp giáo dục của mình, chị luôn được đánh giá là một trong những người giáo viên vững chuyên môn của nhà trường và nhiều năm làm công tác quản lý chuyên môn của khối. Chị khát khao tìm ra những phương pháp dạy học mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường nói chung. Chị kiên trì học hỏi từ đồng nghiệp, sách báo để kịp thời cập nhật các phương pháp dạy học, đổi mới hình thức tổ chức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy, bài soạn. Vượt lên những hạn chế nhất định của bản thân, chị hăng hái tham gia các cuộc vận động, các cuộc thi do trường cũng như nghành phát động: tham gia nhiệt tình các cuộc thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm… Ngọn lửa với nghề của chị dường như chưa bao giờ lụi tàn mà nó cứ âm ỉ và bền bỉ theo thời gian.
Những ngày cuối tháng 4, dưới cái nắng dần len lỏi sự gay gắt của những ngày đầu hè báo hiệu một năm học dần kết thúc nhưng đó là vòng quanh khép kín của những năm học trước còn năm học này, cô và trò vẫn chưa thể hoàn thành “chuyến đò” của mình bởi đại dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp trên toàn thế giới khiến các trường học phải tạm thời đóng cửa. Chị Hà và các đồng nghiệp lại tất bất chuẩn bị những bài học online gửi đến các con, xuất phát điểm chị nhận thấy bản thân chưa phải là giáo viên có trình độ tin học giỏi. Để thích nghi với sự đổi mới từng ngày của giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19 chị càng thôi thúc bản thân phải học hỏi để thay đổi và phát triển. Với những kinh nghiệm, sáng kiến nhiều năm trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ, chị tự tin truyền đạt bài giảng của mình đầy tính sáng tạo qua màn hình online và đặc biệt hơn bài giảng ấy là thảnh quả “ngọt” của một giáo viên không còn trẻ nhưng không cho phép bản thân ngừng cầu tiến khi chị tự tay quay video, biên tập và dựng phim cho bài giảng của mình. “Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, trí tuệ và hiệu quả” đó là sự ghi nhận của tất cả đồng nghiệp và là điều mà thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi cần phải học ở chị Hà. Tôi mong chị có thật nhiều sức khỏe để đồng hành cùng nhà trường trên con đường gieo mầm non đất nước.
Nghề thay mẹ dạy trẻ
16 năm qua, chị vẫn luôn dành trọn tình yêu thương cho học sinh, những đứa trẻ gọi “cô Hà” trìu mến, thân thương mỗi ngày đến trường. Mỗi lần có việc đi ngang qua hành lang rộng, với nhiều ánh sáng của lớp chị Hà, tôi thường nán lại nhìn qua khung cửa ngắm nhìn cô trò đang say sưa với những hoạt động đầy tính sáng tạo, nghe văng vẳng những câu hát, bài thơ, nụ cười ròn tan của lũ trẻ, điều đó khiến tôi tin chắc đây chính là khoảng trời đầy màu sắc, chan chứa niềm vui, nuôi dưỡng những tình cảm mềm mại, gần gũi khi lũ trẻ lớn lên…
Nhiều năm học trôi qua với biết bao thế hệ học trò với các lứa tuổi khác nhau, kỉ niệm cũng từ đó đong đầy trong kí ức chị Hà. Hình ảnh cô giáo với lũ trẻ thật giống cô tiên, kì diệu và huyền bí nhưng cũng có những tình cảm trong sáng, thuần khiết đến ngọt ngào. Ngày gắn bó với lớp Mẫu giáo bé, một chàng trai nhỏ trong lớp luôn dành cho chị ánh mắt đặc biệt. Thầm nghĩ con khó ngủ chị trao đổi lại với bố mẹ thì được biết con rất yêu quý cô Hà, con nhờ bố mẹ treo ảnh cô lên tường và luôn dành cho cô nụ hôn trước giờ đi ngủ. Đến bây giờ, lòng chị vẫn miên man những xúc cảm ngọt ngào trước tấm lòng của học trò nhiều thế hệ.
Luôn có những câu hỏi “cô đã quên em’?
Học trò quá nhiều làm sao cô nhớ hết
Thời gian vô tình không phai mờ kỉ niệm
Cô vẫn nhớ em, chàng trai “mối tình đầu”…
Là một người khiêm tốn, chị thường không nói nhiều về bản thân nhưng hành động và sự yêu thương chân thành của chị không chỉ khiến các con học sinh coi chị như người mẹ thứ hai mà trong lòng các Phụ huynh đã từng gửi gắm con em mình luôn coi chị như người thân trong gia đình. Những tình cảm trân trọng ấy của phụ huynh được lớn lên cùng hành trình trưởng thành của các con. Là khi chứng kiến đứa con bé bỏng của mình ngày đầu đến lớp khóc nấc đến khản tiếng rồi cũng chịu đi học vì “ở lớp có cô Hà”, là khi em bé của bố mẹ chưa ăn được cháo hạt cứ khóc rồi nhịn ăn nhưng không nói khiến cô lo nhưng cô quyết tìm ra nguyên nhân rồi tự mình mang máy xay đến lớp và con khoe bố mẹ “con ăn ngon ở lớp vì cô Hà xay cháo cho con”
Những năm tháng tự hào
Gắn bó với mái trường Chim Én từ những ngày trường lớp còn đơn sơ, những dãy nhà cấp bốn, ngoài cửa có giàn hoa sải cành che cho lũ học sinh thành hiên lớp. Trong ký ức non nớt của lũ trẻ, đồ chơi của chúng đơn giản là chiếc lá đa, lá dừa cạn, chiếc bập bênh, cầu trượt xước sơn mà cô trò vẫn giòn vang tiếng cười, các lớp học đều vang tiếng hát mỗi ngày đến trường. Đó là những năm tháng nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cùng với Ban giám hiệu, chị Hà và các đồng nghiệp vẫn đảm bảo việc nuôi, dạy, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho các con. Có những giọt mồ hôi của sự vất vả nhưng cũng có cả những giọt nước mắt của hạnh phúc khi chứng kiến các con trưởng thành và đi qua những năm tháng khó khăn ấy chị và mọi người vẫn cùng nhau bám trường bám lớp, cùng nhau xây dựng và phát triển nhà trường đến ngày hôm nay. Chị tâm sự “đối với chị và các giáo viên cùng thế hệ đó là những kỷ niệm đẹp và hết sức tự hào không bao giờ quên”.
Chị tâm sự với tôi: “Có lẽ điều quan trọng nhất đối với chị khi mới chập chững bước vào nghề đó là chị may mắn được cống hiến trong một môi trường thuận lợi, một tập thể đoàn kết, hết lòng vì đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm. Vượt lên trên tình đồng nghiệp, giữa các chị là tình yêu thương, tình chị em chung sống trong mái nhà “mầm non Chim Én” và cũng chính nơi đây đánh dấu sự trưởng thành của chị là những năm đạt giáo viên giỏi cấp Thành phố, ngày được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Sự chỉn chu của cô giáo Phạm Thị Hà từ những trang giáo án đến tác phong sư phạm
Nhắc đến chị Hà, những đồng nghiệp đã gắn bó cùng chị nhiều năm trôi qua đều cảm nhận được ở chị lối sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của mọi người để rồi mỗi khi nhắc đến chị, mọi người đều dành những tình cảm quý mến.
Tôi đùa với chị rằng, chị là người chu toàn vậy chắc anh nhà chị được nhờ lắm. Nói đến đây, chị ngập ngừng chia sẻ “Chị may mắn có người chồng trở thành người cha đảm đang kiêm luôn nhiệm vụ làm mẹ. Chăm lo, dỗ dành con ăn sáng và thực hiện công việc đưa đón con đi học. Rồi lại gửi gắm cho cô – những đồng nghiệp của vợ. Chuyện thong thả ngồi tán gẫu, cà phê bạn bè trở thành ký ức. Rồi có những hôm vợ bận họp thì chuyện đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo cũng dần trở thành chuyện của chồng”. Hiểu được những trăn trở và sự cống hiến nghiêm túc trong công việc của vợ, chồng chị luôn động viên và sẵn sàng tiếp sức cho vợ.
Nếu thời gian có quay trở lại…
Mỗi năm học trôi qua, những kỷ niệm sâu sắc với mái trường, với học trò thân thương lại đong đầy trong trái tim chị Hà... để rồi 17, 18, 19…nhiều năm nữa trôi qua, chị vẫn luôn tâm niệm với nghề của mình “Nếu thời gian có quay trở lại ngày xưa ấy, tôi vẫn chọn nghề giáo”.