Ở bậc mầm non, trẻ đã bắt đầu được nghe giáo dục giới tính về vùng riêng tư, sự kín đáo, quyền của cơ thể... Thế nhưng, các em nghe một đằng nhưng lại được thực hành một nẻo.
Trẻ nghe một đằng, thực hành một nẻo
Một trường mầm non nọ đưa chuyên đề về giáo dục giới tính (GDGT) vào cho trẻ. Chuyên gia sử dụng các bức tranh vẽ, những vật dụng như quần lót, đồ bơi... giúp các em hình dung được vùng riêng tư, nơi kín đáo trên thân thể.
Một cách dễ hiểu như thay đồ, đi vệ sinh nơi kín đáo; không được nhìn, dùng lời nói hay động tác xâm phạm cơ thể người khác.
Một học sinh tiểu học ở TPHCM hướng dẫn về "vùng đồ bơi" cho các em nhỏ
Thế nhưng, ngay sau buổi học, chuẩn bị cho giờ trả trẻ, các bé cả nam lẫn nữ, 4 - 5 tuổi, tồng ngồng giữa lớp, để thay quần áo. Nhiều em tò mò chỉ trỏ về cơ thể của nhau.
Bài học giới tính nhà trường đã nỗ lực để tổ chức, thu xếp thời gian, bỏ tiền mời chuyên gia đến đã trở thành công cốc. Ngoài các buổi chuyên đề, trong hoạt động của trường, cũng có những giờ học giáo viên nói với các em về GDGT, về cơ thể, về sự kín đáo, riêng tư. Nhưng rồi, trẻ nghe một đằng, thực hành một nẻo.
Trẻ được dạy thân thể là riêng tư nhưng ở các lớp học bơi cho trẻ mầm non, lại dễ thấy "cơ thể này là của chung". Nhiều nơi có cả dãy nhà tắm nhưng giáo viên cho hàng chục trẻ cùng thoải mái thay đồ ngay giữa hồ bơi, nơi còn có rất nhiều người.
Cô Lê Ngọc Thanh, quản lý một trường mầm non tại TPHCM kể, ở trường mình, khi trẻ thay quần áo đều có vách ngăn giữa nam và nữ; khi đi vệ sinh, cũng chia nhóm nam nữ.
Giáo dục giới tính là dạy trẻ giữ gìn, tôn trọng thân thể, nhân phẩm của mình và của người khác (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cô Thanh biết ở nhiều trường, nhiều lớp khác, giáo viên đã được chỉ dẫn nhưng họ không thực hiện hoặc làm qua loa cho có. Các cô kêu trẻ đông, không có vách ngăn... trong khi chỉ cần một tấm rèm là đã có thể giải quyết được. Tấm rèm ngăn cách có thể không che được sự tò mò của các em nhưng giúp các em hiểu mình cần ý tứ trong sinh hoạt, phải giữ gìn cho bản thân và cho người khác.
"Vấn đề nằm ở tư duy, nhiều quản lý và giáo viên cho rằng đây là chuyện nhỏ, con nít đã biết gì nên qua loa sơ sài", cô Thanh nói.
Giáo dục giới tính cho trẻ: Phải thay đổi người lớn
Một chuyên gia tâm lý trẻ em nhấn mạnh, điều quan trọng trong GDGT là tôn trọng thân thể và quyền riêng tư của học sinh, giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của cơ thể cũng như quyền tự chủ với chính cơ thể mình.
Thế nhưng, người lớn, và ngay cả giáo viên thường gặp khá nhiều "lỗi" trong GDGT. Điều này không chỉ do thói quen mà còn xuất phát từ cả tư duy, người lớn chưa thật sự tôn trọng cơ thể, nhân phẩm của trẻ.
Giáo viên dễ vi phạm "quyền tự chủ với cơ thể mình" của trẻ trong nhiều tình huống thường ngày như ép ăn, ép đi vệ sinh, trẻ đang sợ hãi thao thức thì dọa dẫm bắt đi ngủ...
Vi phạm sự riêng tư của trẻ như "nựng" trẻ; tắm rửa, thay đồ cho các bé chung nhau; đăng hình ảnh cá nhân trẻ lên mạng...
Việc ngại ngần dùng thuật ngữ chính xác gọi tên các bộ phận trên cơ thể đã vô tình khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng về "một thứ gì đó" cần phải tránh xa hoặc giấu giếm, thậm chí mơ hồ cảm thấy bộ phận ấy bẩn, tục, bậy, xấu xa. Điều này làm các em rất khó chia sẻ khi gặp những tình huống xấu hay bị xâm hại.
TPHCM đưa giáo dục giới tính vào trường mầm non, bắt đầu cho trẻ từ 3 tuổi (ảnh minh họa)
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TPHCM cho hay, bản chất của GDGT chính là giáo dục làm người. Ở đó, đề cao sự tôn trọng, không được xâm hại cơ thể, nhân phẩm của bản thân và của người khác.
Việc GDGT là một tiến trình suốt đời phải được bắt đầu từ rất sớm, thể hiện ngay trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày về việc nâng niu cơ thể mình và tôn trọng người khác.
Thấy được tầm quan trọng của GDGT cho trẻ nhỏ, từ năm học này, Sở GD&ĐT TPHCM triển khai chương trình GDGT cho trẻ từ 3-5 tuổi. Mục đích giúp trẻ nhận biết giới tính bản thân, hiểu biết về các bộ phận trên cơ thể, sự kín đáo, quyền riêng tư với cơ thể mình và người khác...
Qua đó, giúp trẻ biết bảo vệ bản thân trước nguy cơ xâm hại, ngay cả khi không có cha mẹ và người chăm sóc trẻ bên cạnh; giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, qua đó biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác.
Đặc biệt, qua chương trình giúp giáo viên có kiến thức, kỹ năng và phương pháp về GDGT cho trẻ một cách khoa học; Có kiến thức và kỹ năng để trao đổi với phụ huynh, người chăm sóc trẻ và tổ chức các hoạt động GDGT cho trẻ theo từng độ tuổi.
Đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ sẽ có kiến thức và hiểu biết về GDGT cho trẻ; Quan tâm và thường xuyên trao đổi với trẻ về vấn đề sinh lý, giới tính; Thay đổi quan điểm, phối hợp tốt hơn với nhà trường trong việc GDGT cho trẻ.
|